Một số vấn đề giới đặt ra và kiến nghị, đề xuất nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tuyên giáo TW Hội LHPN Việt Nam cho biết, Bộ Công an vừa công bố dự thảo Luật phòng, chống mua bán người (PCMBN) (sửa đổi) với 03 nhóm chính sách, gồm: (1) Hoàn thiện quy định về căn cứ xác định nạn nhân; (2) Quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; (3) Hoàn thiện quy định để nâng cao chế độ, chính sách hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân.
Với chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, đồng thời tham gia thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự án Luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Hội LHPN Việt Nam xác định trách nhiệm của mình trong việc tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với dự thảo Luật PCMBN (sửa đổi). Đồng thời trong suốt quá trình xây dựng Luật, Hội cũng sẽ tích cực chủ động tham gia và tổ chức cho hội viên, phụ nữ tham gia đóng góp ý kiến.
Việc tổ chức Hội thảo tham vấn một số vấn đề giới trong công tác PCMBN lần này nhằm xác định những vấn đề giới đặt ra, những kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật PCMBN (sửa đổi) nói riêng cũng như công tác PCMBN nói chung. Qua đó giúp Hội LHPN Việt Nam có thêm thông tin, căn cứ để nghiên cứu, xây dựng nội dung góp ý, phản biện xã hội đối với dự thảo Luật.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tuyên giáo TW Hội LHPN Việt Nam phát biểu đề dẫn hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận một số vấn đề về: Nhận diện vấn đề giới trong dự thảo Luật PCMBN (sửa đổi) và các văn bản có liên quan, những quy định/nội dung chưa đảm bảo yếu tố giới, còn mang tính phân biệt đối xử giới hoặc những quy định vẫn gây ra rào cản, hạn chế trong công tác PCMBN cũng như hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân MBN để kiến nghị điều chỉnh, bổ sung; những vấn đề xảy ra trong thực tiễn nhưng chưa được quy định trong Luật, cần được luật hóa chính thức; Cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm trong dự thảo Luật; khoảng trống gây cản trở, khó khăn đối với các cơ quan thực thi pháp luật, đơn vị hỗ trợ nạn nhân và đối với bản thân nạn nhân bị mua bán, đặc biệt là đối tượng nạn nhân cần có chính sách đặc thù hỗ trợ, bảo vệ; những vấn đề giới, chính sách cần quan tâm trong tiếp nhận, xác định, bảo vệ và hỗ trợ người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân bị mua bán trở về; Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, tư vấn về phòng ngừa MBN và vấn đề giới trong công tác thông tin, tuyên truyền; Trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam trong quy định dự thảo Luật…
Tham luận tại Hội thảo, Thượng tá. Ths Bùi Thị Nương, Phó Trưởng phòng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công An thông tin, trên cơ sở những chính sách đã được Chính phủ thông qua, dự thảo Luật PCMBN (sửa đổi) được xây dựng tăng 4 điều so với Luật PBMBN năm 2011, sửa đổi, bổ sung nội dung 35 điều, xây dựng mới 05 điều, bỏ 01 điều. Một số nội dung sửa đổi lớn như: Bổ sung giải thích từ ngữ về “người đang trong quá trình xác định là nạn nhân” nhằm tạo sự thống nhất trong cách hiểu thuật ngữ cũng như xác định rõ địa vị pháp lý, cụ thể hóa nhóm chính sách về quy định chế độ hỗ trợ; hoàn thiện quy định quyền của người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; sửa đổi, bổ sung quy định về tiếp nhận, xác định và bảo vệ người trong quá trình xác định là nạn nhân, quy định về hỗ trợ chi phí phiên dịch đối với người nước ngoài, người dân tộc thiểu số…
Thượng tá. Ths Bùi Thị Nương, Phó Trưởng phòng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công An tham luận tại hội thảo
Bên cạnh đó, Thượng tá Bùi Thị Nương cũng gợi mở về quy định trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam đang được đặt trong Điều 17, 18 (Chương II về Phòng ngừa MBN) của dự thảo Luật đã phù hợp, tương xứng với vai trò của tổ chức Hội chưa. Hiện nay, Hội LHPN Việt Nam không chỉ tham gia trong công tác phòng ngừa MBN mà đang làm nhiều việc hỗ trợ nạn nhân, tham gia công tác chống lại tội phạm mua bán người, đặc biệt là vai trò giám sát, phản biện xã hội của Hội. Do đó, cần xem xét, nghiên cứu có cần điều chỉnh về quy định này trong dự thảo Luật không.
TS Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam nhận định, MBN là một hình thức bạo lực trên cơ sở giới, có liên quan tới hệ tư tưởng giới phụ quyền, trọng nam khinh nữ, xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có xu hướng nữ hóa đói nghèo (cứ 3 người nghèo thì có 2 nữ), nữ hóa di cư, xu hướng nữ hóa nạn nhân bị mua bán, đặc biệt là vì mục đích bóc lột tình dục…
Từ đó, TS Kim Anh đã đi sâu phân tích một số vấn đề giới cần lưu tâm trong PCMBN. Đồng thời đề xuất cần rà soát, thúc đẩy lồng ghép giới trong Luật PCMBN sửa đổi; việc truyền thông PCMBN cần lưu ý các nguyên tắc về đạo đức, không gây ảnh hưởng tới quyền, nhân phẩm của nạn nhân, tăng cường tuyên truyền với cả nam và nữ; tuyên truyền, thúc đẩy việc truy tố tội phạm từ phía nạn nhân; có các quy định bảo vệ an toàn cho nạn nhân; quy định về hình phạt đối với người môi giới cũng như các hình thức phi nhân tính như mua bán bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê…
TS Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam nhận định, MBN là một hình thức bạo lực trên cơ sở giới
Tham gia hội thảo, một số đại biểu cũng đưa ra một số dẫn chứng về một số bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng còn định kiến giới, khuôn mẫu giới, từ đó gây ra những tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực, trong đó có công tác PCMBN, chính vì vậy, việc quy định về bảo đảm giới trong công tác thông tin, tuyên truyền là rất cần thiết; cần có quy định tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác tuyên truyền PCMBN;
Cần xây dựng bộ tiêu chí xác định nạn nhân của MBN, đặc biệt nạn nhân là trẻ em, bổ sung nguyên tắc ưu tiên đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là phụ nữ mang thai, phụ nữ sinh con, nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong giải cứu, bảo vệ, tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ; bổ sung nguyên tắc bảo đảm yếu tố giới đối với lực lượng tiếp nhận, xác minh nạn nhân MBN; cần đưa cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm là một trong những nguyên tắc của PCMBN; quyền được bảo mật thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; quy định về quyền và trách nhiệm của các thành viên gia đình trong PCMBN; nam giới và phụ nữ đều là đối tượng bị mua bán với những mục đích khác nhau, do đó cần đảm bảo sự bình đẳng giới cho cả hai giới;…
Các đại biểu tham gia hội thảo
Các ý kiến tham luận, trao đổi, đóng góp của các đại biểu tại hội thảo là những thông tin giá trị nhằm giúp Hội LHPN Việt Nam tiếp thu, nghiên cứu để làm tốt vai trò của tổ chức Hội trong công tác tham gia xây dựng, giám sát, phản biện xã hội chính sách, luật pháp.