Chủ động phòng ngừa, tầm soát ung thư vú rất quan trọng
Chương trình đã thu hút sự chú ý, tham gia gần 600 cán bộ, hội viên, phụ nữ tại các điểm cầu trên cả nước.
Phát biểu tại sự kiện, bà Trương Thị Thu Thủy, Trưởng Ban Gia đình – Xã hội TW Hội LHPN Việt Nam cho biết, để thực hiện nhiệm vụ “xây dựng gia đình có sức khỏe”, thời gian qua, các cấp Hội LHPN Việt Nam đã và đang triển khai nhiều hoạt động ở cả cấp độ vĩ mô và vi mô trong đó có các hoạt động tuyên truyền, vận động, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, phòng chống các bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng, đặc biệt là những bệnh liên quan tới phụ nữ như phòng chống ung thư vú, ung thư cổ tử cung, phòng chống các vấn đề về sức khoẻ tâm thần…
Bà Trương Thu Thủy, Trưởng Ban Gia đình – Xã hội TW Hội LHPN Việt Nam phát biểu khai mạc sự kiện
Bà Thủy cho biết, hiện nay, ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất ở nữ giới. Tại Việt Nam, theo thống kê của Tổ chức Ghi nhận Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN 2020), ung thư vú là căn bệnh ung thư thường gặp nhất với 21.555 ca mắc mới, chiếm tỷ lệ gần 25,8% tổng số ca ung thư và hơn 9.000 ca tử vong hàng năm. Bệnh tuy nguy hiểm nhưng lại có thể chữa trị khỏi nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời. Đặc biệt, việc tự khám vú tại nhà có thể coi là hành động đầu tiên để phòng chống ung thư vú.
Trong Chương trình, chị em hội viên đã được các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực ung thư và ung thư vú chia sẻ, tư vấn nhiều thông tin, kiến thức rất cần thiết.
PGS.TS.BS. Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) - cho biết, ung thư vú là xuất hiện khối u ác tính trong mô vú, tình trạng này thường phát triển từ các ống bên trong vú. Các tế bào ung thư sau đó có thể lan rộng ra toàn bộ vú và sang các bộ phận khác trên cơ thể. Các yếu tố nguy cơ mắc ung thư vú có rất nhiều, như tiền sử có mẹ, dì, cô, con gái, chị, em gái bị ung thư vú; phụ nữ hành kinh sớm trước 12 tuổi và mãn kinh muộn sau 55 tuổi; phụ nữ mang thai muộn trên 30 tuổi hoặc không mang thai, không cho con bú. Những người mắc bệnh béo phì, hút thuốc lá. Người có tiền sử mắc bệnh ung thư trước đó như ung thư vú, buồng trứng, nội mạc tử cung… Một số bệnh ung thư có thể do di truyền bởi đột biến gen, trong đó gen phổ biến nhất liên quan đến ung thư vú di truyền là đột biến gen BRCA1 và BRCA2.
PGS.TS.BS. Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai)
Theo BS. Cẩm Phương, bệnh ung thư vú hoàn toàn có thể phát hiện sớm được. Nhiều phụ nữ bị ung thư giai đoạn sớm không có các triệu chứng, vì vậy cần tăng cường tầm soát phát hiện sớm để tăng khả năng điều trị khỏi. "Chị em có thể tự khám vú hoặc khám bởi bác sĩ chuyên khoa. Người phụ nữ biết vú của mình bình thường trông như thế nào và cảm thấy như thế nào, bởi vậy họ có thể tự phát hiện được các bất thường của vú. Chủ động phòng ngừa, tầm soát ung thư vú để có thể phát hiện sớm, mang lại cơ hội chữa khỏi cho người bệnh", BS. Cẩm Phương cho biết.
Đây là căn bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi cao và chi phí điều trị thấp. Vì vậy, việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú ngay khi phụ nữ sang độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao từ độ tuổi 40 trở lên là rất quan trọng.
Bác sĩ CKII Trương Vương Vũ (Bệnh viện Ung bướu Khánh Hòa)
Theo bác sĩ CKII Trương Vương Vũ (Bệnh viện Ung bướu Khánh Hòa), đi kèm với việc tầm soát phát hiện sớm, cần chăm sóc sức khỏe để phòng, chống các bệnh ung thư, trong đó có ung thư vú. Nguyên nhân khiến phụ nữ dễ mắc ung thư vú là do các bữa ăn không cân đối, thiếu rau xanh, quả chín dẫn đến thiếu chất xơ và các chất chống oxy hóa, các vitamin khoáng chất. Bên cạnh đó, nhiều chị em có thói quen ăn các thực phẩm chiên rán có nhiều chất béo thể đồng phân kèm theo các chất gây ung thư. Việc uống rượu bia không kiểm soát, sống trong môi trường độc hại, ăn các thực phẩm không an toàn chứa nhiều hóa chất sẽ làm cho tế bào cơ thể bị già hóa gây tổn thương nhân tế bào và dẫn đến xuất hiện bệnh ung thư vú.
Bà Hoàng Thị Vân Hạ - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa - đã chia sẻ về hoạt động truyền thông của Hội LHPN trong nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống ung thư vú tại địa phương.
Bà Hoàng Thị Vân Hạ - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa
Theo đó, trong những năm qua, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với cơ quan y tế tại địa phương tổ chức các lớp truyền thông tầm soát ung thư vú, tiếp cận và hỗ trợ phụ nữ tại các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, giúp họ nâng cao nhận thức về nguy cơ và biện pháp phòng chống ung thư vú, đồng thời cung cấp các cơ hội tầm soát sớm bệnh tật.
Hội đã thực hiện hàng loạt buổi truyền thông và hội thảo tại các xã/phường tại các huyện, thị, thành phố nhằm giúp phụ nữ địa phương nắm được các kiến thức cơ bản về ung thư vú. Trong những buổi này, phụ nữ được hướng dẫn cách tự kiểm tra vú hàng tháng, từ đó phát hiện sớm các triệu chứng bất thường. Đồng thời, Hội đã phối hợp với các cơ quan y tế tại địa phương để tích hợp chương trình phòng chống ung thư vú vào các chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng sẵn có.
Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng phối hợp cung cấp tờ rơi, áp phích hướng dẫn cụ thể về cách phát hiện sớm ung thư vú tới hội viên, phụ nữ tại các buổi truyền thông, buổi sinh hoạt chi, tổ hội...
"Thông qua các hoạt động trên, đã giúp các chị em hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức về phòng chống ung thư vú, giúp hàng nghìn phụ nữ được tư vấn và tầm soát miễn phí, chị em được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, có thêm kiến thức để theo dõi những triệu chứng bất thường của cơ thể, phát hiện sớm và điều trị kịp thời", bà Hoàng Thị Vân Hạ chia sẻ.