Hội viên, phụ nữ góp ý dự thảo văn kiện Đại hội phụ nữ toàn quốc XI

09/02/2012
Hội viên, phụ nữ cả nước đang hướng về Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XI, sau đây là một số ý kiến góp ý cho dự thảo văn kiện Đại hội của hội viên, phụ nữ.

Chị Lê Thanh Hoa - Chủ nhiệm CLB Nữ chủ nhà trọ phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP. HCM

 Ảnh minh họa
“Tôi nhận thấy nữ công nhân cần được hỗ trợ nhiều hơn về mặt tình thần như: tổ chức những hoạt động vui chơi lành mạnh, thỉnh thoảng mời chuyên gia đến thuyết trình, giải đáp thắc mắc về tâm lý, tình yêu, hôn nhân, gia đình về sức khỏe sinh sản, để nâng cao kiến thức xã hội, pháp luật cho chị em. Vì thế, việc mở thêm nhiều cơ sở hoặc trung tâm văn hóa dành cho phụ nữ tại các quận, huyện tập trung nhiều công nhân để giúp chị em có thêm kiến thức về kỹ năng nghề, học về thẩm mỹ, nghệ thuật hoặc chơi các bộ môn thể thao phù hợp với giới nữ là rất quan trọng.

Làm thế nào để nữ công nhân có việc làm ổn định, môi trường làm việc thoái mái, cuộc sống bớt khó khăn, đó là mong muốn của chị em chúng tôi gửi đến Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI”.

Chị Hồng Nụ (Fatimah, dân tộc Chăm) - quận 8, TP. HCM:

 Ảnh minh họa
“Tôi mong Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI sẽ đề ra nhiều chương trình, dự án đào tạo nghề cho phụ nữ dân tộc, phụ nữ nông thôn; quan tâm nhiều hơn đến công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ; tiếp tục tổ chức các lớp học xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học cho phụ nữ và trẻ em vùng sâu, vùng xa. Mặc dù Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều nguồn vốn cơ bản đáp ứng nhu cầu chị em, song để giúp phụ nữ nói chung và phụ nữ dân tộc nói riêng nhanh chóng thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững, Hội cần chú trọng hơn nữa đến việc tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, đào tạo nghề cho phụ nữ, tiếp tục tạo chính sách hợp lý trong vấn đề giáo dục, đào tạo nhằm thu hút con em đồng bảo dân tộc thiểu số đến trường, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ lâu dài”

Bà Nguyễn Thị Tỵ - thôn Đức Tái, xã Chi Lăng, huyện Quế Võ, Bắc Ninh:

 Ảnh minh họa
“Tháng 10/2011 tôi đã được tham gia lớp đào tạo nghề trồng nấm do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Trung tâm dạy nghề của huyện tổ chức. Sau 2 tháng vừa học nghề vừa thực hành tại chỗ, tôi phát triển mô hình trống nấm sò tại nhà, đem lại thu nhập đáng kể cho gia đình. Tuy nhiên, nguồn tiêu thụ hiện nay còn hạn chế do nhiều gia đình trong huyện, tỉnh chưa quen với việc chế biến các món ăn từ nấm. Bên cạnh đó, thời vụ trồng nấm sò chỉ kéo dài 6 tháng, từ tháng 9 năm nay đến tháng 3 năm sau, 6 tháng còn lại nếu bỏ không nguyên liệu làm nấm như rơm, túi, giàn treo đã mất tiền đầu tư sẽ rất lãng phí. Vì vậy, tôi mong hoạt động đào tạo nghề của Hội, đặc biệt việc triển khai đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề đào tạo việc làm giai đoạn 2010-2015” thời gian tới sẽ gắn hoạt động dạy nghề với hỗ trợ vốn, cung ứng giống, thiết lập mạng lưới bao tiêu sản phẩm để chị em học nghề ra có thể phát triển sản xuất một cách hiệu quả. Bên cạnh đó các cấp Hội cũng cần nghiên cứu, xây dựng tài liệu hướng dẫn hội viên, phụ nữ cách trồng đen xen nhiều loại hơn nấm rơm, mộc nhĩ…để tận dụng nguyên liệu sẵn có phát triển sản xuất quanh năm”.

Theo PNVN (MT)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video