Giới thiệu Luật Dầu khí Năm 2022
Luật Dầu khí năm 2022 điều chỉnh nội dung điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí có tính đặc thù về chuyên ngành kỹ thuật, công nghệ, mức độ rủi ro, quy mô đầu tư, tính chất quốc tế hóa, liên quan đến tài nguyên, quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo quốc gia.
Nội dung Luật Dầu khí năm 2022 đã bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước tại Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23 tháng 7 năm 2015 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế; bảo đảm tính khả thi, sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.
Nội dung Luật Dầu khí năm 2022 đã bảo đảm các mục tiêu, quan điểm, định hướng, chính sách lớn đã đề ra của việc xây dựng dự án Luật về: thiết lập hành lang pháp lý cho điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; có cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước; đẩy mạnh phân cấp, phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, giảm bớt các đầu mối trong quản lý nhà nước, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư; giải quyết những vấn đề tồn tại, vướng mắc, bất cập trên thực tế; dự liệu những vấn đề có thể phát sinh để có quy định phù hợp, cân bằng hài hòa giữa nguyên tắc quản lý nhà nước bảo đảm chặt chẽ và kiến tạo môi trường đầu tư dầu khí thuận lợi.
a) Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Luật Dầu khí năm 2022 quy định về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí trong phạm vi đất liền, hải đảo và vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Dầu khí năm 1993 và tham khảo pháp luật về dầu khí của nhiều nước trên thế giới[1], Luật Dầu khí năm 2022 cũng quy định hoạt động dầu khí chỉ là hoạt động dầu khí thượng nguồn, có đặc thù về triển khai hoạt động điều tra cơ bản, lập và thực hiện chương trình thẩm lượng, lập báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí (RAR), kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí (ODP), kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí (EDP), kế hoạch phát triển mỏ dầu khí (FDP), kế hoạch thu dọn mỏ, thực hiện dự án khoan và khai thác…, gắn kết chặt chẽ với các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đối với các dự án ngoài khơi còn liên quan đến chủ quyền biển đảo quốc gia.
Đối với các hoạt động dầu khí trung nguồn (vận chuyển, tồn trữ và phân phối) và hạ nguồn (xử lý, chế biến) thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường và các luật có liên quan; không có đặc thù cần quy định riêng so với các hoạt động đầu tư khác.
Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.
b) Quyền và nghĩa vụ cơ bản của cá nhân, tổ chức thuộc phạm vi đối tượng áp dụng (cần cụ thể hơn)
Quyền và nghĩa vụ của nhà thầu dầu khí (nhà đầu tư) trong nội dung Luật Dầu khí năm 2022 được kế thừa và bổ sung các Điều khoản về quyền và nghĩa vụ của nhà thầu trong Luật Dầu khí năm 1993. Đảm bảo tính kế thừa, đồng bộ, tương thích tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu dầu khí.
Quy định về việc nhà thầu dầu khí có quyền tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí và nghĩa vụ chia sẻ công trình dầu khí, cơ sở hạ tầng sẵn có nhằm sử dụng tối ưu, hiệu quả hệ thống hạ tầng cơ sở sẵn có.
c) Những nội dung chính sách, quy định mới; những quy định được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ (cần phân tích kỹ hơn, không chỉ nêu nội dung)
Luật Dầu khí năm 2022 bao gồm các điểm mới, sửa đổi, bổ sung như sau:
(i) Bổ sung chính sách về điều tra cơ bản về dầu khí là hoạt động điều tra, khảo sát ban đầu nhằm đánh giá tiềm năng, triển vọng dầu khí làm căn cứ cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí (từ Điều 10 đến Điều 14, Chương II). Quy định về điều tra cơ bản về dầu khí đang được quy định trong văn bản hướng dẫn Luật dầu khí (Nghị định 95/2015/NĐ-CP). Việc bổ sung các quy định về nội dung, trách nhiệm của cơ quan, quyền và nghĩa vụ và việc tổ chức thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí là cần thiết để khuyến khích các tổ chức, các nhân tham gia hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí. Quy định cụ thể về nội dung, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí để tương thích, đồng bộ với quy định điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản tại Luật Khoáng sản và điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo tại Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
(ii) Bổ sung, hoàn thiện các quy định về hợp đồng dầu khí theo hướng thuận lợi, linh hoạt hơn cho nhà thầu; thống nhất thời hạn hợp đồng dầu khí đối với khai thác dầu và khai thác khí, cụ thể: quy định thời hạn hợp đồng dầu khí là 30 năm[2] đối với cả dầu và khí (thống nhất thời hạn để đảm bảo thống nhất về thời hạn trong trường hợp lô vừa có phát hiện dầu, vừa có phát hiện khí). Các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt, để tương đồng với các nước trong khu vực nhằm tăng tính thu hút đối với các nhà đầu tư. (từ Điều 26 đến Điều 41, Chương IV).
(iii) Bổ sung, hoàn thiện các quy định về trình tự phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí bảo đảm tính tương đồng với hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan (từ Điều 42 đến Điều 52, Chương V).
(iv) Bổ sung, hoàn thiện các quy định về dự án phát triển mỏ dầu khí có chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của dự án phát triển mỏ dầu khí (Điều 42, Chương V).
(v) Bổ sung chính sách ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với các lô, mỏ dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí (các Điều 53 và 54, Chương VI). Bổ sung quy định điều chỉnh đối với đối tượng dầu khí phi truyền thống (dầu khí sét, băng cháy…).
(vi) Bổ sung chính sách về khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu nhằm tạo cơ chế đột phá, mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước (Điều 41, Chương IV và Điều 55, Chương VI).
(vii) Bổ sung, hoàn thiện quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán và xử lý chi phí trong hoạt động dầu khí phù hợp với đặc thù của hoạt động dầu khí và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế (các Điều 56 và 57, Chương VII).
(viii) Tăng cường phân cấp cho Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí (các Điều tại Chương V); phân cấp cho Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong phê duyệt việc sử dụng vốn của Tập đoàn và doanh nghiệp 100% vốn của Tập đoàn, phù hợp với chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi kèm với tăng cường kiểm tra, giám sát (Điều 63, Chương IX).
(ix) Quy định rõ chức năng, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhằm phân định rõ hai vai trò chính của Tập đoàn là thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao và tham gia hợp đồng dầu khí với vai trò nhà thầu (từ Điều 60 đến Điều 64, Chương IX).
(x) Chính sách quy định về việc cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí và nghĩa vụ chia sẻ công trình dầu khí, cơ sở hạ tầng sẵn có nhằm sử dụng tối ưu, hiệu quả hệ thống hạ tầng cơ sở sẵn có, tránh lãng phí trong đầu tư (Điều 5, Chương II; các Điều 58 và 59, Chương VIII).
Sau gần 40 năm phát triển, ngành dầu khí đã xây dựng được các cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động dầu khí (các công trình xử lý dầu khí, kho chứa/xử lý nổi ngoài biển, hệ thống đường ống vận chuyển khí vào bờ...), trong đó nhiều hạng mục mang tính độc quyền tự nhiên. Việc bổ sung các quy định về vấn đề này vào trong Luật là phù hợp với thực tiễn và đặc thù hoạt động dầu khí tại Việt Nam và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.
[1] Quy định về hoạt động dầu khí là các quy định về hoạt động dầu khí thượng nguồn (hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ, khai thác dầu khí, thu dọn mỏ).