Không để xảy ra các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em mà Hội không lên tiếng kịp thời

24/08/2022
Sáng 24/8, TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức hội thảo chuyên đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác lên tiếng bảo vệ phụ nữ trẻ em giai đoạn 2022-2027” trong khuôn khổ thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2022 về việc triển khai Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/6/2017 (Đề án 938).
Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh phát biểu khai mạc hội thảo chuyên đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác lên tiếng bảo vệ phụ nữ trẻ em giai đoạn 2022-2027” sáng 24/8

Phát biểu tại chương trình, Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cho biết: Đề án 938 được Chính phủ giao Hội LHPN Việt Nam là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW xây dựng kế hoạch và hướng dẫn triển khai thực hiện, trong đó có một mục tiêu quan trọng là “Hàng năm, không để xảy ra tình trạng các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em mà Hội không lên tiếng kịp thời” (Mục tiêu số 5 trong tổng số 6 mục tiêu cụ thể của giai đoạn). Theo báo cáo đánh giá, các mục tiêu đến năm 2022 của Đề án đến nay đều đạt và vượt, mục tiêu số 5 là mục tiêu đòi hỏi sự nỗ lực cao của Hội LHPN các cấp và đạt được theo cách riêng biệt. Việc thực hiện mục tiêu này được các cấp Hội gắn với nội dung “An toàn cho phụ nữ và trẻ em", tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi của người dân. Nhiều vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em nghiêm trọng do Hội kiến nghị đã được các cơ quan tiến hành tố tụng phúc đáp văn bản, chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Để bảo vệ phụ nữ và trẻ em, những năm gần đây, Hội LHPN Việt Nam đã chủ động thành lập các mạng lưới, Tổ tư vấn pháp luật và tâm lý, Tổ công tác tham mưu giải quyết các vụ việc, điểm nóng liên quan đến phụ nữ, trẻ em ở cả TW và cấp tỉnh/thành phố; ký kết chương trình phối hợp với các bộ, ngành chức năng để gia tăng thêm nguồn lực và hiệu quả của chương trình... “Đã có 60/63 tỉnh/thành phố ký kết chương trình phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em. Tại cấp TW, giai đoạn 2018 – 2021, đã tham gia lên tiếng 108 vụ việc bằng nhiều hình thức: trên phương tiện truyền thông; bằng văn bản đề xuất, kiến nghị tới cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cần thiết để can thiệp, hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ, trẻ em kịp thời, đảm bảo quy định của pháp luật”, Phó Chủ tịch Tôn Ngọc Hạnh chia sẻ.

Toàn cảnh hội thảo 

Nhiều vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em nghiêm trọng do TW Hội kiến nghị đã được các cơ quan tiến hành tố tụng phúc đáp văn bản, chỉ đạo giải quyết kịp thời. Có thể thấy, thời gian qua, việc “lên tiếng” và đeo bám giải quyết các vụ việc liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em ở tất cả các địa phương đều được coi trọng, nâng cao cả về số lượng và chất lượng và để đạt được thành quả đó đã có sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành không chỉ riêng Hội phụ nữ các cấp. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc phát hiện các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bạo lực và lên tiếng, hỗ trợ, tham gia giải quyết ở một số địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi trình độ dân trí còn ở mức độ, cán bộ địa phương (bao gồm cả cán bộ Hội phụ nữ) chưa thật sự chủ động, chưa quyết liệt; năng lực, kiến thức về quy định của pháp luật liên quan đến tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em, về phòng ngừa xâm hại phụ nữ, trẻ em gái còn hạn chế.

Trong khi đó, nhiều vấn đề xã hội đặt ra ảnh hưởng đến không gian sống an toàn của phụ nữ và trẻ em như: bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, xâm hại tình dục, buôn bán phụ nữ và trẻ em, tai nạn thương tích, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, thiên tai biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19…  đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, sức khỏe, đời sống của phụ nữ và trẻ em.

Thượng tá Khổng Ngọc Oanh, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, các vụ bạo lực phụ nữ, trẻ em hầu hết do chính người thân, người có trách nhiệm quản lý, nuôi dưỡng thực hiện trong môi trường hẹp và kín nên rất khó phát hiện cũng như áp dụng các biện pháp phòng ngừa

Tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo, Thượng tá Khổng Ngọc Oanh, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, các vụ bạo lực phụ nữ, trẻ em hầu hết do chính người thân, người có trách nhiệm quản lý, nuôi dưỡng thực hiện trong môi trường hẹp và kín nên rất khó phát hiện cũng như áp dụng các biện pháp phòng ngừa; hầu hết phụ nữ, trẻ em không được bảo vệ trong chính ngôi nhà của mình… Do đó, cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội, đoàn thể; phối hợp, hỗ trợ lực lượng công an tại các cấp cơ sở trong tuyên truyền, lên tiếng, trợ giúp và điều tra xử lý tội phạm. Phát huy công năng của các đường dây nóng làm sao để người dân biết, tin tưởng và báo tin tố giác, tham vấn khi bị hoặc có nguy cơ bị xâm hại.

Chia sẻ một số kinh nghiệm, bài học trong hỗ trợ lên tiếng, bảo vệ phụ nữ, trẻ em, Chủ tịch Hội LHPN quận Hà Đông Lại Hà Phương nêu bật một số kết quả thực tiễn đạt được của đơn vị như: thành lập và ra mắt Tổ tư vấn tham gia giải quyết các vụ việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em; cán bộ Hội và các chi hội trưởng phát huy vai trò là cơ quan thường trực của các tổ, nhóm tư vấn và chủ động phối hợp để giải quyết kịp thời các vụ việc; duy trì, xây dựng và nâng cao hiệu quả các mô hình văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao tại khu dân cư…

Chủ tịch Hội LHPN quận Hà Đông Lại Hà Phương nêu bật một số kết quả thực tiễn đạt được thời gian qua

Hội thảo lần này có ý nghĩa quan trọng để thảo luận, cùng tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả công tác lên tiếng bảo vệ phụ nữ trẻ em cho giai đoạn tiếp theo, đem lại lợi ích thiết thực cho phụ nữ và trẻ em nói riêng và toàn xã hội nói chung. Qua đó, tại chương trình, các đại biểu đã thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến góp ý quý báu tập trung vào một số nội dung chính: những vấn đề đặt ra, tồn tại, khó khăn (cách thức tổ chức thực hiện, cơ chế phối hợp, nguồn lực) cần phải khắc phục của giai đoạn; giải pháp nâng cao hiệu quả công tác lên tiếng, bảo vệ và chủ động tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em của Hội LHPN các cấp; mô hình can thiệp phù hợp, hiệu quả cần phát triển, nhân rộng như mô hình tổ tư vấn; mô hình Trung tâm “một cửa” liên ngành, nơi bảo vệ khẩn cấp cho phụ nữ và trẻ em, cụ thể là phụ nữ bị bạo lực giới và trẻ em bị xâm hại được nâng cấp từ hoạt động của mô hình dịch vụ hỗ trợ toàn diện của Ngôi nhà Bình Yên, dịch vụ tham vấn và Tổng đài hỗ trợ phụ nữ 1900969680...

Minh Trang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video