"Để thành công, cần xác định rõ mục đích khởi nghiệp của mình"

19/08/2024
Đang có công việc ổn định ở TPHCM, chị Phan Thị Ngọc Bích, Giám đốc Công ty TNHH Sâm Hoàng Ngọc, quyết định nghỉ việc, về quê nhà Long An khởi nghiệp.
Chị Phan Thị Ngọc Bích khởi nghiệp với cây sâm Bố Chính

Chia sẻ về bước ngoặt này của mình, chị Ngọc Bích cho biết: "Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo của huyện Đức Huệ (tỉnh Long An), vùng đất phèn đa số người dân chỉ trồng lúa, trồng chanh. Từ nhỏ, tôi đã cùng các chị ra đồng phụ ba mẹ nhổ cỏ, cắt lúa, dắt trâu đi cày. 

Hằng ngày chứng kiến cảnh ba mẹ làm lụng vất vả ngoài đồng, tối về bị đau lưng, khó ngủ nên tôi ấp ủ dự định sau này sẽ trồng cây dược liệu vừa chăm sóc sức khỏe ba mẹ vừa để phát triển kinh tế gia đình. 

Trong quá trình đi học, đi làm, tôi cố gắng tích góp tiền để khi có cơ hội thì về quê khởi nghiệp. May mắn là có một người bạn của tôi cũng có cùng ý tưởng này nên tôi càng có thêm động lực.

Khi đang có công việc ổn định, thu nhập khá tại TPHCM, chúng tôi vẫn không ngừng tìm tòi, đi thực tế, tham quan, học hỏi các mô hình về dược liệu. Chúng tôi nhận thấy giống sâm bố chính có tác dụng tốt cho khớp, an thần nên bắt đầu trồng thử nghiệm trên vùng đất quê hương vào năm 2018. 

Mới đầu trồng, do không có kinh nghiệm nên sâm bị hư, thất bại. Thế nhưng chúng tôi vẫn kiên trì thực hiện. Tôi đã quyết định nghỉ việc ở TPHCM để về tập trung khởi nghiệp, thành lập công ty, xây dựng nhà xưởng để tiện cho việc chế biến, bảo quản và quảng bá sản phẩm của mình ra thị trường".

Công ty của Phan Thị Ngọc Bích đang tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương

PV: Quá trình khởi nghiệp sau đó của chị diễn ra như thế nào?

Chị Phan Thị Ngọc Bích: Trong quá trình trồng sâm, chúng tôi gặp không ít khó khăn nhưng không vì vậy mà chúng tôi nản lòng. Chúng tôi vẫn kiên trì học hỏi và đúc kết kinh nghiệm. Sau này, chúng tôi gặp được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến mô hình của chúng tôi nên họ đã ngỏ ý hỗ trợ kỹ thuật, xử lý giống và đầu ra. 

Nhờ đó, công ty cho ra được giống sâm Hoàng Ngọc vừa có đặc tính của sâm bố chính và hồng sâm Mỹ, vừa thích nghi tốt hơn và dược tính cũng cao hơn. Để nâng cao giá trị sản phẩm, chúng tôi đã nghiên cứu, cho ra thị trường nhiều sản phẩm từ sâm như trà nhân sâm, nhân sâm sấy khô, sâm ngâm mật ong, sâm tươi cắt lát... 

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kết hợp với công ty du lịch để đưa khách đến tận vườn tham quan, nhất là vào mùa hoa sâm nở để trải nghiệm và giới thiệu các sản phẩm về sâm đến khách hàng.

Hiện tại, công ty của chúng tôi đang tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương và tạo việc làm thời vụ cho hàng chục lao động. Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục tăng diện tích trồng sâm từ 1-2ha hiện nay lên 5-7ha.

Chị Phan Thị Ngọc Bích khởi nghiệp với cây sâm Bố Chính

 PV: Theo chị, phụ nữ muốn khởi nghiệp thành công, cần những yếu tố gì?

Chị Phan Thị Ngọc Bích: Thực tế, phụ nữ khi khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ gặp không ít khó khăn. Như chúng tôi, khi bắt tay vào khởi nghiệp đều trực tiếp ra vườn làm, tập trung vào công nghệ sản xuất; tới giai đoạn quảng bá sản phẩm cũng phải đi rất nhiều nơi giới thiệu sản phẩm. 

Tôi nghĩ, để khởi nghiệp thành công thì quan trọng nhất phải có quyết tâm, phải xác định rõ mục đích khởi nghiệp của mình. Với tôi, tôi khởi nghiệp với mong muốn có được giống cây trồng mới để chăm sóc sức khỏe cho người thân, đồng thời giúp cho bà con nông dân có thu nhập tốt hơn, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, nhất là phụ nữ lớn tuổi. 

Vì vậy, trong quá trình khởi nghiệp, dù có nhiều khó khăn nhưng cứ nghĩ đến mục tiêu ban đầu, tôi lại tiếp tục cố gắng để vượt qua.

PV: Cảm ơn chị đã chia sẻ!

https://phunuvietnam.vn/

Video