Ngăn chặn tội phạm vùng biên...

21/04/2007
Hà Giang là tỉnh miền núi phía Bắc có tuyến biên giới dài hơn 270km tiếp giáp với tỉnh Vân Nam và một phần tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Nơi đây địa hình rừng núi phức tạp, bao gồm 33 xã và 1 thị trấn với trên 16 nghìn hộ, hơn 88 nghìn khẩu thuộc 20 dân tộc anh em sinh sống xen kẽ nhau; phần lớn các dân tộc đều có quan hệ họ hàng thân tộc lâu đời với người bên kia biên giới.

Do đặc điểm địa hình phức tạp, phong tục tập quán, trình độ dân trí còn thấp... những năm gần đây, bọn tội phạm hình sự ở hai bên biên giới đã câu kết thành các đường dây, tổ chức hoạt động phức tạp...

 

Theo báo cáo của BCH BĐBP tỉnh, tính từ đầu năm 2001 đến nay, trên tuyến biên giới tỉnh Hà Giang đã xảy ra gần 50 vụ buôn bán phụ nữ, hơn 10 vụ bắt cóc PNTE, gần 300 vụ trộm cắp trâu, bò, ngựa; nhiều vụ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Trả lời câu hỏi “điều gì bức xúc nhất khi trực tiếp điều tra những vụ án đau lòng ấy?”, Thượng tá Hoàng Anh Đức, Phó phòng Trinh sát BĐBP tỉnh cho biết, đó là những tội ác tàn độc, không từ một thủ đoạn đê hèn nào của bọn giết người, bắt cóc PNTE, là sự táng tận lương tâm của những người thân (ông, bà, cô, bác bán cháu, bố mẹ bán con...), sự đốn mạt của những kẻ lừa yêu để bán ‘’người yêu’’ qua biên giới và sự chà đạp lên nhân phẩm những người phụ nữ bị lừa bán qua biên giới làm gái bán dâm. Cũng theo Thượng tá Hoàng Anh Đức, trong 2 chuyên án hình sự 506-Đ và 507-T mà BĐBP Hà Giang xác lập để đấu tranh với các tổ chức, đường dây buôn bán PNTE trên địa bàn các đồn BP 219, 215, 199, 193, 169, 165 đối tượng của các đường dây này (phía TQ) hầu hết là các cặp vợ Việt-chồng Hoa. Trong đó, người vợ vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm ( nguyên là các cô gái bị lừa qua biên giới bán dâm, nay ‘’về hưu’’, có chút vốn, lấy được chồng người Hoa lại trở thành những tú bà tiếp tục hồi hương câu móc với những đối tượng trong nước lừa bán các cô gái trẻ sang bên kia biên giới).

 

Mặc dù lực lượng còn mỏng, đường biên giới dài, tình hình phạm tội diễn biến phức tạp, nhưng với tinh thần chủ động tấn công tội phạm,BCH BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn BP chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các đoàn thể triển khai phối hợp đấu tranh phòng ngừa, tuyên truyền, vận động quần chúng cùng nâng cao cảnh giác và tham gia đấu tranh tố giác tội phạm. Qua đó, đã khởi tố 72 vụ, 107 đối tượng, lập hồ sơ 64 vụ việc khác bàn giao cho CA tiếp tục điều tra xử lý trước pháp luật; giải cứu và đưa được 34 PNTE về đoàn tụ với gia đình. Tuy nhiên, tỷ lệ PNTE được giải cứu còn thấp so với số lượng thực tế bị bắt cóc, lừa bán qua biên giới và mỗi vụ giải cứu như vậy phải tốn không ít thời gian, công sức và tiền bạc (mỗi vụ án thường kéo dài từ 1-2 tháng) nên hiệu quả còn thấp. Điều này cho thấy việc đấu tranh với loại tội phạm này còn tiếp tục khó khăn, phức tạp và lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của nhiều cấp, ngành, đoàn thể, địa phương. Trong đó, nâng cao ý thức cảnh giác và sự hiểu biết của nhân dân về các thủ đoạn của bọn buôn người, đồng thời vận động nhân dân (nhất là người Mông) xuống núi ở tập trung cũng là một giải pháp tích cực, vừa thiết thực nâng cao đời sống cho đồng bào, vừa hạn chế được tội phạm phát sinh và hoạt động.

 

Lệ Hằng (HNM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video