Vất vả mà vui

21/08/2020
Đó là chia sẻ của các “chị nuôi” ở xã Phú Thượng (Phú Vang) khi tham gia nấu ăn phục vụ khu cách ly phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn xã.
Hội viên phụ nữ xã Phú Thượng chuẩn bị bữa ăn trong khu cách ly

4 giờ sáng hàng ngày, chị Trần Thị Hà (Phú Thượng, Phú Vang) lại thức dậy chuẩn bị cho nồi bún- kế sinh nhai của gia đình.

Thường khi gánh bún hết, chị về thu vén việc nhà rồi đi chợ chuẩn bị tiếp nồi bún cho ngày hôm sau. Nhưng từ ngày xảy ra dịch COVID-19, trong xã có tới hai khu cách ly, thì chị là một trong những phụ nữ đầu tiên xung phong và “bám trụ đến cùng” trong việc hỗ trợ nấu ăn...Vì thế, cứ bán xong gánh bún là chị tất tả vào khu cách ly. Như mọi chị em của “tổ công tác đặc biệt” xã Phú Thượng, với chị Hà công việc nấu ăn cho khu cách ly tuy vất vả nhưng là công việc ý nghĩa.

Chị Trần Thị Ngọc Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã kể, khi phát động hội viên tham gia nấu ăn, ai cũng sẵn sàng, nhưng khi phải vào khu cách ly thì mọi người hơi dè dặt. Nhưng chỉ vài ngày, khi đã vào cuộc và chứng kiến sự tổ chức cẩn thận, quy củ, khoa học trong khu cách ly, chị em không còn chút lo lắng và “nhập cuộc” nhanh.

Chị Trần Thị Hoàng Oanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Thượng cũng trực tiếp nấu ăn trong cả hai đợt kể về chuyện “tập làm chị nuôi” cho cả ngàn người: “Đợt đầu, khi chưa có nồi nấu cơm chuyên dụng, cũng chưa quen nấu nồi quá lớn, các “đầu bếp” hết sức lúng túng, hai ngày đầu cơm bị sượng. Mặc dù được các chú bộ đội an ủi và “chữa cháy” nhưng ai cũng áy náy, thương chị em cô bác trong khu cách ly đã lo bệnh tật lại ăn không ngon. May mà chuyện được giải quyết nhanh chóng”.

Sau vài ngày đầu lúng túng, công việc của các chị đã vào “guồng”; thêm sự hỗ trợ của bộ đội nên công việc thông suốt, gần 2.000 suất ăn/bữa bảo đảm cơm ngon, canh ngọt.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Lan (thôn Thượng 3,  phường Thủy Xuân) - Việt kiều từ Lào về đã ở trong khu cách ly T3 đợt 1 nhớ lại: “Cơm, thức ăn vừa nhiều vừa ngon, lại đổi món liên tục nên đến những người khó tính nhất cũng phải công nhận bữa cơm ngon. Khi về nước phải vào khu cách ly vừa lo vừa ngại, nhưng những bữa ăn chỉn chu hơn cả cơm nhà, đổi món liên tục, lại có tráng miệng… đã khiến vợ chồng tôi và những người trong khu cách ly từ bất ngờ sang xúc động”.

Trong đợt 2, công việc đã vào nếp, người lo bữa ăn cho khu cách ly trên địa bàn Phú Thượng cũng không chỉ chị em Phú Thượng mà cả huyện, cả tỉnh góp sức nên công việc bếp núc đâu vào đấy. Đợt 2 này, Phú Thượng chỉ “góp” 15 người nên ngay khi hội kêu gọi là chị em, nhất là các chị trên dưới 50 tuổi rất nhiệt tình. Công việc cũng nhẹ nhàng hơn vì nguyên liệu đã qua sơ chế, rau làm sẵn, cá thì được bộ đội làm… Đợt 2 có gần 1.000 người được cách ly, chủ yếu là người từ các vùng dịch trở về, sức khoẻ tốt, không có suất ăn đặc biệt nhiều nên so với đợt một không vất vả bằng.

Khi được hỏi tâm trạng, “chị nuôi” Trần Thị Nga ở thôn Trung Đông nhẹ nhàng trả lời: “Thương người như thể thương thân. Là cán bộ hưu trí và là hội viên phụ nữ trong xã, nên khi hội vận động là tôi tham gia ngay và còn vận động thêm chị em trong thôn cùng tham gia”.

 Chia sẻ của chị Nga cũng là tấm lòng của người dân nói chung và những người phụ nữ nói riêng. Dù ở cương vị nào họ cũng mong muốn góp phần cùng cả tỉnh, cả nước đẩy lùi dịch bệnh và họ tự hào vì điều đó, cách tự hào cũng thật giản dị như chính cuộc sống của họ.

https://baothuathienhue.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video