Kỷ vật của mẹ Việt Nam Anh hùng ở một xã Anh hùng

11/04/2005
Chúng tôi về xã Xuân Trường, TP Đà Lạt vào hạ tuần tháng 7/2004, khi cái nóng mùa hè còn đang gay gắt trên đất Bắc thì tại vùng cao nguyên thơ mộng này tiết trời dịu mát đến se lạnh.

Xuân Trường là một xã được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Xuân Trường đã có nhiều đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp cách mạng. Hàng trăm cán bộ, đảng viên và nhân dân đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

 

Ngôi nhà tình nghĩa do Công an tỉnh Lâm Đồng xây dựng cho mẹ Nguyễn Thị Nhứt nằm ở giữa thôn Xuân Sơn. Tháng 12/1994 khi nhận quyết định của Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, mẹ Nhứt lặng lẽ đặt tấm bằng lên bàn thờ, đốt 3 nén nhang, thầm khấn 3 người con liệt sỹ. Mẹ như đứt từng khúc ruột nhớ lại hình ảnh 3 đứa con thân yêu của mình. Chị Lê Thị Diệu Minh, y sĩ Ban Dân y tỉnh, là phiên bản của mẹ về tính trung thực và đôn hậu. Lúc nào chị cũng tất bật chỉ lo không làm tròn phận sự chăm sóc sức khỏe cho dân. Chị bảo, dân mà đau ốm nhiều thì sao có người vừa đánh giặc vừa sản xuất lúa gạo nuôi quân. Diệu Minh hi sinh năm 1971, đúng 1 năm sau, khi em chị -Lê Văn Tân, đội phó đội công tác Cầu Đất, ngã xuống trong trận tiêu diệt đồn bắc Đơn Dương (Lâm Đồng). Giữa không khí hào hùng thắng trận, lũ tù binh bị bắt run sợ nhìn một chiến binh Việt Cộng nằm tựa bức tường lô cốt, hai tay ôm chặt khẩu AK, trên khuôn ngực đẫm máu của anh cài bông hồng Đà Lạt còn tươi rói. Báo Công an nhân dân số 985 năm 1978 dành hẳn một trang nói nói về tấm gương Lê Văn Tân với dòng tít “Người đồng đội kiên cường dũng cảm”.

 

Mẹ Nhứt dừng câu chuyện, vào trong nhà mang ra một chiếc hộp cũ. Mẹ run run mở hộp, trong đó chỉ có một cuốn sổ nhỏ đã bong gáy. Các trang giấy đã hoen ố bởi thời gian nhưng những bài thơ, bài hát về một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” vẫn tươi nguyên nét chữ rắn rỏi của một chàng trai trẻ có học. Đó là di vật thiêng liêng duy nhất còn lại của liệt sĩ Lê Hùng Việt, Thượng sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, hi sinh tháng 10/1972 -đứa con trai thông minh học giỏi nhất nhà. “Má muốn giữ nó ở nhà học lên đại học nhưng nó đâu có chịu. Nó nhất quyết đòi đi bộ đội bằng được và mãi mãi không bao giờ trở về với má nữa!”, mẹ Nhứt nói trong nước mắt.

 

Chưa đầy 3 năm, 3 lần mẹ khóc thầm lặng lẽ. Trong sâu thẳm tâm hồn Bà mẹ Anh hùng Nguyễn Thị Nhứt có sức mạnh diệu kì nào mà đã khích lệ cả nhà lên đường chiến đấu. Không tự nói về mình nhưng chúng tôi biết bản thân mẹ cũng đã từng lăn lộn với Xuân Sơn trong những năm tháng ác liệt nhất. Với cương vị Phó Bí thư rồi Bí thư Chi bộ Đảng bí mật, mẹ đã từng một mình chèo chống gây dựng phong trào từ vùng trắng kiên cường đi lên, biến vùng ven đô Đà Lạt trở thành căn cứ địa vững chắc của Đảng.

 

Mùa xuân năm 1975, luồng gió tổng tiến công nổi dậy ào ào thổi về Đà Lạt. Người nữ Bí thư Chi bộ Nguyễn Thị Nhứt đã lãnh đạo bà con vùng đứng lên, cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời xã Xuân Trường rất sớm. Đó là ngày 27/3/1975.

 

Với ánh mắt hiền từ trìu mến, mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nhứt trao cho chúng tôi cuốn lưu bút của con trai mẹ –liệt sĩ Lê Hùng Việt và mấy trang báo mẹ cất giữ mấy chục năm nay.

 

Chúng tôi không nén nổi xúc động khi nghe mẹ nói:

 

- Giao cho các con cuốn sổ này là má giao một phần trái tim của má đó. Má đã giữ nó 31 năm rồi. Các con hãy thay má mà giữ nó cẩn thận cho khỏi tủi vong linh của thằng Việt. Má già rồi, cũng chẳng sống được bao lâu nữa, còn giúp được gì cho mấy đứa là má thấy vui rồi.

 

Tạm biệt mẹ Nguyễn Thị Nhứt, tạm biệt Xuân Trường, chúng tôi ra đi với một ấn tượng khó phai mờ về một mảnh đất anh hùng, về những người phụ nữ kiên cường đã từng phải hứng chịu bao đau thương mà vẫn nhân hậu, mến khách nhường vậy.

Bài & ảnh: Phạm Kim Ngân

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video