Tài liệu sinh hoạt hội viên số 4 năm 2013: “Phụ nữ cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”

17/09/2013
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng được bắt đầu triển khai từ năm 2010. Với các tiêu chí phù hợp với nhiều tiêu chí của Chương trình xây dựng nông thôn mới, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã quyết định lấy Cuộc vận động xây dựng Gia đình 5 không 3 sạch làm nòng cốt nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình này.

Hỏi: Cuộc vận động Xây dựng Gia đình 5 không, 3 sạch” do Hội LHPN Việt Nam phát động đóng góp như thế nào vào Chương trình Xây dựng Nông thôn mới?

Trả lời:

Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” được TW Hội LHPN Việt Nam phát động năm 2010 trên phạm vi toàn quốc. Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XI (nhiệm kỳ 2012 - 2017) xác định tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” như nội dung quan trọng, xuyên suốt của cả nhiệm kỳ nhằm góp phần vận động, hướng dẫn phụ nữthực hiện Xây dựng Nông thôn mới.

8 tiêu chí của Gia đình 5 không 3 sạch:

1.Không đói nghèo

2.Không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội

3.Không có bạo lực gia đình

4.Không sinh con thứ ba trở lên

5.Không có trẻ em suy dinh dưỡng và trẻ em bỏ học

6.Sạch nhà

7.Sạch bếp

8.Sạch ngõ

19 tiêu chí của Chương trình Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới:

1. Quy hoạch và thực hiện quy hoạch

2. Giao thông

3. Thủy lợi

4. Điện

5. Trường học

6. Cơ sở vật chất văn hóa

7. Chợ nông thôn

8. Bưu điện

9. Nhà ở dân cư

10. Thu nhập

11. Hộ nghèo

12. Cơ cấu lao động

13. Hình thức tổ chức sản xuất

14. Giáo dục

15. Y tế

16. Văn hóa

7. Môi trường

18. Hệ thống tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh

               19. An ninh, trật tự xã hội

Các tiêu chí của “Gia đình 5 không, 3 sạch” phù hợp với một số tiêu chí của Xây dựng Nông thôn mới, đều hướng tới xây dựng gia đình và cộng đồng với mục tiêu là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình và cộng đồng.

Với trên 70% phụ nữ sống ở vùng nông thôn, thực hiện tốt Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” ở tất cả các hộ gia đình chính là góp phần thực hiện tốt các tiêu chí và mục tiêu của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện tốt 8 tiêu chí Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” đóng góp trực tiếp vào thực hiện 9 tiêu chí Xây dựng Nông thôn mới, đó là các tiêu chí 2,9,10,11,14,15,16,17,19:

-Nội dung “Gia đình không đói nghèo”: góp phần thực hiện tiêu chí 9 (về nhà ở dân cư), tiêu chí 10 (về thu nhập), tiêu chí 11 (về hộ nghèo).

- Nội dung “Gia đình không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”: góp phần thực hiện tiêu chí 16 (về văn hóa), tiêu chí 19 (về an ninh, trật tự xã hội).

- Nội dung “Gia đình không có bạo lực”: góp phần thực hiện tiêu chí 16 và tiêu chí 19.

- Nội dung “Gia đình không sinh con thứ ba trở lên”: góp phần thực hiện tiêu chí 16 (về văn hóa).

- Nội dung “Gia đình không có trẻ em suy dinh dưỡng và trẻ em bỏ học”: góp phần thực hiện tiêu chí 14 (về giáo dục), tiêu chí 15 (về y tế).

- Nội dung “Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”: góp phần thực hiện tiêu chí 2 (về giao thông), tiêu chí 17 (về môi trường).

Hỏi: Vì sao hội viên, phụ nữ cần tích cực tham gia xây dựng Nông thôn mới?

Đáp:

Hội viên, phụ nữvà mỗi người dân trong cộng đồng cần tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới vì Nông thôn mới mang lại lợi ích tích cực cho gia đình mỗi hội viên, phụ nữvà cả cộng đồng:

- Hạ tầng kinh tế - xã hội được nâng cấp và kiên cố hóa (tiêu chí số 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9): hệ thống điện, đường, trường, chợ, bưu điện, thủy lợi đạt chuẩn sẽ tạo được sự thuận lợi cho người dân trong sản xuất và sinh hoạt hàng ngày. Giao thông thuận tiện làm cho chi phí vận chuyển hàng hóa, vật tư nông nghiệp giảm, dế vận chuyển sản phẩm ra thị trường hơn. Hệ thống tưới tiêu, thủy lợi được kiên cố hóa giúp người nông dân chủ động trong sản xuất theo mùa vụ.Là lực lượng lao động quan trọng ở nông thôn hiện nay, phụ nữsẽ được hưởng lợi ích từ việc phát triển sản xuất trong một vùng nông thôn mới, từ đó tăng thu nhập cho bản thân và gia đình.

Chợ được quy hoạch sẽ giúp người dân, đặc biệt là phụ nữmua bán, trao đổi hàng hóa dễ dàng, vệ sinh hơn.

Phụ nữ là người đang phải đảm nhiệm chính các công việc trong gia đình, nên họ sẽ được thụ hưởng nhiều lợi ích khi hàng ngày đi chợ, đưa con đi học, chăm bón ruộng vườn, công việc nấu nướng luôn được đảm bảo và an toàn.

- Giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường được quan tâm phát triển (tiêu chí 14, 15, 16, 17): hệ thống giáo dục đồng bộ và chất lượng tạo điều kiện cho học sinh được đến trường, giảm tỷ lệ mù chữ, nâng cao trình độ học vấn, giúptrẻ em có kiến thức và kỹ năng, tăng cơ hội có việc làm tốt và ổn định cho con em mình. Ngoài ra, mọi thành viên trong gia đình được nâng cao kiến thức, biết cách sống khoa học, tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân.

Y tế phát triển cải thiện và nâng cao chất lượng sức khỏe cho phụ nữvà những người thân trong gia đình , giúp chăm sóc sức khỏe dự phòng ở ngay tại địa phương, nhờ đó giảm chi phí do phải đi chữa bệnh ở tuyến trên.

Môi trường xanh – sạch – đẹp nghĩa là người dân, trong đó có phụ nữ, được sử dụng nước sạch, nhà tiêu (nhà xí) hợp vệ sinh, giảm ô nhiễm môi trường (do nghĩa trang địa phương được quy hoạch, các cơ sở sản xuất kinh doanh cam kết bảo vệ môi trường và xử lý chất thải, nước thải trước khi đổ ra môi trường). Như vậy sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp mọi người dân có cuộc sống trong lành, khỏe mạnh, giảm chi phí chăm sóc y tế.

Có nhà văn hóa, các hoạt động văn hóa, tinh thần như các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại thôn, bản, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy các phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương, những nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

- Có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã giúp người dân phối hợp tốt hơn trong sản xuất, nhờ đó nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng của người dân và hộ gia đình,.

- Hệ thống chính quyền, tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, trật tự an ninh xã hội được đảm bảo: Chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội trong sạch, vững mạnh sẽ củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo sáng suốt, đường lối chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; người dân luôn được quan tâm, được tham gia các hoạt động chính trị - xã hội tại địa phương một cách công bằng, cùng nói, cùng bàn, cùng làm và kiểm tra, giám sát các chủ trương, các hoạt động có ảnh hưởng lớn thay đổi cuộc sống của người dân, phát huy dân chủ công khai của người dân trong mọi việc... Trật tự an ninh xã hội được đảm bảo là môi trường an toàn để mỗi người dân yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh và sinh sống.

Hỏi: Hội viên, phụ nữ cần làm những việc cụ thể gì để tham gia thực hiện hiệu quả Chương trình Xây dựng Nông thôn mới?

Đáp:

Hội viên, phụ nữ tham gia thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới thông qua việc thực hiện tốt Cuộc vận động ”Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Chị em cần làm những việc cụ thể sau:

- Nắm chắc nội dung 8 tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, vận động người thân trong gia đình và hàng xóm láng giềng thực hiện tốt Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, đăng ký và cam kết thực hiện gia đình “5 không 3 sạch” gắn với gia đình văn hoá và xây dựng nông thôn mới.

- Phát huy vai trò, vị trí là người vợ, người mẹ trong gia đình; là người gắn kết các thành viên trong gia đình bằng tình yêu thương, tạo dựng sự đoàn kết, bình đẳng, hoà thuận trong gia đình. Bản thân làm gương cho con và những người thân trong gia đình để cùng nhau củng cố các mối quan hệ tốt đẹp, phòng tránh bạo lực gia đình. Thực hiện tốt chính sách dân số.

- Tổ chức tốt cuộc sống gia đình, có kế hoạch chi tiêu hợp lý, tiết kiệm; Phân công công việc gia đình hợp lý cho các thành viên; thực hiện nuôi con khoẻ, dạy con ngoan, không để con bị suy dinh dưỡng và bỏ học. Công bằng trong đối xử với con trai và con gái.

- Chăm chỉ lao động và động viên các thành viên gia đình tích cực tham gia lao động; Tích cực học hỏi, dám nghĩ, dám làm, phát huy tinh thần vượt khó vươn lên thoát nghèo; chủ động tham gia các phong trào phát triển kinh tế do Hội phát động nhằm sử dụng và phát huy hiệu quả đồng vốn, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu chính đáng; Mạnh dạn học nghề, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương góp phần xây dựng nông thôn mới.

- Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, phê phán ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, phần đấu rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. 

- Giữ gìn vệ sinh trong gia đình, đường làng ngõ xóm xanh – sạch – đẹp, bảo vệ môi trường sống của gia đình và mọi người xung quanh, không xả rác thải bừa bãi ra môi trường; Thực hiện sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường của pháp luật. Tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững.

- Cung cấp thông tin để Hội phụ nữ cơ sở làm tốt công tác giám sát việc thực hiện các chính sách của Nhà nước và của địa phương về chương trình xây dựng Nông thôn mới./.

TW Hội LHPN Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video