Kiềm chế tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em ở Bắc Giang

03/12/2007
Thời gian qua, Bắc Giang được xác định là tỉnh trọng điểm có nhiều phụ nữ, trẻ em (PNTE) bị buôn bán. Theo khảo sát tháng 10 vừa qua của công an tỉnh, cả tỉnh có 127 PNTE bị buôn bán ra nước ngoài, cá biệt có sáu em gái độ tuổi từ 14 đến 18.

Nhiều PNTE ở các huyện xa xôi đã bị lừa bán sang Trung Quốc qua cửa khẩu Ðồng Ðăng, Móng Cái, thậm chí còn ra Quảng Ninh theo đường biển. Nếu như trước kia, đối tượng rủ rê các cô gái nhà nghèo đi lấy chồng Trung Quốc để thoát khỏi cảnh "chân lấm tay bùn" thì giờ đây, thủ đoạn của chúng tinh vi hơn nhiều, do vậy nhiều cô gái nhà lành, thậm chí cả sinh viên cũng mắc lừa.

 

Qua rà soát, từ trước năm 1998 đến nay cả tỉnh có gần 4.000 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, trong đó có 1.029 PNTE vắng nhà lâu ngày nghi bị buôn bán. Số đông nạn nhân trình độ văn hóa thấp, chỉ học hết tiểu học, chủ yếu làm ruộng và nguyên nhân bị lừa bán không hẳn do kinh tế. Không chỉ các cô gái mới lớn bị lừa bán mà 11 phụ nữ sau khi hôn nhân đổ vỡ, chán nản cũng trở thành món hàng của bọn buôn người.

 

Từ khi Chính phủ có chương trình 130/CP phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em (BBPNTE), được sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí của các bộ, ngành TƯ và UBND tỉnh, công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm BBPNTE ở tỉnh Bắc Giang đã được đẩy mạnh. Quần chúng cũng tích cực lên án, tẩy chay loại tội phạm này. Phòng PC14 và công an các huyện đã rà soát địa bàn, điều tra cơ bản, nắm bắt kịp thời thông tin liên quan đến hoạt động BBPNTE kết hợp với nguồn tin, đơn thư tố cáo của các nạn nhân và gia đình họ, từ đó lên danh sách các đối tượng nghi vấn phạm tội, dựng sơ đồ các đường dây buôn người để lập kế hoạch điều tra, xác minh, truy bắt.

 

Do địa bàn hoạt động của bọn tội phạm rộng, liên tỉnh, Phòng chủ động phối hợp trao đổi thông tin với các địa phương và cả nước ngoài để thu thập tài liệu, phối hợp đấu tranh. Nhiều chuyên án, các trinh sát phải lặn lội tới vùng sâu, vùng xa, thông qua manh mối để lần tìm tới các nạn nhân cũng như tung tích những kẻ buôn người, bọn tội phạm truy nã. Tuy nhiên, khó khăn thực tế đặt ra là do bị lừa bán quá lâu, nên nạn nhân không nhớ được thủ phạm; hoặc vì mặc cảm, tự ti, không muốn khơi lại quá khứ đau khổ, nên không muốn hợp tác với cơ quan điều tra.

 

Ðặc biệt, trong các đợt cao điểm tiến công, trấn áp tội phạm BBPNTE, các đơn vị nghiệp vụ trong công an tỉnh đã tập trung lực lượng, tăng cường truy quét, triệt phá nhiều đường dây buôn bán người.

 

Sau một thời gian bí mật theo dõi, nắm tình hình, vừa qua, Công an huyện Lạng Giang phối hợp với Công an huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) bắt Ngô Văn Hùng và Ðinh Văng Ngọc đều trú ở Lạng Giang khi chúng trở về khu vực Hang Dơi vì lừa Hoàng Thị G, ở Tiên Lục (Lạng Giang) bán sang Trung Quốc.

 

Năm 2007, Công an tỉnh Bắc Giang đã làm rõ mười đường dây, bắt 15 đối tượng lừa bán 18 phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài; đề nghị Viện kiểm sát truy tố sáu vụ, 12 bị can. Thượng tá Lê Văn Dũng, Phó trưởng Phòng PC14 Công an tỉnh cho biết, thủ phạm phần lớn là bọn tội phạm có nhiều tiền án tiền sự, thường đội lốt dưới vỏ bọc những chàng trai ga lăng để làm quen trực tiếp hoặc qua "chat" trên internet rồi rủ bạn gái đi chơi, du lịch sắm đồ, làm ăn buôn bán rồi đưa thẳng qua biên giới. Thậm chí những người bạn thân, họ hàng cũng dễ dàng trở thành nạn nhân của chúng vì cả tin,  ít đề phòng, cảnh giác.

 

Tiếp xúc với Ðỗ Thị L, một nạn nhân bị chính bạn thân học cùng THCS lừa bán sang Trung Quốc, xô đẩy cô vào nhà chứa bị ép bán dâm trong ba tháng, vừa may mắn trốn thoát trở về, cô cho biết, đã tố giác toàn bộ hành vi phạm tội của đối tượng và mong cơ quan điều tra làm rõ để trừng trị thích đáng thủ phạm. Hằng năm, Phòng tiếp nhận rất nhiều đơn thư của các nạn nhân, nhưng do chỉ có một đội làm công tác này, lại kiêm nhiệm lên công việc luôn quá tải. Ðó là chưa kể đến vướng mắc về pháp luật như hiện tại, Luật Hình sự chỉ quy định hai tội mua bán phụ nữ, mua bán, đánh tráo, bắt cóc trẻ em trong khi các hành vi mua bán nhiều người, bán phụ nữ dẫn đến người đó chết, con bơ vơ không người nuôi dưỡng; mua bán trẻ em gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như bắt làm nô lệ, lấy phủ tạng... phải được xem là tình tiết tăng nặng, nhưng chưa được quy định trong Luật.

 

Mặt khác, khung hình phạt hiện nay với tội danh này từ 5 đến 20 năm, chưa có chung thân, tử hình, khoảng để vận dụng quá rộng, dễ dẫn đến áp dụng tùy tiện, "lách luật" trong xử lý. Việc bồi thường thiệt hại khi nạn nhân chưa trở về cũng chưa có mức chuẩn, mà thường áp dụng tùy từng phiên tòa.

 

Cùng với đấu tranh, công tác phòng ngừa cùng các đơn vị, địa phương được đẩy mạnh, nổi bật là các hình thức tuyên truyền phong phú, sinh động như tổ chức hội thảo về phòng, chống BBPNTE, tập huấn, câu lạc bộ tuyên truyền, nhóm "phụ nữ giúp phụ nữ", giao lưu văn hóa văn nghệ, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền pháp luật cho PNTE giúp nhân dân nâng cao nhận thức, chủ động đề phòng với thủ đoạn của bọn tội phạm.

 

Qua khảo sát, đến tháng 10-2007, phát hiện 133 phụ nữ lấy chồng ở Trung Quốc trở về trong đó nhiều người cuộc sống quá khổ cực. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐTBXH) tỉnh tổ chức lớp dạy nghề khâu nón, hỗ trợ kinh phí cho các nạn nhân, phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Ngân hàng Chính sách cho vay vốn, hỗ trợ sản xuất với mười nạn nhân và 68 phụ nữ có nguy cơ cao, tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng.

 

Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Nông dân các cấp đã vận động, giúp đỡ 5.120 hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hàng nghìn ngày công, hàng vạn cây con giống; giải ngân xóa đói, giảm nghèo hơn 22 tỷ đồng; nhằm phát triển kinh tế bền vững, đẩy lùi nguy cơ tiềm ẩn tệ nạn BBPNTE.

Theo Bích Ngọc
Nhân dân

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video