Tập trung 3 nội dung chính của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Để chuẩn bị nội dung cho Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã tổ chức Phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng để thẩm tra Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), chiều 5/4, tại Hà Nội.
Trình bày tờ trình, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII thông qua năm 2007. Sau gần 14 năm thực hiện, Luật đã tạo chuyến biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao bình đẳng giới trong gia đình.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi bạo lực gia đình có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành.
Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, nội dung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tập trung vào 03 nội dung chính trong các chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 12/12/2020, bao gồm: Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; Cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy phát biểu. Ảnh quochoi.vn
Góp ý một số nội dung Dự thảo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, về nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 5), nhằm đảm bảo quyền của người bị bạo lực, Dự thảo Luật cần bổ sung nguyên tắc lấy người bị bạo lực làm trung tâm trong hỗ trợ người bị bạo lực, theo đó người bị bạo lực vẫn được bảo đảm quyền lao động, quyền kinh tế, quyền học tập, nuôi con… và các quyền hợp pháp khác khi đang được hỗ trợ tại các cơ sở hỗ trợ nạn nhân.
Trường hợp người bị bạo lực không muốn đi khỏi nơi cư trú, cần có quy định cơ chế để tách người bị bạo lực khỏi người gây bạo lực nhưng phải ưu tiên đảm bảo quyền lợi cho người bị bạo lực theo nguyện vọng của họ.
Về cơ chế hoà giải, là một cơ chế mà một số tổ chức quốc tế khuyến nghị cân nhắc do có thể dẫn đến tình trạng "bạo lực kép" do người thực hiện hoà giải không có đủ kiến thức và năng lực, đề nghị xác định phạm vi, mức độ áp dụng biện pháp hòa giải do gia đình, dòng họ tiến hành (Khoản 2, Điều 21). Bởi vì, không phải hầu hết người trong gia đình, dòng họ đều có kiến thức pháp luật, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Trường hợp không đủ kiến thức, kỹ năng (vì Khoản 5 Điều 21 dự thảo chỉ quy định là "khuyến khích", không bắt buộc) thì chất lượng, hiệu quả hoà giải không đảm bảo có thể làm mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình thêm trầm trọng.
Tại Điều 59, Dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó nêu trách nhiệm của Hội "Thực hiện tổng hợp, báo cáo thống kê về phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực gia đình". Theo quy định hiện hành, công tác thống kê, báo cáo số liệu về phòng, chống bạo lực gia đình đã và đang được ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch chỉ trì thực hiện, trong biểu mẫu có phân tích giới, độ tuổi. Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Minh Hương, trên thực tế quá trình hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em, Hội LHPN các cấp vẫn theo dõi số liệu phụ nữ, trẻ em bị bạo lực để hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp. Để tránh bị trùng lắp, chồng chéo, nên quy định trách nhiệm của Hội trong công tác "phối hợp" đối với hoạt động này.
Toàn cảnh phiên họp
Thảo luận tại phiên họp, đa số các đại biểu bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; giải quyết những bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ trong hệ thống pháp luật trong ứng phó với những diễn biến phức tạp của tình hình bạo lực gia đình hiện nay.
Về vấn đề tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình, các đại biểu đánh giá đây là việc quan trọng trong nâng cao nhận thức, xử lý kịp thời các tình huống bạo lực gia đình. Đồng thời đề nghị mở rộng nội dung tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng bao gồm cả tư vấn trị liệu tâm lý, tư vấn kỹ năng ứng xử trong gia đình, xử lý các tình huống mâu thuẫn, cách tổ chức đời sống, xây dựng hạnh phúc gia đình…
Một số đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng tư vấn, không chỉ bao gồm người chịu bạo lực, mà còn cả nhưng người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình. Về hình thức tư vấn, ngoài tư vấn cộng đồng, tư vấn ở nơi khám chữa bệnh, các đại biểu cho rằng cần sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả trong tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình...
Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định các đại biểu đã thống nhất cao với sự cần thiết nghiên cứu, xây dựng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến, tiến tới hoàn thiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình để thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hoàn thiện khung pháp lý trong ứng phó với những diễn biến phức tạp của tình hình bạo lực gia đình hiện nay.
Đồng thời Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện, đảm bảo chất lượng tốt nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 10.
Cần nghiên cứu, bổ sung quy định về tư vấn, hỗ trợ tâm lý người gây bạo lực Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương, trong thực tế, trước khi gây bạo lực, người có hành vi bạo lực có thể từng là người bị bạo lực. Vì vậy, nếu Luật chỉ quy định về xử lý vi phạm, cấm tiếp xúc... mà không quy định việc đồng thời tư vấn, tham vấn, hỗ trợ tâm lý, chưa coi người có hành vi bạo lực cũng là đối tượng cần được trợ giúp thì chưa giải quyết gốc rễ vấn đề; Không những thế, còn có thể gia tăng kỳ thị, phân biệt đối xử với người có hành vi bạo lực. |