Xoá đói giảm nghèo từ mô hình trồng cây ăn quả
Là một xã miền núi vùng bán sơn địa, có diện tích núi đá vôixen lẫn chiêm trũng, thuần nông, diện tích một mùa, tỷ lệ hộ nghèo cao. Với sự hỗ trợ của dự án, Hội LHPN xã đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, Trung tâm khuyến nông huyện chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai chuyển đổi mô hình cây trồng nhằm xoá đói giảm nghèo cho phụ nữ từ mảnh đất quê hương.
Ba loại cây đã được lựa chọn phù hợp với đất đai, khí hậu địa phương và có khả năng mang lại năng suất và giá trị kinh tế cao là cây ăn quả và ngô, lúa lai. Khâu tập huấn kỹ thuật được tiến hành trước tiên. Trong suốt quá trình từ làm đất, đào hố, gieo trồng, đến chăm sóc đảm bảo theo đúng kỹ thuật đối với từng loại cây đều có sự hướng dẫn, theo dõi và giám sát chặt chẽ của cán bộ Hội, cán bộ khuyến nông cơ sở theo phương châm “cầm tay chỉ việc”. Điều quan trọng nữa là phụ nữ nghèo được giới thiệu và cung cấp giống cây, phân bón đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, chị em được tham gia sinh hoạt CLB khuyến nông do Hội thành lập. Thông qua CLB, chị em được thông tin, hướng dẫn kiến thức mới và chia sẻ kinh nghiệm làm ăn. Cũng trong các buổi sinh hoạt CLB, những nội dung, kiến thức bổ trợ khác về đời sống gia đình cũng được phổ biến, hướng dẫn cho chị em.
Sau 2 năm triển khai, 50 ha đất trồng giống cũ năng suất thấp, bỏ hoang hoặc trồng cây tạp trước đây đã được các hộ gia đình đầu tư trồng các loại cây giống mới, có giá trị kinh tế cao. Cả 3 loại cây ăn quả, ngô lai, lúa lai được trồng thử nghiệm đều tăng năng suất. Giống lúa lai mới so với những giống cũ tăng 20-25 tạ/ha. Giống ngô lai CP 999 năng suất tăng 10-15 tạ/ha so với những giống ngô tại địa phương. Kết quả thu nhập trung bình của các hộ đã tăng lên 20-30%/năm. Các hộ gia đình trước thiếu ăn từ 2-4 tháng, nay đã thoát được đói. Nhiều hộ nghèo đã vượt khỏi ngưỡng nghèo. Điều quan trọng là thông qua dự án, phụ nữ nghèo đã thay đổi được cách nghĩ, cách làm trước đây. Mô hình được cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao từ cách tổ chức chỉ đạo, triển khai, phương thức phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể tại cơ sở đã đảm bảo nguồn lực hỗ trợ đến được đầy đủ, tận tay người dân.
Có được mô hình XĐGN hiệu quả trên đây là do thực hiện nghiêm túc những bước đi cụ thể, đó là khảo sát tìm hiểu định hướng phát triển kinh tế và thế mạnh về đất đai, khí hậu của địa phương phù hợp với các loại cây giống mới, có giá trị kinh tế và đáp ứng nhu cầu của thị trường; thành lập Ban chỉ đạo với sự có mặt của lãnh đạo địa phương, Hội phụ nữ và khuyến nông; phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên và định kỳ kiểm tra tiến độ thực hiện; công khai tiêu chuẩn của đối tượng, nội dung hỗ trợ, các yêu cầu quy định tại địa phương để đảm bảo dân chủ, công bằng, có sự cam kết của các đối tượng; hướng dẫn kỹ thuật, tập huấn được tiến hành trước khi đưa cây con giống xuống dân; các khâu chuẩn bị của hộ gia đình phải được kiểm tra giám sát chặt chẽ ngay từ khâu chuẩn bị đón nhận giống, trong quá trình chăm sóc cho đến khi thu hoạch, đảm bảo các bước triển khai đúng tiến độ thời vụ theo yêu cầu kỹ thuật, triệt để thực hiện phương châm “cầm tay chỉ việc”; giống, phân bón… được cung ứng từ các đơn vị đảm bảo chất lượng và số lượng, do Trung tâm khuyến nông chịu trách nhiệm cung ứng, dưới sự giám sát của Hội và của các hộ gia đình; cơ chế quản lý thông qua ký kết Hợp đồng trách nhiệm giữa cấp Hội với các ban, ngành liên quan.