Những biểu tượng văn hóa từ hoa văn thổ cẩm của dân tộc Thái

10/06/2022
Hoa văn trên đồ dệt của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam là sản phẩm của lao động thủ công, đồng thời mang giá trị tinh thần đầy tính biểu tượng, gắn với nhân sinh quan và vũ trụ quan của đồng bào. Với nhiều đề tài khác nhau, các hoa văn dệt phản ánh nhiều mặt của văn hóa cổ truyền. Dưới đây là một số tích truyện văn hóa liên quan đến họa tiết dệt của người Thái ở hai tỉnh Hòa Bình và Nghệ An.
Phụ nữ dân tộc Thái huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) dệt vải thổ cẩm

Trang phục của phụ nữ Thái nổi bật với chiếc áo “xửa cỏm” ngắn, bó sát người, với hai hàng cúc hình con bướm hoặc hình hoa, hình rùa, bằng bạc hay kim loại, tượng trưng cho sự kết hợp nam với nữ, sự hài hòa âm dương. Cùng với đó là những “khút piêu” trên khăn piêu của phụ nữ Thái, tượng trưng cho trời và mảng thêu vuông ở đầu khăn tượng trưng cho đất.

Khăn piêu được thêu bằng tay

Khăn piêu cũng liên quan đến mô típ hoa ban (boọc ban) gắn với tình yêu của cô gái xinh đẹp tên là Ban yêu một chàng trai nghèo tên là Khum. Bố của Ban ham giàu nên hứa gả con cho một lão giàu có trong làng. Ban nghe tin vội chạy trốn đến nhà Khum để tìm nơi nương náu. Chẳng may, Khum và cha lại đi chợ xa bán trâu, Ban đành buộc khăn piêu vào cửa nhà Khum và chạy đi tìm chàng. Cô chạy qua không biết bao nhiêu núi rừng, cho đến khi kiệt sức nằm chết ở chân một ngọn núi. Về sau, ở nơi Ban yên nghỉ mọc lên một loại cây mà bông hoa trắng muốt, tinh khiết như làn da của Ban; hình hoa cũng như bàn tay e ấp của người con gái đẹp này. Bởi vậy, đồng bào dân tộc Thái dệt hoa ban lên thổ cẩm để tưởng nhớ một câu chuyện tình yêu đẹp nhưng buồn. Cũng vì thế mà khi cưới, chú rể người Thái thường tặng cho cô dâu khăn piêu để bày tỏ tình cảm và sự thủy chung. Đến khi qua đời, khăn piêu được cắt làm đôi chôn theo người quá cố, với mong ước cho vợ chồng có thể đoàn tụ ở thế giới bên kia.

Những cô gái dân tộc Thái duyên dáng với chiếc khăn piêu

Hoa văn của người Thái còn có hoa cấm (boọc cấm), liên quan đến tình anh em. Truyện xưa kể rằng, ở mường Miếng có 2 anh em trai rủ nhau ra khe tắm. Người anh mải tắm không để ý tới em, mãi sau quay lại tìm thì không thấy em đâu, bỗng dưng có tiếng hét to “cứu em với…, cứu em với…”. Người anh vội lên bờ chạy theo dấu chân của em nhưng không thấy em đâu. Đến một đoạn thì dấu chân của người em cũng biến mất. Về sau, nơi dấu chân cuối của em mọc lên một cây to. Lạ thay, cả cây chỉ có một bông hoa. Vì thương tiếc em, người anh ngày ngày ra gốc cây trông và ngăn/cấm không cho bất cứ ai hái bông hoa đó. Cái tên “hoa cấm” từ đó mà ra. Không ai biết hình dáng thật sự của bông hoa này thế nào, chỉ biết đến nó qua hoạ tiết thổ cẩm.

Tại huyện Mai Châu (Hòa Bình), hầu hết phụ nữ Thái đều biết cách dệt mô hình con khỉ (tô lình), để thể hiện sự khao khát của một người mẹ dành cho đứa con của mình. Chuyện kể rằng: Trước đây có một gia đình nghèo, sinh con nhưng không có gì cho con ăn. Khi con khóc đòi ăn, người mẹ nói, chờ mẹ đi nương, mót thóc lấy gạo nấu cơm cho con ăn. Người con chờ mãi, đến khi mẹ vo gạo cho vào chõ đồ, cậu bé không thể chịu đựng được, đã cố gắng với tay vào chõ cơm, nhưng lại nhúng tay vào một thùng nước sôi nhuộm vải. Chân tay người con bỗng mọc lông lá, biến thành khỉ chạy vào rừng. Người mẹ vượt qua bao núi cao, lũng sâu tìm con về ăn cơm, đứa con bảo nó đã biến thành khỉ rồi, ăn quả rừng không thấy chua, không thấy ngứa, không về ăn cơm với cha mẹ nữa. Vì thương nhớ con, người mẹ đã dệt hình hài đứa con như con khỉ trong sản phẩm của mình.

Trong sản phẩm của người Thái, cũng thấy có hoa văn hình con vịt, con gà liên quan đến truyền thuyết: Vào kỷ nguyên thứ 8, khi loài người bắn hạ tám mặt trời thì mặt trời thứ chín đi trốn, nên con người bị sống trong tăm tối. Họ phải gửi vịt cõng gà đi gọi mặt trời về, mang lại sự sống cho trái đất. Để nhớ ơn vịt đã cõng gà đi gọi mặt trời, người Thái dệt hoa văn con vịt, con gà lên vải thổ cẩm.

Hoa văn họa tiết hình học hình muông thú trên thổ cẩm dân tộc Thái Nghệ An

Ngoài ra, còn có mô típ vịt trời, một con vật biết bay, khi nào nhìn thấy vịt bay trên trời, người Thái biết là trời sắp mưa. Trong sản phẩm dệt của người Thái còn có hai loại họa tiết con bướm (tô bơ) với nhiều màu, nhưng nổi bật là 2 màu đen, trắng tương phản, chỉ được dùng trong tang lễ.

Hoa tám cánh (boọc san) cũng là sự mô phỏng từ câu chuyện xưa: Một người Thái đi vào rừng khai hoang mở đất, đi sâu mãi vào rừng đến khi bị lạc, không có gì ăn, nên kiệt sức và đói lả, đành ngồi tựa ở gốc cây san. Bỗng có quả san rụng xuống, nhờ ăn quả san mà anh ta có sức lực trở lại. Để ghi nhớ loại quả đã cứu sống tổ tiên của mình từ thuở khai hoang lập địa, người Thái dệt hoa 8 cánh lên vải.

Người Thái cũng đưa vào đồ dệt nhiều hình rồng (tô ngược), để ca ngợi sức mạnh cũng như lòng hiếu thảo của rồng. Người Thái ở Nghệ An gắn hình ảnh rồng với cầu vồng. Người lớn hay dạy trẻ con rằng, khi thấy cầu vồng ở chân trời thì chỉ được nhìn, không được chỉ. Nếu chỉ sẽ bị rồng phạt làm cho cụt tay. Riêng mô típ con rồng 2 đầu (tô ngược hung), còn được gọi là rồng hạnh phúc, quấn chung một ruột. Vì thế, khi con gái về nhà chồng sẽ được cha mẹ hồi môn cho những chiếc váy thêu hình con rồng, mong cho hai con sống hạnh phúc bên nhau.

Mô típ rùa (tô phá) của người Thái không chỉ mang ý nghĩa tứ linh (gắn với tuổi thọ cao và sự thân thiện), mong ước người thân của mình cũng sống lâu như rùa, mà còn hàm ý trả ơn rùa đã giúp Lang Cun, Lang Cần làm nhà sàn.

Với người Thái, mô típ voi (tô chảng) là biểu trưng cho sức khỏe và sự mạnh mẽ, thân thiện. Vì thế, các bà mẹ dệt, thêu hình voi trên tấm chăn, cổ màn để ca ngợi sự trung thành và tính cộng đồng của voi, đồng thời mong muốn con mình có sức mạnh như voi.

Hoa văn hình hoa, hình cá hình tròn, hình núi... trên chân váy của phụ nữ Thái Nghệ An


Hoa văn muôn sắc màu trên thổ cẩm dân tộc Thái

Mô típ cá vía (húa pá xạc) thể hiện quan niệm của người Thái: Trên trời có một ao cá vía, mỗi con cá trong đó mang theo hồn vía của một người dưới trần. Khi con cá trên trời khoẻ mạnh, con người dưới trần cũng khoẻ mạnh. Khi một con cá ốm yếu và chết đi đồng nghĩa với việc con người mang hồn vía đó ở dưới trần cũng ốm yếu mà chết đi. Vì thế, người Thái dệt hoa văn cá vía để mong cá vía luôn khỏe mạnh.

Trong đồ án dệt, chị em Thái còn mang cả dụng cụ dệt vào sản phẩm. Đó là mô típ dụng cụ cuốn sợi (can pía) - vật dụng dùng trong bước đầu tiên của quá trình làm sợi. Sợi chỉ tháo từ can pía ra mới được chuội mềm bằng nước tro, nhuộm, đưa lên xa quay sợi và đánh vào ống chỉ để dệt hoặc thêu. Dụng cụ này liên quan đến câu chuyện của một đôi trai gái yêu nhau và hứa hẹn suốt đời, suốt kiếp sống bên nhau, khi chết đi, họ còn mong: “ai cượt pén pía xì nòng cượt pến đai”, nghĩa là: anh hóa thành can pía còn em hóa thành sợi tơ.

Hoa và quả cũng là đề tài quen thuộc trong họa tiết dệt của người Thái, như hoa boọc lé. Chuyện kể rằng: Ngày xưa, trên đĩa thức ăn của người Thái thường có loại hoa này. Các cụ nhìn thấy đẹp và sợ mất đi nên đã dệt, thêu lại nó. Ngày nay, loài hoa này dường như đã biến mất, không ai biết bông hoa boọc lé thật trông như thế nào, nhưng nhờ có hoạ tiết trên vải thổ cẩm mà người Thái vẫn gìn giữ được hình ảnh của loài hoa này.

Vỏ kết mây (boọc kết mây): Kết mây là 1 loại vỏ cây to ở trong rừng, gần với làng người Thái ở Nghệ An, người dân thường vào rừng hái măng, đốn củi, nhìn thấy các vỏ cây cổ thụ đẹp và về thêu lên bộ trang phục của mình. Quả trám (mặc cươm bấy) là loại quả chín vào tháng 8. Trước đây đói khổ, dân không có gạo ăn thường hái quả trám về luộc ăn đỡ bữa. Người thợ dệt đã thêu hình quả trám trên vải để tưởng nhớ món ăn đã cứu giúp mình trong những ngày cơ hàn.

Phụ nữ Thái Mai Châu (Hòa Bình) sáng tạo hoa văn trên vải thổ cẩm

Có thể khảng định, nghệ thuật tạo hình hoa văn vải dệt của dân tộc Thái với nhiều kỹ thuật và hình thức thể hiện nét cá tính, độc đáo mà bản thân người nghệ nhân đã tạo ra trong các tác phẩm dệt, thêu của mình, tạo nên sự phong phú, đa dạng, phong phú, giàu bản sắc dân tộc.

baodantoc

Video