Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới - động lực để phát triển kinh tế tỉnh Thái Nguyên

01/08/2023
Chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực nông nghiệp được xác định là tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp và làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.
rong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, nhờ các sàn giao dịch TMĐT mà hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX Chè Hảo Đạt vẫn diễn ra bình thường, doanh thu không bị sụt giảm

Tại Thái Nguyên, việc ứng dụng số trong phát triển nông nghiệp đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, trở thành động lực để phát triển kinh tế của địa phương. Đặc biệt, trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới (NTM), CĐS đã giúp chương trình xây dựng NTM của tỉnh giành được nhiều thành tựu nổi bật.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đã tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ số để phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực được người dân đầu tư hình thành các chuỗi liên kết sản xuất tăng nhanh về quy mô, chất lượng cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững.

Ông Dương Sơn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để thực hiện có hiệu quả chương trình CĐS đối với ngành Nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng NTM, Sở đã xây dựng một cơ sở dữ liệu chung để tích hợp các nội dung tiện ích làm tốt công tác quản lý; ứng dụng công nghệ số để giải quyết những thủ tục hành chính. Trên cơ sở đó, đã xây dựng phần mềm quản lý chất lượng nông sản với những giải pháp quản lý chất lượng sản phẩm của gần 400 doanh nghiệp và HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia. Theo đó, đã số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị OCOP, gắn với giám sát - chứng thực của công tác quản lý nhà nước; hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối với chương trình OCOP cấp độ quốc gia.

Hiện nay, toàn tỉnh có 173 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; Chương trình OCOP đã tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn. Giá trị kinh tế của các sản phẩm được nâng lên từ 20% trở lên nhờ đạt tiêu chí OCOP, công nghệ số đã đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách nhanh hơn nên doanh số bán hàng của các đơn vị tăng từ 20% - 50%, trong đó doanh thu bán hàng qua mạng và sàn giao dịch điện tử chiếm 30%; đặc biệt có sản phẩm tăng doanh số từ 70 - 100%.

“Nhờ việc áp dụng CĐS trong sản xuất, kinh doanh, giao dịch qua các sàn TMĐT, vì thế hoạt động HTX không bị ngưng trệ, nhất là trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID - 19, thậm chí tăng doanh số khi thời điểm dịch cao điểm” - Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX Chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) chia sẻ.

Với trọng tâm là hỗ trợ các chủ thể, doanh nghiệp, HTX tham gia các sàn thương mại điện tử trên các nền tảng số gắn với việc thực hiện Chương trình CĐS của ngành Nông nghiệp; công tác xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm được coi trọng, nhằm kết nối và đưa sản phẩm ra thị trường. Hàng trăm nghìn hộ sản xuất nông nghiệp đã được tập huấn, hỗ trợ đưa các sản phẩm lên các sàn giao dịch điện tử C- Thái Nguyên, Viettel, VinaPost, Voso, Sendo, Lazada, Amazon.... với hàng chục nghìn gian hàng được mở với trên 2 nghìn sản phẩm nông nghiệp… Các hội nghị trực tuyến kết nối các doanh nghiệp, HTX với các đối tác trong và ngoài nước cũng đã được tổ chức, đạt hiệu ứng tốt. Bên cạnh đó, các chính sách khoa học, công nghệ đối với các chủ thể tham gia chu trình OCOP, tư vấn và hỗ trợ đăng ký xác lập, bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến sản phẩm OCOP được triển khai có hiệu quả.

Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Thái Nguyên cho biết: Việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 cũng như thực hiện chủ trương đưa CĐS vào nông nghiệp nói chung và vào xây dựng NTM nói riêng đã được Chính phủ thông qua và thể hiện tại nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp thời gian qua. Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục tham mưu cho Sở triển khai các chương trình phù hợp với chủ trương, định hướng cũng như góp phần tích cực vào quá trình xây dựng, phát triển của tỉnh; đặc biệt trong xây dựng NTM, NTM nâng cao.

Tiêu biểu như việc triển khai phần mềm quản lý, đánh giá, lấy ý kiến sự hài lòng của người dân và cơ sở dữ liệu các xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên nhiều nền tảng số hóa hồ sơ điện tử thay thế dần việc lưu trữ hồ sơ giấy, tổng hợp báo cáo kết quả xây dựng NTM của các xã, so sánh kết quả thực hiện các tiêu chí theo từng năm đã được triển khai thực hiện. Hiện nay, toàn tỉnh có 108/126 xã có Quyết định công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 85,7%; 17 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 04 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 04 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM; các địa phương trên địa bàn tỉnh đang rà soát, lựa chọn và xây dựng dự án, kế hoạch xây dựng mô hình phù hợp với mục tiêu của các Chương trình chuyên đề và lợi thế của địa phương, lựa chọn địa phương, đơn vị để xây dựng mô hình điểm về xã NTM thông minh, xã thương mại điện tử.

Bằng công nghệ CĐS, những hình ảnh, thông điệp từ sản phẩm trà Thái Nguyên đã được bà con nông dân gửi đến khách hàng trong và ngoài nước qua thiết bị hỗ trợ livestream

Có thể thấy, CĐS ngành Nông nghiệp nói chung và CĐS trong xây dựng NTM, NTM thông minh đã góp phần thay đổi diện mạo, đời sống bà con nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế do một số địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của CĐS nên việc triển khai thực hiện còn chưa đồng bộ; chi phí đầu tư ban đầu cao; việc ứng dụng CĐS để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ở một số HTX và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp vẫn còn những hạn chế…

Ngày 16/3/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ký Quyết định số 696 phê duyệt Danh mục mô hình thí điểm do Trung ương chỉ đạo thuộc Chương trình CĐS trong xây dựng NTM, hướng tới nông thôn thông minh giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương được Trung ương lựa chọn thí điểm xã NTM thông minh của cả nước. Để kịp thời triển khai, thực hiện mô hình thí điểm của Trung ương, ngày 20/3/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành văn bản số 1118 chỉ đạo các sở ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan lập dự án, kế hoạch, xây dựng mô hình thí điểm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện, đúng quy định.

Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển chính quyền số trong xây dựng NTM. Để đạt mục tiêu này, thời gian tới, cần phải tiếp tục có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của các doanh nghiệp và người dân, đồng thời xây dựng những định hướng phát triển cụ thể cho từng địa phương. Có như vậy mới góp phần tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp, giúp nông sản của Thái Nguyên khẳng định chỗ đứng trên thị trường, phát triển một cách bền vững.

https://thainguyen.gov.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video