Một số điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức

30/09/2020
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ Công chức và Luật Viên chức số 52/2019/QH14 được Quốc hội khóa XIV ngày 25/11/2019 và có hiệu lực từ 1/7/2020. Dưới đây là một số điểm mới của Luật so với Luật Cán bộ Công chức 2008 và Luật Viên chức năm 2010.
nguồn ảnh: http://sonoivu.tuyenquang.gov.vn/

1. Công chức nghỉ hưu có thể bị kỷ luật “xóa tư cách chức vụ”

Một trong những nội dung đáng chú ý của Luật sửa đổi lần này là việc bổ sung thêm 01 hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức. Đặc biệt nhấn mạnh việc sau khi đã nghỉ việc, nghỉ hưu, cán bộ, công chức vẫn có thể bị xử lý bằng hình thức “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm”.

Theo đó, tại khoản 7 Điều 1 Luật này nêu rõ, sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy vào tính chất, mức độ sẽ phải chịu một trong các hình thức xử lý kỷ luật là: Khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm.

Đặc biệt, việc xử lý kỷ luật này gắn với hệ quả pháp lý tương ứng của hành vi vi phạm.

Ngoài ra, Luật sửa đổi cũng nói rõ, cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu trước có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 01/7/2020 cũng được thực hiện theo quy định của Luật này.

2. Chính thức bỏ chế độ “biên chế suốt đời” với viên chức

Theo quy định của Luật, quy định về hợp đồng làm việc đối với viên chức gồm: 02 loại là hợp đồng không xác định thời hạn và xác định thời hạn.Đối với hợp đồng không xác định thời hạn hay còn gọi là “chế độ biên chế suốt đời” của viên chức sẽ không còn được áp dụng với các đối tượng mới được tuyển dụng từ ngày 01/7/2020.

Như vậy, căn cứ khoản 2 Điều 2 sửa đổi, bổ sung Điều 25 Luật Viên chức hiện hành, việc thực hiện hợp đồng loại không xác định thời hạn chỉ còn được áp dụng với 03 trường hợp:

- Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020;

- Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức;

- Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

3. Thời hạn hợp đồng làm việc của viên chức được kéo dài lên 60 tháng  

Đối với hợp đồng xác định thời hạn, tại khoản 2, Điều 2 Luật này cũng sửa đổi, bổ sung thời hạn thực hiện hợp đồng. Theo đó, Luật sửa đổi sẽ nâng thời hạn thực hiện hợp đồng xác định thời hạn của viên chức từ 36 tháng như quy định hiện nay lên 60 tháng.Trong đó, hợp đồng xác định thời hạn là loại hợp đồng mà hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng, áp dụng với những người mới trúng tuyển viên chức.

Trước khi hết hạn 60 ngày, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải ký tiếp hoặc chấm dứt hợp đồng với viên chức. Trong đó, nếu viên chức đáp ứng đầu đủ các yêu cầu và đơn vị còn nhu cầu thì bắt buộc phải ký tiếp hợp đồng. Ngược lại, nếu từ chối thì phải có văn bản nêu rõ lý do vì sao.

4. Cán bộ, công chức tham nhũng đương nhiên bị buộc thôi việc

Để thống nhất về việc xử lý người có hành vi tham nhũng nêu tại Điều 92 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, Luật sửa đổi lần này đã bổ sung thêm quy định về việc xử lý cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng.Theo đó, cán bộ, công chức sẽ bị buộc thôi việc trong 02 trường hợp:

- Bị kết án phạt tù mà không được hưởng án treo;

-  Bị kết án về tội phạm tham nhũng;

Ngoài ra, cũng bổ sung thêm quy định về hình thức hạ bậc lương với công chức. Theo đó, việc hạ bậc lương chỉ áp dụng với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý (trước đây không có quy định về điều này).

5. Bổ sung thêm trường hợp được tuyển dụng vào công chức

Luật sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thì ngoài thi tuyển, Luật còn bổ sung thêm hình thức xét tuyển vào công chức với các trường hợp:

- Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng;

- Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương cử đi học.

Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức còn có thể tiếp nhận các trường hợp:

- Viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập;

- Cán bộ, công chức cấp xã;

- Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân; người làm công tác cơ yếu nhưng không phải là công chức;

- Tiếp nhận để bổ nhiệm làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý với người đang là Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng trong doanh nghiệp Nhà nước…

- Người đã từng là cán bộ, công chức sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác.

6. Nới lỏng điều kiện xem xét viên chức nghỉ hưu     

Liên quan đến việc xem xét nghỉ hưu của viên chức, Luật mới sửa đổi nhiều quy định theo hướng mở hơn.

Nếu như Luật Viên chức hiện hành quy định sẽ không giải quyết nghỉ hưu cho viên chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì Luật mới đã loại bỏ nội dung “không giải quyết nghỉ hưu” ra khỏi điều luật.

Khi viên chức bị khiển trách hoặc cảnh cáo vẫn có thể được bổ nhiệm lại nhưng không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng. Trong khi, hiện nay đang quy định “không bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng.

Như vậy, khi đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, viên chức vẫn được xem xét giải quyết nghỉ hưu và trong thời hạn 12 tháng vẫn có thể được bổ nhiệm lại hoặc bố trí chức vụ thấp hơn.

7. Công khai kết quả đánh giá cán bộ, công chức ở nơi làm việc

Căn cứ vào kết quả đánh giá cán bộ, công chức vẫn được phân loại thành 04 mức. Tuy nhiên, mức “hoàn thành nhiệm vụ (Theo khoản 3 Điều 1 sửa đổi Điều 29 Luật Cán bộ, công chức).Kết quả này được lưu vào hồ sơ cán bộ, công chức, thông báo đến người được đánh giá và công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đối tượng này công tác

8. Đánh giá viên chức thông qua công việc, sản phẩm cụ thể

Điều 41 Luật Viên chức 2010 quy định rõ việc đánh giá viên chức chỉ được xem xét ở kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết; thái độ phục vụ nhân dân… thì nay theo Luật sửa đổi, bổ sung việc đánh giá viên chức đã được quy định rõ theo từng công việc, sản phẩm cụ thể. Đồng thời, mỗi ngành nghề lại có đặc thù riêng nên sẽ áp dụng một tiêu chuẩn với nội dung khác nhau khi đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ.

Ban CCLP TW Hội

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video