Ý kiến đại biểu tham dự Đại hội:

13/03/2012
Lỳ Mò Pứ, dân tộc La Hủ, hội viên Hội LHPN xã Bum Tở, huyện Mường Tè, Lai Châu

 Ảnh minh họa
Là hội viên tiêu biểu của một xã vùng cao đặc biệt khó khăn, mình nhận thấy thời gian qua, hội viên ở địa phương mình đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN các cấp tỉnh Lai Châu. Mặc dù vậy, ở địa phương mình đa số đồng bào dân tộc sống rải rác trên các triền núi cao nên việc tham gia các hoạt động cộng đồng, sinh hoạtvăn hóa, chăm sóc sức khỏe, cho con cái đi học còn gặp nhiều khó khăn; trình độ nhận thức của hội viên rất hạn chế. Mình mong muốn trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh Lai Châu giúp đỡ mở nhiều lớp xóa mù chữ cho hội viên, tổ chức cho chị em được đi tham quan các mô hình hoạt động tiêu biểu, tập huấn, qua đó học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm để áp dụng vào thực tế, nâng cao nhận thức và đời sống cho chị em phụ nữ vùng cao, phụ nữ dân tộc thiểu số.


Lê Thị Bích Hằng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Giang

 Ảnh minh họa
Hà Giang là một tỉnh biên giới phía bắc có 22 dân tộc cùng sinh sống, hội viên phụ nữ là người dân tộc thiểu số chiếm gần 90%, có nhiều chi hội 100% hội viên là người dân tộc thiểu số, đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua các cấp Hội đã có nhều hoạt động thiết thực để chăm lo đến đời sống của chị em như thực hiện cuộc vận động “Phụ nữ dân tộc thiểu số học chữ và nói tiếng phổ thông” giúp chị em dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa có khả năng giao tiếp, ứng xử, học tập, đọc sách báo, nâng cao nhận thức phục vụ cuộc sống sinh hoạt, phát triển kinh tế... Đặc biệt, Hộiđã chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho phụ nữ, nâng tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy, HĐND các cấp. Trong đợt bầu cử vừa qua, trong số đại biểu trúng Quốc hội khóa XIII của tỉnh, nữ chiếm 50% (Là tỉnh có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao nhất trong cả nước). Tỷ lệ nữ tham gia Hội đồng nhân dân các cấp: cấp tỉnh: 18 nữ/58 đại biểu đạt 31,03%; (01 chị là PCT HĐND tỉnh); Cấp huyện: 120 nữ/383 đại biểu đạt 31,33%; Cấp cơ sở: 1.479 nữ/4.943 đại biểu đạt 29,92% (Cao nhất trong cả nước).Chủ tịch phụ nữ tham gia Đại biểu HĐND các cấp: Cấp tỉnh: 1/1đ/c; cấp huyện: 6/11 đ/c; cấp cơ sở: 155/195 đ/c.Để làm tốt hơn nữa công tác cán bộ nữ, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ hội viên, tôi mong muốn nhiệm kỳ tới, TW Hội LHPN Việt Nam đề xuất với Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ kinh phí cho cán bộ phụ nữ được cử đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị…

Mai Ngọc Mai, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Công tác phía Nam

 Ảnh minh họa
Là cán bộ đã nghỉ hưu, tôi vô cùng vui mừng và phấn khởi trước những thành quả mà Hội LHPN Việt Nam đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, đặc biệt là làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho phụ nữ, xây dựng quỹ tình thương giải quyết cho người nghèo vay vốn; có nhiều phong trào, đề án thiết thực chăm lo đời sống phụ nữ như xây dựng “gia đình 5 không 3 sạch”, đề án “5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”, đề án “Giáo dục phẩm chất đạo đức cho phụ nữ trong thời đại CNH-HĐH”...Tuy nhiên, hiện nay trước tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đời sống của chị em phụ nữ nói chung đặc biệt là lao động nữ đang phải đối mặt với khó khăn rất lớn: thu nhập không đủ để trang trải trong thời kì bão giá, số chị em được dạy nghề còn thấp, trình độ chuyên môn chưa cao... Mong rằng trong nhiệm kỳ tới, Hội LHPN Việt Nam sẽ có nhiều hoạt động hơn nữa để tiếp tục quan tâm, chăm sóc đời sống tinh thần, vật chất cho chị em; nâng cao công tác dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ; chú trọng công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn để chị em đáp ứng được yêu cầu của đất nước giai đoạn mới…

Nguyễn Thị Dịu ghi và tổng hợp

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video