Những người phụ nữ kiên tâm với thực phẩm sạch
Lời chia sẻ hết sức mộc mạc, đậm chất nông dân ấy là của chị Nguyễn Thị Oanh, ở tổ 24, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội. 20 năm sản xuất rau theo phương thức canh tác truyền thống, nhiều vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm chị chưa thật sự được hiểu. Khi Hội phụ nữ phường Lĩnh Nam tập huấn, giới thiệu về mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap, chị đã đăng ký ngay. Bởi lẽ làm ra những sản phẩm đảm bảo cho sức khỏe người dùng cũng chính là mong muốn của chị bấy lâu nay.
Giống như chị Oanh, chị Vũ Thị Giang, cũng nằm ở tốp tiên phong trong sản xuất thực phẩm sạch ở phường Lĩnh Nam. Hiện chị đang làm chủ của trang trại rộng hơn 5.000m2, trồng cây ăn quả và chăn nuôi gia súc gia cầm theo mô hình Vietgap. Trái cây từ trang trại của chị không đẹp bóng như những loại trái cây được dùng hóa chất, nhưng vẫn được nhiều khách hàng ưa chuộng vì đảm bảo an toàn.
Dù chi phí sản xuất cao hơn, thời gian sản xuất lâu hơn, nhưng chị Giang vẫn quyết tâm theo đuổi, bởi chị quen rồi, không thể làm những điều trái với lương tâm được. "Mình làm nó quen rồi, thôi thì đắt hơn, mình vẫn cứ làm. Mình cứ quyết tâm làm theo Vietgap. Để tạo độ ngọt cho quả, mình đã mua đỗ tương, ngô, vôi, phân lân lâm thao trộn lẫn, ủ trong vòng 20 ngày. Vôi để phòng sâu bệnh. Mỗi một năm lấy hơn 1 tấn đỗ tương và ngô. Bên Hội phụ nữ hướng dẫn làm, mình cứ thế làm theo." - Chị Giang bộc bạch.
Cũng là người tâm huyết trong phong trào sản xuất thực phẩm sạch, dù đã 73 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Cộng vẫn ngày ngày cần mẫn trên cánh đồng rau màu ở Lĩnh Nam. Được Hội phụ nữ phường phân công làm tổ trưởng giám sát, bà luôn sát sao theo dõi tình hình sản xuất, kiểm tra nhật ký, lịch trình chăm bón rau củ quả của hội viên.
Bà Cộng cho biết, trước đây chưa được hướng dẫn, người dân sản xuất tự do, bơm thuốc được 2-3 ngày đã mang đi bán: "Tôi luôn trao đổi với anh chị em làm đúng quy trình hướng dẫn để bảo vệ sức khỏe chính cho mình và cộng đồng. Trong quá trình chuyển đổi theo mô hình Vietgap thì phụ nữ ở đây rất hào hứng vì hiểu được lợi ích của sản xuất rau an toàn như thế nào, trước hết chính là bảo vệ sức khỏe cho mình".
Sản xuất thực phẩm sạch đã trở thành phong trào sâu rộng trong chị em trên địa bàn phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội từ rất lâu. (Ảnh Lãng Hồng)
Hội phụ nữ phường Lĩnh Nam hiện có hơn 300 hội viên tham gia mô hình sản xuất rau an toàn và thực phẩm sạch. Theo chị Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN phường Lĩnh Nam, hàng năm Hội thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn quy trình sản xuất an toàn theo quy trình Vietgap. Sau những giờ làm việc ở công sở, chị lại xuống cánh đồng tìm hiểu, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của chị em, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình sản xuất.
Ngoài ra, Hội kết nối hỗ trợ cho chị em vay vốn của Ngân hàng CSXH để tăng cường đầu tư sản xuất. Chị Hà cho biết: "Hội kết nối với hội viên của các phường cùng giới thiệu sản phẩm của chị em, đưa vào các gian hàng do Hội tổ chức để bán. Bên cạnh đó Hội giới thiệu sang HTX để đưa vào các bếp ăn cũng như các siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hàng năm, vào các dịp sơ tổng kết, các dịp kỷ niệm, Hội còn lồng ghép tuyên truyền và phát động hội viên ký cam kết không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài luồng và chỉ bán ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn".
Thấu hiểu nỗi lo về tồn dư thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, hóa chất gây bệnh, gần 20 năm qua, các hội viện Hội LHPN phường Lĩnh Nam đã thay đổi hành vi trong sản xuất - kinh doanh theo hướng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua đó chung tay mang lại sự an tâm cho người dân.
Hành trình chung tay sản xuất thực phẩm sạch của phụ nữ phường Lĩnh Nam vẫn còn đó nhiều khó khăn, ví dụ như sản phẩm chưa ổn định được đầu ra, bấp bênh theo thời vụ. Nhưng không vì thế mà những người phụ nữ chân chất ấy từ bỏ quyết tâm của mình. Họ đã và đang góp phần mang đến cho người tiêu dùng những thực phẩm đảm bảo an toàn cho sức khỏe và cuộc sống.