Hội viên, phụ nữ góp ý dự thảo văn kiện Đại hội phụ nữ toàn quốc XI
Luật sư Trần Thị Thùy Dung (Đoàn Luật sư TPHCM):
"Tôi nhận thấy công tác tư vấn pháp luật miễn phí và công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Hội LHPN thật sự là một kênh bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho phụ nữ, là chỗ dựa tin cậy để chị em chia sẻ, giãi bày những khó khăn, tâm tư nguyện vọng của mình. Theo tôi, để công tác này phát triển và đem lại lợi ích thiết thực hơn, Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI cần quan tâm đến việc xây dựng lực lượng bao gồm các luật sư, luật gia và đội ngũ cán bộ, hội viên phụ nữ được đào tạo chuyên môn về nhiều lĩnh vực như tư vấn về tâm lý, tư vấn về việc làm, chọn nghề, tư vấn về hôn nhân gia đình, tư vấn về pháp luật…
Đối với tình trạng phụ nữ lấy chồng nước ngoài, Hội cần thành lập nhiều Trung tâm Tư vấn kết hôn với người nước ngoài để giúp các chị em hiểu rõ những khó khăn cũng như hệ lụy trước khi đưa ra quyết định của mình. Song song với công tác tư tưởng, Hội cần tăng cường trợ vốn cho phụ nữ nghèo; dạy nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ để chị em có điều kiện vươn lên, khẳng định vị thế bản thân trong gia đình và ngoài xã hội. Riêng tình trạng trẻ em bị lạm dụng tình dục, bóc lột sức lao động và bị buôn bán ra nước ngoài, Hội cần chủ động trong việc cử luật sư, thẩm phán, hội thẩm nhân dân tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các em. Như thế, hoạt động của Hội mới thực sự đi vào chiều sâu, hiệu quả, cần thiết đối với đời sống của phụ nữ ở thành thị và nông thôn".
Chị Hoàng Thị Hiền (xã Bảo Cường, huyện Định Hóa, Thái Nguyên):
"Sau khi tìm hiểu “Dự thảo Báo cáo đánh giá phong trào phụ nữ và kết quả hoạt động của Hội LHPNVN nhiệm kỳ 2007-2012, phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2012-2017”, tôi thấy các hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo ngày càng phong phú, đa dạng. Cả nước đã có hàng ngàn hội viên được hưởng lợi từ hoạt động này, còn địa phương chúng tôi (xã Bảo Cường) cũng có hàng chục chị em thoát nghèo. Trong nhiệm kỳtới, dự thảo đưa ra chỉ tiêu 25% số hội viên dưới 45 tuổi được đào tạo nghề nhưng chưa chỉ rõ bao nhiêu % trong số đó sẽ có việc làm. Bởi nếu không tính toán kĩ đầu ra trước khi đào tạo nghề thì sẽ lãng phí tiền của công sức của Nhà nước, của hội viên.
Chẳng hạn, ở xã Bảo Cường, hội viên đang rộ lên phong trào nuôi dê nhưng chỉ nuôi theo phong trào còn đầu ra chưa ai tính đến. Do đó tôi đề nghị trong nhiệm kỳ tới, Hội cần thành lập thêm nhiều CLB làm kinh tế như về chăn nuôi, trồng trọt... Ngoài ra, các cấp hội cũng cần liên hệ với các đầu mối tiêu thụ lớn ở thành phố, siêu thị để kí hợp đồng tiêu thụ, đảm bảo đầu ra. Hàng năm, Hội nên tổ chức cho hội viên thăm quan các cơ sở chăn nuôi, trồng trọt đạt hiệu quả kinh tế cao ở các địa phương trong cả nước (kinh phí có thể do hội viên đóng góp) để học tập kinh nghiệm. Có như vậy hội viên mới thoát nghèo và làm giàu bằng chính những nghề mình được đào tạo".