Phụ nữ Yên Bái tích cực tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

24/05/2022
Tham gia phản biện xã hội dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) (sửa đổi), thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ Yên Bái đã tích cực tổ chức tuyên truyền, lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn về dự thảo Luật.
Hội LHPN Yên Bái tổ chức truyền thông PCBLGĐ năm 2020 (Ảnh minh họa)

Các nội dung tham gia góp ý tập trung nêu cụ thể các nội dung cần sửa đổi, hướng sửa đổi; những nội dung cần bổ sung mới hoặc đưa ra khỏi dự thảo và lý do của các kiến nghị đó; những phát hiện về vấn đề lồng ghép giới trong dự thảo Luật; bố cục và kỹ thuật xây dựng Luật. Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo về tầm quan trọng của việc lấy ý kiến góp ý của đông đảo các cấp Hội, hội viên phụ nữ và đề nghị các cấp Hội nghiêm túc triển khai thực hiện.

Theo đó, Hội LHPN thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức hội nghị triển khai, thực hiện việc lấy ý kiến của các tầng lớp cán bộ, hội viên phụ nữ vào dự thảo Luật. Qua nghiên cứu, hầu hết các ý kiến đều nhất trí với dự thảo Luật PCBLGĐ (sửa đổi). Những điểm mới được bổ sung, phát triển trong sửa đổi Luật PCBLGĐ trên cơ sở kế thừa Luật PCBLGĐ năm 2007 và có sự khẳng định, làm rõ hơn những nội dung cơ bản so với Luật hiện hành được cán bộ, hội viên thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao. Các cán bộ, hội viên cho rằng, dự thảo Luật PCBLGĐ (sửa đổi) có sự điều chỉnh, bổ sung khá chi tiết, đầy đủ, nhiều điểm mới sát với tình hình thực tế hiện nay, tuy nhiên cũng còn một số vấn đề dự thảo Luật cần xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp hơn. Bên cạnh đó, cán bộ, hội viên phụ nữ thị xã Nghĩa Lộ đã tham gia góp ý đề nghị bổ sung một số nội dung như: các điều kiện đảm bảo cho người bị bạo lực gia đình; quy định rõ hình thức răn đe, xử lý người gây bạo lực gắn với các quy định trong Luật; cần nâng cao vai trò và trách nhiệm của công an trong việc phối hợp xử lý các vụ việc bạo lực gia đình; việc áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cần đảm tính logic, phù hợp hơn; đánh giá hoạt động của “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng dân cư”.

Tổ chức tập huấn cho cán bộ chi, tổ Hội về phòng chống tảo hôn

Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Văn Yên cũng nhanh chóng triển khai đến 25/25 cơ sở Hội tổ chức nghiên cứu, tuyên truyền, lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện. Trong BCH Hội LHPN huyện, các đồng chí ủy viên đã nghiêm túc nghiên cứu dự thảo Luật, qua đó có 3 ý kiến đề nghị bổ sung, liên quan đến việc cần làm rõ khái niệm, biểu hiện, tính chất và mức độ của các hành vi của bạo lực gia đình; bổ sung thêm biện pháp cụ thể để phòng ngừa bạo lực gia đình; cần quy định rõ người ra khỏi nhà khi có bạo lực gia đình xảy ra là người có hành vi bạo lực gia đình và phải đưa vào cơ sở cách ly để mang tính răn đe. Tại các cơ sở Hội trên địa bàn huyện cũng đã tổ chức họp trực tiếp và xin ý kiến gián tiếp thông qua nhóm zalo của Hội cơ sở lấy ý kiến tại 172/172 chi hội. Đa số nhất trí với dự thảo Luật, trong đó có 2 ý kiến đề nghị bổ sung liên quan đến hành vi được xem là bạo lực gia đình và chế độ khen thưởng, đền bù thiệt hại cho những người tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Hội LHPN huyện Văn Chấn cũng đã tích cực triển khai việc lấy ý kiến đóng góp tham gia vào dự thảo Luật tới 24 hội LHPN xã, thị trấn và Hội LHPN Phụ nữ Công an huyện, qua đó nhận được nhiều ý kiến tham gia góp ý của cán bộ, hội viên liên quan đến Điều 16, Điều 33 trong dự thảo Luật. Những vấn đề lồng ghép giới như trong dự thảo, bố cục và kỹ thuật xây dựng Luật đều được cán bộ, hội viên hoàn toàn nhất trí.

Việc nhanh chóng, tích cực triển khai lấy ý kiến tham gia của đông đảo cán bộ, hội viên vào dự thảo Luật PCBLGĐ (sửa đổi) trong các cấp Hội cùng những ý kiến đóng góp cụ thể cho thấy sự quan tâm và tinh thần trách nhiệm tới dự thảo Luật cũng như vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhằm thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội của tổ chức Hội.

Thanh Khiết

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video