Cao Bằng: Phụ nữ Tày ở Đàm Thủy làm du lịch
Chuyển đổi làm du lịch
Với lợi thế cảnh quan thiên nhiên và khí hậu mát mẻ, cùng với đó là danh lam thắng cảnh thác Bản Giốc vốn vang danh khắp nơi, người phụ nữ Tày ở xã Đàm Thủy đã tự chuyển mình làm du lịch cộng đồng. Nhờ sự nhanh nhẹn, tháo vát, họ đã tạo nên sự đổi thay lớn trong cơ cấu kinh tế và lao động sản xuất ở địa phương.
Gia đình chị Mạc Thị Khon, ở thôn Khuổi Ky, xưa kia chỉ sống với nghề ruộng nương và chăn nuôi, nhưng từ khoảng 4 năm nay, gia đình chị đã mở mô hình Homestay để làm dịch vụ du lịch.
Thôn Khuổi Ky đã trở thành quần thể du lịch Homestay ở xã Đàm Thủy
Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch của địa phương có nhiều triển vọng, chị Khon đã bàn với chồng là anh Nông Văn Thơ, đầu tư sửa chữa nhà cửa, mua sắm trang thiết bị về mở mô hình Homestay. Ban đầu, anh Thơ còn khá ngập ngừng, vì chưa bao giờ biết đến công việc làm du lịch, nhưng sau khi nghe vợ thuyết phục, anh đã đồng ý. Cho đến nay, mô hình Homestay của vợ chồng anh chị đã phát triển khá đều đặn, tạo ra việc làm và thu nhập khá ổn định cho gia đình.
Nét cổ kính của những ngôi nhà truyền thống của người Tày ở Đàm Thủy được gìn giữ và bảo tồn để phát triển du lịch
Cho đến nay, cả thôn Khuổi Ky đã có gần chục hộ gia đình làm du lịch Homestay, biến khu này thành một quần thể du lịch của xã Đàm Thủy. Lượng khách đổ về hàng tháng khá đông, tạo ra sự nhộn nhịp làm thay đổi bộ mặt làng quê này.
Phát triển du lịch giúp nâng cao vai trò phụ nữ
Từ khi phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương, cơ cấu lao động việc làm và thu nhập ở các gia đình người Tày nơi đây đã có những chuyển biến rõ rệt.
Nếu như xưa kia, mọi việc phân công lao động, nguồn thu nhập ở các hộ gia đình, người chồng luôn đóng vai trò lớn hơn người vợ. Nhưng kể từ khi phát triển du lịch, vị thế của người phụ nữ trong gia đình lại nổi trội hơn. Bởi lẽ họ là những nhân tố hoạch định phát triển kinh doanh trong hộ gia đình.
Chị em phụ nữ người Tày ở Đàm Thủy hiện nay rất tự tin làm du lịch
Bà Triệu Thị Ngọn cho biết: "Làm du lịch thì chủ yếu là phụ nữ, từ việc tiếp đón khách, bán hàng cho khách, tổ chức sắp xếp ăn ngủ cho khách du lịch, toàn là chị em làm hết. Việc này phụ nữ làm tốt hơn đàn ông. Nên quyền quyết định là do người phụ nữ thôi. Đàn ông thì lại làm các công việc đồng áng của gia đình".
Du khách trong nước và quốc tế đều rất yêu thích khi đến du lịch ở Đàm Thủy
Chị Mạc Thị Khon cho hay: "Làm du lịch thì đòi hỏi phải nhẹ nhàng, khéo léo, nhiều khi khách du lịch đến đây họ cũng muốn nói chuyện để tìm hiểu về đời sống cộng đồng, về phong tục tập quán của địa phương. Nên chị em cũng phải tìm hiểu để biết, để nói chuyện với khách du lịch. Thậm chí là mình cũng phải tính toán xem khách thích ăn gì, uống gì để mua bán cung cấp cho họ".
Ngày nay, ở các thôn bản trong xã Đàm Thủy đều có những Câu lạc bộ văn nghệ phục vụ khách du lịch. Từ đó cũng tạo ra việc làm thêm tăng thu nhập cho chị em trong thôn bản.
Ghế rơm là sản phẩm thủ công của người Tày ở xã Đàm Thủy, được du khách rất yêu thích
Bà Triệu Thị Huệ, Chủ tịch Hội LHPN xã Đàm Thủy, cho biết: "Phát triển du lịch ở địa phương không những đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ vài năm trở lại đây, Hội LHPN xã đã chủ động cùng các Chi hội ở thôn bản thành lập các Câu lạc bộ dân ca dân vũ, Câu lạc bộ hát then. Hàng tháng chúng tôi đều tập luyện và biểu diễn, nhờ đó mà phong trào ngày càng đi lên rõ rệt. Đây cũng là điều rất đáng mừng".