Một số điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội 2024

05/08/2024
Ngày 23/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 trong đó có Luật Bảo hiểm xã hội. Luật Bảo hiểm xã hội gồm 11 chương, 141 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Ảnh minh họa

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã cơ bản thể chế hóa các chỉ đạo, quan điểm của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, khắc phục vướng mắc, bất cập của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, hướng tới xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội Việt Nam tiến bộ, tiệm cận và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Luật bổ sung chính sách về trợ cấp hưu trí xã hội, bổ sung quy định nhằm gia tăng sự liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm xã hội cơ bản, mở rộng đối tượng được tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bổ sung quyền thụ hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó gia tăng cơ hội được hưởng lương hưu của người tham gia BHXH, đảm bảo tốt hơn quyền tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ BHXH, quy định "mức tham chiếu" thay cho "mức lương cơ sở"... Cụ thể như sau:

1.  Mở rộng đối tượng tham gia BHXH

  • Đối với BHXH bắt buộc

Tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 bổ sung thêm 07 đối tượng người lao động phải tham gia BHXH  bắt buộc gồm:

- Người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên mà làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất.

- Viên chức quốc phòng

- Dân quân thường trực

- Vợ hoặc chồng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cử đi công tác nhiệm kỳ cùng thành viên cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được hưởng chế độ sinh hoạt phí;

- Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương.

- Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố;

- Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ.

- Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam, trừ các trường hợp sau:

+ Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;

+ Tại thời điểm giao kết hợp đồng lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019;

+ Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

  • Đối với BHXH tự nguyện

Tại khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 sửa đổi, bổ sung thêm đối tượng người lao động được phép tham gia BHXH tự nguyện, bao gồm:

- Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và không phải là người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng;

- Cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận về việc đóng BHXH bắt buộc trong thời gian này.

2. Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội

Luật Bảo hiểm xã hội 2024  bổ sung Chương III về Trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng, bao gồm: trợ cấp hưu trí xã hội, BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Cụ thể theo điều 21, công dân Việt Nam từ 75 tuổi trở lên, không nhận lương hưu hoặc trợ cấp BHXH theo quy định của Chính phủ, hoặc công dân Việt Nam từ đủ 70 đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng điều kiện quy định sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng được Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Định kỳ 03 năm, Chính phủ sẽ thực hiện rà soát, xem xét việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hộiQuyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sẽ do Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định, tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội.

Người hưởng trợ cấp này cũng được đóng BHYT và nhận hỗ trợ chi phí mai táng khi qua đời theo quy định của pháp luật về người cao tuổi.

3.  Bổ sung quy định chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội

Theo  Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, nếu không hưởng BHXH một lần hoặc không bảo lưu mà có yêu cầu thì được hưởng trợ cấp hằng tháng . Thời gian hưởng, mức hưởng trợ cấp hằng tháng được xác định căn cứ vào thời gian đóng, căn cứ đóng BHXH của người lao động. Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng được ngân sách nhà nước đóng BHYT.

4. Lao động nữ điều trị vô sinh được hưởng chế độ thai sản, tăng khoảng thời gian thực hiện quyền nghỉ thai sản cho lao động nam.

Theo quy định tại khoản 5 điều 50 về đối tượng và điều kiện hưởng chế độ thai sản, lao động nữ sinh con được hưởng chế độ thai sản nếu đã đóng BHXH bắt buộc 06 tháng trở lên trong vòng 24 tháng liền kề trước khi sinh con đối với trường hợp phải nghỉ việc để điều trị vô sinh.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 53, lao động nam có vợ sinh con khi nghỉ thai sản (từ 5 đến trên 14 ngày) thì được nghỉ nhiều lần trong khoảng thời gian 60 ngày đầu tiên kể từ ngày vợ sinh con.

5. Người lao động không chuyên trách ở xã, phường thị trấn được hưởng chế độ thai sản, ốm đau

Người lao động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn trước đây chỉ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất thì theo quy định của Luật BHXH 2024 sẽ được hưởng thêm chế độ ốm đau, thai sản (Điều 42, 50 về đối tượng và điều kiện hưởng chế độ ốm đau, thai sản).

6.  Thay đổi quy định hưởng chế độ ốm đau

  • Đối với chế độ nghỉ ngắn ngày

Theo quy định tại Điều 45 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, người lao động nghỉ ốm nửa ngày sẽ được giải quyết chế độ ốm đau. Cụ thể, khi tính mức hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau không trọn ngày thì trường hợp nghỉ việc dưới nửa ngày được tính là nửa ngày; từ nửa ngày trở lên được tính là một ngày.

Mức hưởng trợ cấp ốm đau nửa ngày được tính bằng một nửa mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày.

  • Đối với chế độ nghỉ dài ngày

Người lao động mắc bệnh dài ngày không còn được nghỉ trọn 180 ngày theo quy định tại Điều 43 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 mà thay vào đó thời gian nghỉ được xác định theo thời gian đóng BHXH và điều kiện làm việc, không phân biệt người đó mắc bệnh gì.

Theo đó, người lao động mắc bệnh dài ngày chỉ được tính hưởng 75% mức tiền lương đóng BHXH trong thời gian như sau:

- Làm việc trong điều kiện bình thường:

+ 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm.

+ 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm.

+ 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

- Làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn:

+ 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm.

+ 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm.

+ 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

Sau khi hết thời gian nghỉ nói trên mà người mắc bệnh dài ngày vẫn cần tiếp tục điều trị thì vẫn được nghỉ làm hưởng chế độ ốm đau ở mức thấp hơn.

7. Giảm số năm đóng BHXH tối thiểu được hưởng lương hưu

Theo quy định tại Điều 64 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hằng tháng tùy từng trường hợp cụ thể.

 8. Từ sau 1/7/2015, người bắt đầu tham gia BHXH bị hạn chế rút BHXH một lần

Người tham gia BHXH từ ngày 01/7/2025 được rút BHXH một lần trong một số trường gồm :

- Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH

- Ra nước ngoài để định cư

- Người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS

- Người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên

- Người khuyết tật đặc biệt nặng

- Người thuộc các điểm d, đ và e khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà cũng không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Trường hợp người lao động rút BHXH một lần sau 12 tháng nghỉ việc, không tham gia BHXH và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm  chỉ áp dụng cho người lao động tham gia BHXH trước khi Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực tức ngày 1/7/2025. Bên cạnh đó, Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 cũng bổ sung thêm 2 đối tượng được rút BHXH một lần từ ngày 1/7/2025, gồm:

- Người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

- Người khuyết tật đặc biệt nặng.

9. Tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chế độ trợ cấp thai sản và chế độ tai nạn lao động

 Từ ngày 1/7/2025, theo quy định tại Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, người lao động tham gia BHXH tự nguyện được hưởng thêm 02 chế độ là trợ cấp thai sản và bảo hiểm tai nạn lao động, theo đó được hưởng 4 chế độ gồm:

- Trợ cấp thai sản;

- Hưu trí;

- Tử tuất;

- Bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động

Cụ thể, tại Điều 95 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, người lao động tham gia BHXH tự nguyện có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con được hưởng chế độ thai sản 2 triệu đồng cho:

- Mỗi con được sinh ra

- Mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.

Đối với lao động nữ là người dân tộc thiểu số hoặc lao động nữ là người Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn khi sinh con thì ngoài mức hưởng nêu trên,vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ khi sinh con theo quy định của Chính phủ.

Việc hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động của người lao động tham gia BHXH tự nguyện được thực hiện theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.

10. Bổ sung quy định về chậm đóng, trốn đóng và xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH

Từ điều 38 đến  điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã quy định các hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và các biện pháp xử lý, cụ thể: - Quy định cụ thể biện pháp xử lý đối với hành vi chậm đóng BHXH và trốn đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp:

+ Bắt buộc đóng đủ số tiền  chậm đóng, trốn đóng;

+ Nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng;

+ Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

+ Không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.

+ Riêng đối với hành vi trốn đóng còn có biện pháp là truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, không kịp thời, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động (Khoản 8 Điều 13 về Trách nhiệm của người sử dụng lao động)

11. Quy định cụ thể về mức tham chiếu thay cho mức lương cơ sở

Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã quy định cụ thể mức tham chiếu thay cho mức lương cơ sở dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ BHXH từ ngày 1/7/2025, cụ thể:

- Mức hưởng cho một ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau bằng 30% mức tham chiếu (khoản 3 Điều 46 Luật Bảo hiểm xã hội 2024)

- Mức trợ cấp một lần cho mỗi con quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 58 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 bằng 02 lần mức tham chiếu tại tháng lao động nữ sinh con, nhận con do nhờ mang thai hộ, nhận nuôi con nuôi.

- Mức hưởng cho một ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản bằng 30% mức tham chiếu (khoản 3 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2024)

- Mức trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức tham chiếu tại tháng mà người quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 chết.

- Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức tham chiếu; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức tham chiếu (Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2024)

- Mức trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức tham chiếu tại tháng mà người quy định tại khoản 1 Điều 108 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 chết.

Mức tham chiếu là mức tiền do Chính phủ quyết định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ BHXH. Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội (Điều 7)

Tại khoản 13 Điều 141 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định như sau: “Khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu quy định tại Luật này bằng mức lương cơ sở. Tại thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở đó”

Hiện nay, theo quy định tại Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024, mức lương cơ sở đang được áp dụng là 2.340.000 đồng/tháng, do đó, mức tham chiếu quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2024 sẽ là 2.340.000 đồng.

Ban CSLP, TW Hội

TÂM ĐIỂM

Video