Tây Ninh góp ý vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)
Hội thảo có sự tham gia của đại diện Uỷ ban MTTQVN tỉnh; Ban Dân vận Tỉnh uỷ; Văn phòng UBND tỉnh; Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; các Sở ngành liên quan.
Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương, Luật Đất đai năm 2013 là một trong những đạo luật lớn, tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, hoạt động và cuộc sống của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội, trong đó có phụ nữ. Tuy nhiên, sau hơn 8 năm thi hành, Luật Đất đai 2013 bộc lộ những hạn chế, bất cập, một số quy định chồng chéo với các văn bản luật khác dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất, chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển bền vững trong giai đoạn mới như quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ; một số dự án đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng; việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân. Đặc biệt, thời gian qua phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, ảnh hướng lớn đến quyền và lợi ích của phụ nữ và nhân dân. Việc ghi nhận và thực hiện định đoạt đối với tài sản, đặc biệt là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất ở nhiều nơi chưa có sự tham gia của phụ nữ. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu đề dẫn tại Hội thảo
Những vấn đề nêu trên đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tích cực tham gia thảo luận, đánh giá việc thể chế những điểm mới theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022, sự phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và tương thích với các luật khác có liên quan của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận những quy định liên quan đến vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội trong dự thảo Luật, khẳng định, cự thảo Luật đã cụ thể hóa nội dung Nghị quyết 18-NQ/TW nhấn mạnh vai trò MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị -xã hội trong xây dựng, thực hiện và giám sát, phản biện xã hội chính sách pháp luật về đất đai; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước các cấp và quyền chủ thể của nhân dân, quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng đất. Các đại biểu cũng đề xuất kiến nghị lồng ghép giới, bình đẳng giới trong dự thảo Luật, các quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của phụ nữ với vai trò là người sử dụng đất.
Các vấn đề liên quan đến quy hoạch, giao đất, cho thuê đất, định giá đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai được quy định trong dự thảo Luật cũng là vấn đề được các đại biểu quan tâm, kiến nghị.
Theo chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 tháng 10.2022. Dự thảo lần này sửa đổi toàn diện, gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều, sửa đổi bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều.