Thanh Hóa: Xây dựng thôn thông minh, kéo gần khoảng cách nông thôn - thành thị
Trước đây, khi thông báo về các sự kiện, hội họp, cán bộ thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long, huyện Yên Định sử dụng loa truyền thanh hoặc giấy mời. Tuy nhiên, do một số nơi, người dân sống không tập trung nên không nắm bắt thông tin kịp thời. Giờ đây, với ứng dụng zalo, người dân địa phương đã nhận được thông tin mọi lúc, mọi nơi.
Đến nay, Nhà văn hoá thôn Tân Ngữ 2 cũng đã được lắp đặt internet tích hợp mạng Wifi, truyền hình internet và truyền hình họp trực tuyến; trên 80% người dân trong độ tuổi lao động có điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy vi tính kết nối internet, mạng 3G/4G. Ngoài ra, thôn đã có hệ thống camera an ninh, và trên 70% hộ dân lắp đặt camera an ninh tại gia đình.
Bà Nguyễn Thị Dinh, Bí thư chi bộ thôn Tân Ngữ 2, xã Định long, huyệnYên Định cho biết: "Hiện nhóm zalo thôn đã có 203 thành viên trên 283 hộ, nhóm đang tương tác rất tốt. Đối với mô hình camera an ninh, chúng tôi đã họp với các tổ an ninh xã hội để lắp camera ở các ngõ xóm, nhờ đó tình hình an ninh trật tự được đảm bảo rất tốt".
Hiện nay, hầu hết các thôn được chọn xây dựng thôn thông minh trên địa bàn Thanh Hóa đều đã thành lập trang thông tin thôn, xóm, các đoàn thể trên nền tảng mạng xã hội Zalo, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận thông tin mới một cách chính xác, thuận tiện. Cùng với sự hỗ trợ của xã, các thôn đã huy động xã hội hóa để lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao miễn phí, camera an ninh giám sát tại các khu vực công cộng, tuyến trục đường chính...
Ngoài ra, các địa phương cũng quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, cập nhật kiến thức cho người dân nhằm thúc đẩy các dịch vụ thanh toán điện tử. Đồng thời, tập trung hướng dẫn, khuyến khích người dân tiếp cận các nền tảng công nghệ số, phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh; kinh doanh, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các nên tảng điện tử, nhất là các sản phẩm OCOP.
Ông Ngô Văn Thận, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Định Long, huyện Yên Định cho biết, xã đã thành lập tổ xung kích đến tận các thôn để hướng dẫn người dân nhập các dữ liệu. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị và người dân đều rất đồng tình ủng hộ xây dựng thành công xã thông minh. Ông Trịnh Duy Nam, chủ cơ sở Bánh lá răng bừa Nam Hương, huyện Yên Định cũng cho biết: "Sau chủ trương chuyển đổi số, gia đình tôi đã đăng kí sản phẩm lên sàn thương mại điện tử vào tháng 11/2022, mang lại hiệu quả rõ rệt, nhờ chính sách tỉnh, huyện hỗ trợ, gia đình đã mua sắm thêm cơ sở vật chất, phục vụ sản xuất".
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tập trung vào xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Triển khai mô hình "Thôn thông minh" là một trong những yêu cầu để đạt mục tiêu đề ra trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Đây cũng là tiền đề để hướng tới mô hình xã nông thôn mới thông minh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, kéo gần hơn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, xây dựng nông thôn Thanh Hóa ngày càng văn minh, hiện đại.