Phát huy vai trò của các cấp Hội trong tham gia xây dựng nông thôn mới

15/08/2023
Là một lực lượng lao động xã hội đông đảo, trong những năm qua, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ trong công cuộc phát triển kinh tế- xã hội nói chung, xây dựng nông thôn mới nói riêng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan và bà Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh trao Quyết định công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia cho chăn bông tơ tằm tự dệt của Công ty TNHH dâu tằm tơ Mỹ Đức tại xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội

Phụ nữ vừa là chủ thể thực hiện, là nhân tố tích cực thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, vừa là người được trực tiếp thụ hưởng những thành quả tốt đẹp của chương trình. Là tổ chức chính trị - xã hội đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, tham gia xây dựng Đảng, tham gia quản lý Nhà nước, đoàn kết, vận động phụ nữ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Hội LHPN Việt Nam xác định, phát huy vai trò của các cấp Hội và phụ nữ trong tham gia xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội trong giai đoạn hiện nay.

Sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đến nay, đã có 22.083 cơ sở Hội đăng ký các hoạt động thiết thực, phù hợp tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, được 40.648 công trình/phần việc (vượt 136% so với kế hoạch); giúp 17.931.440 hộ gia đình đạt 8 tiêu chí của cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch (vượt chỉ tiêu đăng ký); vận động hỗ trợ 698.854 hộ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; 3.619.579 hộ sử dụng nước sạch.

Đặc biệt chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, TW Hội đã tổ chức được 13 lớp với sự tham gia của gần 800 thành viên, ban lãnh đạo các hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý tại 8 tỉnh, thành phố về Chương trình OCOP và phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và lưu giữ truyền thống gắn với bảo vệ môi trường. Tổ chức Diễn đàn “Vai trò của phụ nữ đối với việc lưu giữ giá trị văn hóa và phát huy tài nguyên bản địa trong phát triển sản phẩm OCOP” tại tỉnh Bắc Giang với mục đích nâng cao nhận thức về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm; sự đóng góp và phát huy vai trò quan trọng của phụ nữ đối với việc lưu giữ giá trị văn hóa và phát huy tài nguyên bản địa trong phát triển sản phẩm OCOP, góp phần xây dựng nông thôn mới, thực hiện hiệu quả Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”.

Hội LHPN các tỉnh/thành phố đều đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII về thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Đáng chú ý, các tiêu chí “3 sạch” gắn với hàng chục nghìn công trình/phần việc bảo vệ môi trường do các chi hội/tổ phụ nữ đảm nhiệm được triển khai rộng khắp, làm thay đổi bộ mặt nông thôn và khẳng định vai trò của tổ chức Hội trong xây dựng nông thôn mới. Tổ chức các hoạt động thiết thực góp phần xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh và an toàn cho phụ nữ, trẻ em gắn với xây dựng nông thôn mới, thu hút được sự tham gia hưởng ứng của hội viên phụ nữ và cộng đồng.

Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh phát biểu tại Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tháng 7 năm 2023

Các cấp Hội cơ sở đã cụ thể hóa Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” với các nội dung hướng tới cấp hộ gia đình và lựa chọn những hoạt động, phần việc sát với nhu cầu của phụ nữ, khả năng của Hội trong tham gia xây dựng nông thôn mới, đóng góp đáng kể vào việc thực hiện 13/19 tiêu chí tiêu chí nông thôn mới.

Giai đoạn 2021-2023, các tỉnh/thành tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng các hộ gia đình đã đạt 8 tiêu chí 5 không, 3 sạch và triển khai thí điểm mô hình “Gia đình 5 có, 3 sạch” tại các xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu góp phần xây dựng nông thôn mới.

Có được những thành tích ấn tượng đó không thể không nhắc đến vai trò của “cánh tay nối dài” của Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới là đội ngũ cán bộ Hội cơ sở.Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, bà Tôn Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết: Trong giai đoạn 2021-2023, Hội LHPN Việt Nam đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ ngành để triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, tạo khí thế thi đua, tinh thần phấn khởi trong cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Trong đó, đặc biệt cần ghi nhận vai trò nòng cốt của các cấp Hội cơ sở.

Tuy nhiên, trong tổ chức thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc: Đời sống, trình độ dân trí của một bộ phận hội viên, phụ nữ nhất là ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số còn thấp, phương thức sản xuất, kinh doanh còn lạc hậu, cùng với sự ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh nên việc hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo bền vững ở vùng này còn gặp nhiều khó khăn; Công tác tuyên truyền, vận động còn nhiều khó khăn và bất cập do điều kiện từng địa phương khác nhau về phương tiện, năng lực cán bộ. Sau khi thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập xã, thôn, bản… ở một số nơi có địa bàn rộng, đi lại khó khăn, dân cư thưa đã ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ xây dựng nông thôn mới...

Bà Hoàng Thị Phượng, Chủ homestay Luật Phượng tại thôn Đêu 3, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái sưu tầm các mặt hàng thổ cẩm, các đồ dùng truyền thống của đồng bào dân tộc Thái như: ghế mây, nón lá, mõ trâu... để trưng bày, giới thiệu cho khách du lịch góp phần xây dựng xã Nghĩa An trở thành xã nông thôn kiểu mẫu

Do đó, trong thời gian tới, Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp cần tăng cường hỗ trợ nguồn lực cho các cấp Hội tham gia xây dựng nông thôn mới; Nghiên cứu, đề xuất cơ chế Chính phủ, địa phương giao tổng ngân sách, để các cấp Hội cũng như các ngànhđược chủ động thực hiện các nội dung thành phần theo thứ tự ưu tiên phù hợp với nhiệm vụ, đặc thù của từng vùng/tỉnh; Xem xét, sửa đổi Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 cho phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng hoàn thành mục tiêu, kế hoạch nông thôn mới của các địa phương, tạo động lực phấn đấu, thi đua trong thực hiện Chương trình, nhất là các xã thuộc khu vực miền núi...
Khánh Quyên

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video