Hội LHPN tỉnh Quảng Bình tổ chức phản biện xã hội đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Bà Diệp Thị Minh Quyết, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, chủ trì hội thảo phát biểu đặt vấn đề: Qua gần 10 năm triển khai thực hiện Luật Đất đai, cùng với những kết quả tích cực chung, điển hình như quy định hai vợ chồng cùng đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã tạo môi trường bình đẳng và thuận lợi cho phụ nữ, tác động lớn đến nhận thức, hành vi của nam giới và phụ nữ trong tiếp cận đất đai. Đây là tiền đề quan trọng giúp phụ nữ bình đẳng hơn trong quan hệ tài sản gia đình, dòng họ, cộng đồng. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, Luật Đất đai vẫn còn một số vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung.
Giới thiệu khái quát về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bà Diệp Thị Minh Quyết nêu một số nội dung trọng tâm cần tập trung phản biện tại hội thảo, gồm: Về quyền, trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội liên quan đến việc quản lý và sử dụng đất; vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ…
Các đại biểu đã đóng góp ý kiến và tham luận nhiều nội dung, như: quyền và nghĩa vụ của công dân đối với vai trò là người sử dụng đất; quyền, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội liên quan đến việc quản lý và sử dụng đất; những điểm chưa phù hợp giữa Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với Luật Bình đẳng giới và các luật khác; quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến việc sử dụng đất; thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai…
Các đại biểu đều khẳng định quá trình lấy ý kiến nhân dân đã tạo cơ hội cho việc thực hiện quyền xây dựng chính sách, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời đề xuất những giải pháp để việc lấy ý kiến thực chất, hiệu quả hơn…
Chủ trì hội thảo đã tiếp thu các ý kiến tham luận của đại biểu. Nội dung phản biện tại hội thảo được xem xét, tổng hợp gửi Trung ương Hội LHPN Việt Nam, góp phần hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi).