Thoát nghèo nhờ mô hình tổ hợp tác rau an toàn
Thông qua mô hình này đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên trong tổ, nhất là các thành viên là phụ nữ dân tộc thiểu số.
Khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ đã tạo điều kiện cho rau màu phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho hội viên phụ nữ của THT. Để thu hoạch được các loại rau màu đạt tiêu chuẩn, các thành viên trong THT đã phải cùng nhau học hỏi kinh nghiệm về việc chăm sóc, làm cỏ, thu hoạch các loại rau; tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, các thành viên trong THT luôn chú trọng việc kiểm soát chặt chẽ các khâu làm đất, sử dụng phân bón, tuân thủ quy trình VietGap.
Thành viên Tổ hợp tác trồng rau an toàn Khu Thiện 2, xã Hưng Long, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ
Chị Sa Thị Thơ, Chủ nhiệm THT cho biết, tháng 1/2024, THT được thành lập và hoạt động dưới sự chỉ đạo, định hướng của Hội LHPN và Tổ Khuyến nông xã Hưng Long. Đến nay THT đã có 8 thành viên canh tác với tổng diện tích trên 1,2ha rau, củ, quả. Các loại rau an toàn chủ yếu được canh tác như dưa lê, dưa chuột, cà chua, mướp, một số rau màu khác cho sản lượng khoảng 18-28 tấn/1ha. Ước tính mỗi năm sẽ cho thu nhập khoảng 400-500 triệu đồng.
Trước đây, gia đình chị Thơ cũng thuộc hộ nghèo của xã, thu nhập từ nông nghiệp truyền thống không đủ lo cho gia đình. Được sự động viên, hỗ trợ của Hội LHPN xã, Chi hội phụ nữ Khu Thiện 2, chị Thơ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, canh tác những loại rau màu phù hợp với xu hướng thị trường. Mô hình hoạt động hiệu quả, chị đề xuất với Hội LHPN xã thành lập THT để cùng các chị em chung tay hỗ trợ nhau phát triển kinh tế nông nghiệp. Nhờ mô hình THT, không chỉ có chị Thơ, mà chị Thường, chị Huệ, chị Tám… ở Khu Thiện 2 đã thoát nghèo, cải thiện đời sống, bớt khó khăn hơn.
THT góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên trong tổ, nhất là các thành viên là phụ nữ dân tộc thiểu số- chị Thơ chia sẻ
Nhằm cải thiện đầu ra cho sản phẩm, các thành viên đã cùng nhau bàn bạc tìm hướng đi, chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm thông qua hệ thống siêu thị, đại lý phân phối... Nhờ đó, sản phẩm của THT được nhiều đơn vị đặt hàng. Tuy nhiên, bước đầu vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của mô hình. Vì vậy, các chị đang tiếp tục nâng cao kỹ thuật, chuyên môn canh tác, tìm hiểu và trồng thêm một số loại rau, củ, quả khác nhau và mở rộng đầu ra cho sản phẩm.
Theo chị Thơ, để đảm bảo đạt chất lượng rau an toàn, THT thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm; hệ thống tưới hiện đại nhằm cung cấp đủ nước sạch để sản xuất. Đặc biệt, sử dụng hệ thống tưới phun sẽ bảo đảm tưới đều khắp vườn rau, tạo độ ẩm thích hợp, giúp cây rau sinh trưởng và phát triển tốt; rút ngắn thời gian, tiết kiệm lượng nước tưới.
Sản phẩm của THT
Thành viên khi tham gia vào THT đều được trải qua các lớp tập huấn, hướng dẫn về quy trình sản xuất rau an toàn từ khâu làm đất, xử lý các mầm bệnh có trong đất để tránh nguy cơ nhiễm bệnh cho rau. Chọn giống, chăm sóc, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây rau. Cách xử lý và sử dụng thuốc trừ sâu sinh học thích hợp… cho đến lúc thu hoạch.
Mô hình này đòi hỏi các khâu phải kỹ, từ làm đất phải thật sạch đến việc nói không với phân, thuốc hóa học. Ngoài ra, THT còn kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc: đúng thời điểm, đúng thời gian cách ly, đúng liều lượng và đúng bệnh. Chính vì vậy, mà sản phẩm rau của THT luôn đảm bảo, không có lượng thuốc bảo vệ thực vật hay các chất hóa học khác tồn dư trong rau, củ, quả.
Điều này không những bảo vệ sức khỏe trực tiếp cho tổ viên trong quá trình gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ môi trường mà còn chính là điểm mạnh giúp cho sản phẩm rau an toàn Khu Thiện 2 có chỗ đứng trên thị trường và được thu mua với giá ổn định.
"Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục xây dựng kế hoạch trồng một số loại cây màu chủ đạo như dưa lê, dưa hấu, các loại rau màu khác trên diện tích có sẵn là 1,2ha. Dần dần thực hiện trồng trọt theo hướng hữu cơ 100%. Đồng thời tiếp tục tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm của tổ, nâng cao năng suất trung bình từ 10-30% so với hiện nay.
Mục tiêu thu nhập của tổ phụ thuộc vào mức độ canh tác và năng suất cây trồng trong năm. Chúng tôi phấn đấu nâng cao thu nhập mỗi thành viên", chị Thơ cho biết.
Việc thành lập mô hình sản xuất rau an toàn sẽ tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định
Theo đánh giá của Hội LHPN xã Hưng Long, mô hình THT rau an toàn của phụ nữ Khu Thiện 2 bước đầu đã đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của các thành viên trong tổ và đông đảo hội viên phụ nữ trên địa bàn xã. Trong đó, tập trung ưu tiên cho mục đích phát triển kinh tế tại địa phương. Đồng thời, tăng cường tính liên kết các hoạt động cung cấp nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất và đầu ra cho sản phẩm. Tạo việc làm ổn định cho các thành viên góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên. Qua đó duy trì, phát triển và mở rộng quy mô sản xuất rau an toàn cho các thành viên trong THT và nhân rộng trên địa bàn xã. Hội viên cùng nhau đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế; vận động người thân trong gia đình và cộng đồng cùng sản xuất sạch, tiêu dùng sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Việc thành lập mô hình sản xuất rau an toàn sẽ tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định. Đồng thời thúc đẩy hội viên phụ nữ xã Hưng Long phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, từ đó hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP của địa phương.
Liên hệ: Chị Sa Thị Thơ, Chủ nhiệm Tổ hợp tác trồng rau an toàn
Địa chỉ khu Thiện 2, xã Hưng Long, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ
SĐT: 0367049686