Ấm no nhờ chăn nuôi bò sữa

22/09/2022
Thông qua tuyên truyền về vốn vay, kiến thức, kinh nghiệm, nhiều hội viên phụ nữ tại huyện Ba Vì (Hà Nội) đã có cuộc sống ấm no, ổn định, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững,
Nhiều hội viên phụ nữ thoát nghèo từ dự án bò sữa

Chị Nguyễn Thị Bích Quyền thuộc hộ cận nghèo thôn Tam Mỹ, xã Tản Lĩnh, được các cấp Hội phụ nữ vận động tham gia tổ liên kết vay vốn, từ năm 2021. Chị đã được vay 20 triệu đồng để đầu tư mua 2 con bò nhỏ. Đến nay cùng với số vốn của gia đình, chị đã phát triển đàn bò 7 con, trong đó có 3 con đang khai thác sữa, bình quân được khoảng 40 lít sữa mỗi ngày với giá 14.000 đồng/lít. Với thu nhập từ việc chăn nuôi bò sữa, gia đình chị đã thoát cận nghèo và có cuộc sống ổn định.

Tại xã Văn Hòa, chị Kiều Thị Phương cũng là một điển hình vượt khó vươn lên thoát nghèo nhờ vay vốn phát triển chăn nuôi bò sữa. Được tiếp cận với nguồn vốn vay từ dự án, đến nay, chị đã có đàn bò gồm 9 con, trong đó có 8 con khai thác sữa, mỗi ngày thu được 150kg sữa, thu nhập bình quân 40 triệu đồng/tháng. Gia đình chị đã thoát cận nghèo và khó khăn.

Kết quả trên có được từ Dự án bò sữa được triển khai từ tháng 7/2019 đến tháng 7/2022 tại 3 xã Tản Lĩnh, Yên Bài, Vân Hòa (huyện Ba Vì, Hà Nội).

Đại diện Hội LHPN thành phố Hà Nội, lãnh đạo huyện Ba Vì thăm mô hình chăn nuôi bò sữa thuộc dự án của hội viên phụ nữ xã Tản Lĩnh.

Với nguồn vốn ban đầu là 2 tỷ đồng, thực hiện giải ngân cho 80 hộ vay vốn; số tiền mỗi hộ vay là 25 triệu đồng, hiện nay, dư nợ gốc đang cho vay là 2,63 tỷ đồng cho 173 thành viên vay vốn. Mỗi hộ được cho vay 25 triệu đồng, trong thời gian 25 tháng, các hộ dân sẽ tập trung mua con giống bê lỡ, bò lỡ hoặc thức ăn chăn nuôi, trang thiết bị phục vụ hỗ trợ chăn nuôi… Quá trình sử dụng vốn sẽ được Hội LHPN huyện Ba Vì và Ban Quản lý thành phố kiểm tra, giám sát, đảm bảo vốn được sử dụng đúng mục đích, bảo toàn vốn khi đến hạn thu hồi.

Tuyên truyền, cung cấp thông tin giúp hội viên xóa đói giảm nghèo

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương đánh giá, được sự quan tâm đầu tư nguồn vốn của TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Dự án bò sữa giai đoạn 2019-2022 đã đáp ứng nhu cầu cần thiết và tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình hội viên phụ nữ của 3 xã Tản Lĩnh, Yên Bài, Vân Hòa được vay vốn và trang bị kiến thức trong chăn nuôi bò sữa.

Trong đó, hoạt động truyền thông, tập huấn được Ban quản lý dự án thành phố và Hội LHPN các cấp chú trọng, giúp các thành viên vay vốn có thêm thông tin, kiến thức trong phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Cụ thể, đã có 25 lớp tập huấn được tổ chức, thực hiện về gói vay mới, hệ thống sổ sách theo dõi phát, thu vốn, lãi, tiết kiệm cho 412 cán bộ Ban Quản lý dự án huyện, xã và các thành viên tham gia tổ vay vốn. Ban quản lý dự án cũng phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu chăn nuôi bò và đồng cỏ Ba Vì tổ chức 3 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi bò sữa cho các thành viên vay vốn.

Nhiều hội viên phụ nữ thoát nghèo từ dự án bò sữa.

Từ những kiến thức, thông tin được trang bị đó, các thành viên vay vốn đã sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, có ý thức chăm sóc, bảo vệ đàn bò, do vậy đàn bò sữa của dự án phát triển về số lượng bò và chất lượng sữa. Dự án chăn nuôi bò sữa là mô hình tạo việc làm hiệu quả tại địa phương. Hội viên phụ nữ có thời gian chăm sóc gia đình, không phải đi làm ăn xa.

Dự án đã hỗ trợ hội viên, phụ nữ làm nông nghiệp phát triển kinh tế làm giàu chính đáng. 3 năm qua, có 3 hộ thoát nghèo, 15 hộ thoát cận nghèo, 164 hộ khó khăn có thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thông qua các hoạt động của dự án chăn nuôi bò sữa, các hội viên, phụ nữ còn được giao lưu, học hỏi chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi bò sữa và phát triển kinh tế.

Có thể nói triển khai nội dung giảm nghèo về thông tin tại các cấp hội phụ nữ đã tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ, đặc biệt là các hộ nghèo, thuận lợi trong tiếp cận với những cách làm kinh tế hiệu quả và các dịch vụ xã hội cơ bản cũng như các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Từ đó, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của chi em tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

PNVN

Video