Đà Nẵng: Tiếp tục lấy ý kiến góp ý về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 chương, 56 điều, có nhiều chỉnh sửa, bổ sung so với Dự thảo lần trước (tháng 10/2021). Chuyên đề góp ý về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là nội dung rất quan trọng được xã hội quan tâm nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; giải quyết những bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện tại; bảo đảm phù hợp với các Điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia và bài học kinh nghiệm quốc tế. Đặc biệt, góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi bạo lực gia đình.
Tại Hội thảo, các đại biểu là đại diện các sở, ngành thành phố, thành viên Mạng lưới cán bộ tư vấn về phòng ngừa, ứng phó bạo lực với phụ nữ và trẻ em, CLB Nam giới tiên phong phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái và cán bộ Hội Phụ nữ các cấp đã tập trung góp ý, đề xuất vào nhiều nội dung quan trọng, cụ thể như: Cần xác định rõ những hành vi bạo lực, các nhóm vấn đề về bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục và các loại bạo lực khác... (Điều 3); bổ sung thêm các hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ em; trong đó, có hành vi cưỡng ép sử dụng các chất kích thích, kể cả rượu, bia và các chất kích thích khác…
Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hoàng Thị Thu Hương phát biểu khai mạc Hội nghị
Các đại biểu cũng góp ý bổ sung biện pháp cấm tiếp xúc theo Quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã và Toà án giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc (Điều 25, 26 và 27); biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư đối với người có hành vi bạo lực gia đình (Điều 32); biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” (Điều 33).
Góp ý về công tác tư vấn, hoà giải về phòng chống bạo lực gia đình và xử lý tin báo, tố giác vụ việc bạo lực gia đình (Điều 16, 17, 18, 20); Về bảo vệ, hỗ trợ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và người báo tin, tố giác vụ việc bạo lực gia đình (Điều 34); cũng như cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 40). Bổ sung trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam trong phòng, chống bạo lực gia đình... nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội, góp phần tăng cường các biện pháp bảo vệ phụ nữ và trẻ em.
Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trần Chí Cường kết luận Hội nghị
Các ý kiến góp ý được Hội LHPN thành phố và Đoàn ĐBQH tiếp thu, ghi nhận và tổng hợp, làm căn cứ để Đoàn ĐBQH thành phố nghiên cứu, tham gia góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sắp tới.