Hoạt động phòng chống buôn bán PN, TE năm 2006

09/05/2007
Thực hiện Chương trình hành động 130/CP, Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm BBPNTE năm 2006 và Nghị quyết 07/NQ- BCH năm 2004 của Ban chấp hành TW Hội LHPN Việt Nam về các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái, năm 2006 Hội LHPN Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em.

Công tác chỉ đạo

Hội LHPN Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo Đề án I “Tuyên truyền, giáo dục cộng đồng phòng chống tội phạm buôn bán phu nữ và trẻ em” (PCBBPNTE) bao gồm 19 thành viên là lãnh đạo cấp vụ và chuyên viên của 13 bộ, ban, ngành liên quan. Ban chỉ đạo đã họp bàn xây dựng quy chế hoạt động và các giải pháp triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả.

TW Hội tham gia Ban chỉ đạo liên ngành PCBBPNTE (tiểu vùng khu vực sông Mê Kông (COMIT) và Ban chỉ đạo PCBBPNTE cấp TW. Hưởng ứng đợt cao điểm PCBBPNTE của Tổng cục cảnh sát - Bộ Công an, Đoàn chủ tịch TW Hội đã có kế hoạch chỉ đạo hướng dẫn tổ chức thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về PCBBPNTE trên tuyến biên giới với Trung Quốc và Campuchia.

Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam xây dựng nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội cơ sở tổ chức thực hiện các hoạt động PCBBPNTE năm 2006 và hướng dẫn tổ chức các hoạt động truyền thông, lồng ghép nội dung PCBBPNTE với phòng chống tội phạm và chương trình tăng thu nhập - xoá mù chữ. Thực hiện kế hoạch của TW Hội, các tỉnh, thành Hội đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cấp Hội ở địa phương thực hiện nhiều hoạt động về PCBBPNTE phù hợp với đặc thù và điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Kết quả thực hiện

Công tác tuyên truyền, giáo dục được các cấp Hội chú trọng thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đã góp phần nâng cao nhận thức của phụ nữ và nhân dân về PCBBPNTE

Các cấp Hội đã tổ chức gần 10 nghìn cuộc truyền thông về PCBBPNTE cho hơn 1 triệu lượt người; truyền thông lồng ghép với các nội dung khác cho gần 3 triệu lượt người. Tại104 xã thuộc 30 tỉnh, thành chỉ đạo điểm của TW Hội đã tổ chức hành trăm cuộc truyền thông cộng đồng thu hút hàng ngàn người tham gia. Đồng thời, các tỉnh, thành Hội đều chỉ đạo Hội LHPN cấp huyện và cơ sở tổ chức các hoạt động truyền thông PCBBPNTE tại các xã điểm. Tại 233 xã thuộc 54 huyện của 13 tỉnh đã tổ chức hưởng ứng đợt cao điểm về PCBBPNTE trên tuyến biên giới với nhiều hoạt động truyền thông cộng đồng, chiến dịch truyền thông chung. Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức chiến dịch truyền thông chung PCBBPNTE tại 10 xã giáp biên giới, Hội LHPN tỉnh Thái Bình phối hợp với Bộ đội biên phòng chỉ đạo tuyên truyền PCBBPNTE tại 16 xã điểm ven biển.

Nhằm đa dạng hoá các hình thức truyền thông, thu hút sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động PCBBPNTE, các cấp Hội đã tổ chức hàng trăm cuộc giao lưu văn hoá văn nghệ, các hội thi, hội diễn, tiểu phẩm, tấu hài, mít tinh, tổ chức diễu hành với gần 260.000 người tham gia. Các hoạt động truyền thông PCBBPNTE đã hướng đến trẻ em, trẻ vị thành niên - đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân bị buôn bán. Hội đã phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức 6 diễn đàn cho gần 600 em về các chủ đề: Trẻ em Việt Nam - Trung quốc PCBBPNTE, Lắng nghe Thanh thiếu niên nói về vấn đề trẻ em vi phạm pháp luật và các vấn đề xã hội; Toạ đàm thanh thiếu niên, Trẻ em đóng góp ý kiến xây dựng luật bình đẳng giới.... Tại nhiều tỉnh, Hội LHPN đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức truyền thông các nội dung PCBBPNTE cho thanh thiếu niên: Hội LHPN tỉnh Thái Bình đã phối hợp với ngành công an, giáo dục tổ chức cung cấp kiến thức PCBBPNTE cho 2.000 em học sinh và lồng ghép kiến thức PCBBPNTE vào các buổi sinh hoạt Đoàn Đội. Qua đó, nhiều em đã trở thành tuyên truyền viên tích cực về PCBBPNTE tại cộng đồng.

Các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng được đẩy mạnh. Nhiều phóng sự, tin bài về các vụ việc lấy chồng nước ngoài không hợp pháp, BBPNTE,... đã tạo dư luận cảnh báo những thủ đoạn tinh vi của bọn buôn người và công tác tuyên truyền giáo dục phụ nữ của cộng đồng. Chuyên mục “Phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em” trên trang web của Hội đã thường xuyên cập nhật thông tin và tuyên truyền các hoạt động PCBBPNTE. Hội đã phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam truyền thông về chủ đề phòng chống tội phạm BBPNTE trên chương trình Chiếc nón kỳ diệu và chuyên mục Người xây tổ ấm; Toạ đàm Vấn đề phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài. Gần 3000 tin bài và 37 phóng sự tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đã được phát trên hệ thống loa phát thanh của các xã. Hội LHPN Hải Phòng cùng Đài phát thanh truyền hình thành phố xây dựng phóng sự Giấc mộng thiên đường phát trên đài phát thanh truyền hình Hải Phòng và in sao ra đĩa làm công cụ truyền thông tại các cuộc sinh hoạt chi tổ phụ nữ, làng văn hoá; xây dựng chuyên mục Phía sau những giấc mơ phát sóng truyền hình từ 4 - 10/9/2006; tuyên truyền trên đài truyền thanh của huyện, xã, phường 6 buổi/tháng. Hội LHPN tỉnh Tây Ninh xây dựng 3 phóng sự phát trên truyền hình, đăng hơn 10 bài báo, 120 băng cát xét để đưa vào hệ thống loa phát thanh của xã, thị trấn. Hội LHPN tỉnh Hậu Giang xây dựng phóng sự truyền hình, các tin bài phát trên chuyên đề Pháp luật của Đài Truyền hình tỉnh Hậu Giang và phát thanh hàng tuần trên sóng phát thanh; đăng các tin bài trên báo Hậu Giang mỗi tuần 1 chuyên đề về PCBBPNTE...

TW Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức thành công liên hoan phim toàn quốc về phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên với sự tham gia của 37 tỉnh, thành với 38 phim được đánh giá là có chất lượng và có tính tuyên truyền, giáo dục cao. Nhiều phim đã được phát sóng trên các chuyên đề của Đài truyền hình Việt Nam.

Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tổ chức biên soạn, in ấn và phát hành các tài liệu truyền thông cộng đồng với hình thức và nội phong phú, đa dạng về các nội dung PCBBPNTE. Theo báo cáo các tỉnh, thành hội: gần 200.000 tờ rơi, 8.000 sổ tay và cuốn sách nhỏ về PCBBPNTE đã được biên soạn, in ấn. Riêng cấp TW đã biên soạn và in ấn 100.700 tờ rơi, 5.000 cuốn sổ tay, 500 tờ áp phích tuyên truyền PCBBPNTE; 13.300 cuốn đề án truyền thông phát cho tất cả các xã/phường của 64 tỉnh/thành Hội; phát 150 đĩa VCD về PCBBPNTE cho các tỉnh, thành Hội; phát hành 40.000 cuốn Thông tin phụ nữ có nội dung về PCBBPNTE tới cơ sở Hội và đưa tin bài trên một số báo của TW và Hà Nội, 3000 cuốn cẩm nang “Hỗ trợ và chăm sóc vì cuộc sống tốt đẹp”.

Các cấp Hội cơ sở đã xây dựng gần 1.000 panô, 558 áp phích, băng rôn, tranh cổ động, khẩu hiệu tuyên truyền về nội dung PCBBPNTE được lắp đặt tại khu trung tâm đông người qua lại và các tuyên biên giới để tuyên truyền PCBBPNTE tới cộng đồng, tiêu biểu như tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Sóc Trăng, TP Cần Thơ, Tây Ninh, Hậu Giang... Đã có 18 vụ buôn bán phụ nữ và trẻ em được Hội phụ nữ cơ sở phát hiện và 15 nguồn tin cung cấp cho cơ quan chức năng thực hiện việc ngăn chặn và xứ lý kịp thời.

Đội ngũ cán bộ Hội được nâng cao năng lực về truyền thông PCBBPNTE

TW Hội đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án 1 và 13 hội thảo nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và bàn giải pháp đẩy mạnh các hoạt động PCBBPNTE; tổ chức 33 lớp tập huấn cho trên 1.500 báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở; lồng ghép nội dung PCBBPNTE vào chương trình giảng dạy tại Trường cán bộ Phụ nữ TW cho học viên là cán bộ hội cơ sở.

Các cấp Hội đã tổ chức hơn 300 lớp tập huấn cho hơn 16.000 lượt người về các nội dung: quyết định 130/CP và Nghị định 68/CP về hôn nhân có yếu tố nước ngoài, Nghị quyết 07/NQ của TW Hội LHPN Việt Nam về các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái, về pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCBBPNTE...

Tại các tỉnh, thành có nhiều điểm nóng về tình trạng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, các cấp Hội còn cung cấp những thông tin, kiến thức cần thiết về các thủ tục kết hôn với người nước ngoài, phong tục tập quán của nơi sẽ đến làm dâu, cảnh giác trước các thủ đoạn lừa gạt của bọn môi giới buôn người...

Trong năm 2006, các hoạt động giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm giữa các vùng miền, các nước trong khu vực đã được đẩy mạnh. Một số tỉnh, thành Hội đã tổ chức các chuyến giao lưu học tập kinh nghiệm giữa các địa bàn trong tỉnh và địa bàn biên giới. Đồng thời, các cấp Hội đẩy mạnh phong trào kết nghĩa giữa các chi hội phụ nữ người Kinh với chi hội phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện giao lưu, học tập, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ, xây dựng gia đình văn hoá, thôn buôn văn hoá.

Các cấp Hội đã chú trọng xây dựng mô hình can thiệp hỗ trợ cộng đồng

Các mô hình đã được xây dựng dựa trên sự tham gia của cộng đồng, gắn vai trò của Hội phụ nữ với chính quyền địa phương, các đoàn thể và đối tượng đã phát huy vai trò hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phòng ngừa, hỗ trợ và giúp đỡ phụ nữ, trẻ em gái. Đến nay các tỉnh, thành đã xây dựng và duy trì sinh hoạt được gần 4.000 CLB với hơn 100.000 thành viên tham gia: CLB PCBBPNTE, CLB phòng chống Tệ nạn xã hội, CLB gia đình hạnh phúc, CLB Phụ nữ với pháp luật, Tổ Phụ nữ không có người thân phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội,... Nội dung sinh hoạt CLB phong phú, đa dạng, cung cấp cho chị em các thông tin, kiến thức, kỹ năng bổ ích, thiết thực giúp chị em xoá đói giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc. Các CLB đã mang tính hiệu qủa, bền vững, thu hút sự tham gia của đông đảo hội viên, đặc biệt nhiều CLB đã có sự tham gia của nam giới và đại diện các ban ngành đoàn thể, các tổ chức xã hội. Hội LHPN tỉnh Yên Bái đã lồng ghép nội dung PCBBPNTE vào sinh hoạt tại gần 300 CLB, tổ phụ nữ “3 không” với sự tham gia của gần 3.000 hội viên phụ nữ và người dân tại cộng đồng. Hội LHPN TP.Hồ Chí Minh thành lập điểm 3 CLB “Kỹ năng sống” quy tụ được 85 nữ thanh niên tạm cư thuộc quận 7, 12 và Bình Tân để nâng cao nhận thức về những nguyên nhân thủ đoạn của bọn buôn người nâng cao kỹ năng tự bảo vệ mình.

Công tác hỗ trợ, giúp đỡ đối tượng có nguy cơ cao tại địa phương và những nạn nhân bị buôn bán trở về, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như thăm hỏi, tư vấn, động viên; tổ chức hàng trăm lớp dạy nghề cho gần 14.000 người, giới thiệu việc làm cho gần 14.000 người, hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất cho 264 ngàn chị với tổng số vốn là trên 622 tỷđồng. Riêng Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Đoàn thanh niên tổ chức chiến dịch vận động đưa trẻ đến trường đúng độ tuổi, vận động học sinh bỏ học tiếp tục tham gia các lớp phổ cập, đồng thời tặng sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; 3 tỉnh Tây Ninh, Hậu Giang, Cần Thơ đã hỗ trợ đào tạo dạy nghề và giới thiệu việc làm cho 1.150 người, hỗ trợ vốn vay cho 1.104 người với số vốn là 6.5 tỷ đồng để phát triển sản xuất ổn định cuộc sống và hỗ trợ đưa 549 trẻ đến trường học.

Thực hiện tinh thần của Nghị định 68/2002/NĐ-CP, một số tỉnh, thành Hội đã thành lập Trung tâm hỗ trợ kết hôn hoặc Trung tâm tư vấn Pháp luật, Phòng Thông tin tư vấn, lắp đặt đường dây điện thoại nóng phục vụ cung cấp thông tin liên quan đến tội phạm buôn bán người, pháp luật, việc làm, di cư như TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Tây Ninh, Bình Phước, Hải Phòng, Bến Tre, Kiên Giang… nhằm tư vấn cho phụ nữ trong việc kết hôn với người nước ngoài trên cơ sở hôn nhân tự nguyện, bình đẳng. Trong năm qua, các tỉnh, thành Hội đã tư vấn, cung cấp thông tin cho 2.168 người về lấy chồng nước ngoài và xuất khẩu lao động.

Tại trung tâm tư vấn Pháp luật của Hội LHPN thành phố Hải Phòng, từ năm 2005 đến năm 2006 đã tư vấn cho gần 1.000 trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài. Trung tâm hỗ trợ kết hôn của TP. Hồ Chí Minh đã tư vấn hỗ trợ kết hôn cho 626 người và giới thiệu hỗ trợ hoàn tất thủ tục cho 99 trường hợp cô dâu xuất cảnh kết hôn với người Hàn Quốc. Trong tháng 9/2006, Trung tâm đã tổ chức tìm hiểu cuộc sống thực tế của 20 cô dâu Việt Nam do trung tâm giới thiệu, nhìn chung cuộc sống đều ổn định, không ai bị đánh đập ngược đãi hay bị buôn bán. Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của TP.Hồ Chí Minh đã tiếp nhận, tư vấn chăm sóc giáo dục dạy nghề cho 28 em, trong đó có 19 em đã hồi gia có việc làm ổn định. Sau 4 năm, Trung tâm đã hỗ trợ cho 97 phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Cũng mô hình này, tại Trung tâm vùng Cần Thơ đã hỗ trợ cho 37 phụ nữ và trẻ em là nạn nhân bị buôn bán trở về.

Bên cạnh đó, mô hình “tín dụng tiết kiệm” cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có nguy cơ, phụ nữ bị buôn bán trở về, phụ nữ có con trong độ tuổi đi học được duy trì và nhân rộng tại cơ sở. Các mô hình này đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho nhiều chị em có hoàn cảnh đặc biệt có cơ hội tái hoà nhập cộng đồng. Tiêu biểu như các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Kon tum, Thanh Hoá, Hà Tây, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, Hà Nam, Hải Phòng, Long An... Nhiều tỉnh, thành đã lồng ghép các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm tại các trung tâm dạy nghề của Hội LHPN, tiêu biểu như tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Long An...

Hội LHPN các cấp đã tăng cường công tác phối hợp với chính quyền và các ban ngành để triển khai hiệu quả công tác PCBBPNTE

Chương trình hành động 130 của Chính phủ và triển khai đề án Tuyên truyền, giáo dục PCBBPNTE tại cộng đồng đã thể hiện rõ sự phối hợp hoạt động giữa Hội phụ nữ với các ngành, các cấp, đặc biệt là sự tham gia chỉ đạo và triển khai thực hiện của Chính quyền cơ sở. Hội đã phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, các ngành Ngoại giao, Công an, Bộ đội biên phòng, Lao động - Thương binh và xã hội, Y tế, Giáo dục, Uỷ ban Dân số - Gia đình và Trẻ em, Tư pháp, Đoàn thanh niên, các cơ quan thông tin đại chúng. Công tác phối hợp đã chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, xây dựng cơ chế hoạt động, huy động sức mạnh tổng hợp của các ngành trong triển khai hoạt động. Sự phối hợp tốt giữa các ngành đã tạo được tiếng nói chung bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em gái trên các diễn đàn trong nước và quốc tế; đồng thời phát hiện và giải quyết kịp thời một số vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em tại địa phương.

Có thể nói rằng, công tác PCBBPNTE đã được chỉ đạo trực tiếp từ TW Hội và sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương; đồng thời, sự nghiêm túc, triển khai thực hiện của các cấp hội phụ nữ cơ sở. Các hoạt động PCBBPNTE được triển khai cả bề rộng và chiều sâu với hình thức và nội dung phong phú, đa dạng, sáng tạo đã góp phần nâng cao và chuyển biến nhận thức của người dân trong cộng đồng, thu hút họ tham gia tích cực vào công tác phòng ngừa buôn bán người và hỗ trợ tái hoà nhập cho các nạn nhân bị buôn bán trở về. Nhiều mô hình truyền thông phù hợp với điều kiện địa phương được duy trì và nhân rộng. Tài liệu truyền thông được biên soạn đảm bảo về chất lượng, tăng cường về số lượng, đáp ứng nhu cầu và trình độ của từng nhóm đối tượng. Đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên, báo cáo viên được nâng cao về trình độ, kiến thức và kỹ năng truyền thông; có lòng nhiệt tình và tâm huyết với các hoạt động PCBBPNTE.

Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân bị buôn bán trở về (khám chữa bệnh, tư vấn tâm lý, vay vốn phát triển kinh tế gia đình, dạy nghề, tạo việc làm…) đã góp phần giúp chị em ổn định cuộc sống, xoá bỏ mặc cảm và hoà nhập cộng đồng. Nhiều chị em từng là nạn nhân đã mạnh dạn tố cáo tội phạm, giúp các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh, đồng thời trở thành những nhân chứng tuyên truyền về thủ đoạn và hậu quả của nạn buôn bán người.

Tuy nhiên, việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho phụ nữ về PCBBPNTE vẫn chưa được thường xuyên liên tục và đều khắp tại các địa bàn, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một bộ phận nhân dân và phụ nữ trình độ thấp, thiếu hiểu biết, nhiều chị em không biết chữ đã hạn chế hiệu quả công tác truyền thông. Công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự ở một số địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức. Việc khảo sát nắm tình hình phụ nữ và trẻ em bị buôn bán, lấy chồng nước ngoài, đi làm ăn xa chưa được chú trọng và triển khai đồng bộ. Mô hình truyền thông chưa nhân ra diện rộng, tài liệu truyền thông còn thiếu, trình độ năng lực của đội ngũ tuyên truyền viên ở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình. Kinh phí dành cho các hoạt động PCBBPNTE còn hạn chế.

Để góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu Chương trình hành động phòng chống tội phạm BBPNTE từ 2005 đến 2010 của Chính phủ, công tác PCBBPNTE của các cấp Hội cần: Thường xuyên nắm bắt tình hình PNTE trên địa bàn; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về phòng chống tội phạm BBPNTE, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công dân, phòng ngừa đấu tranh phòng chống tội phạm BBPNTE; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; chú trọng các hình thức tuyên truyền đối tượng nguy cơ cao; đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội, tuyên truyền viên, cộng tác viên về PCBBPNTE; vận động các cấp Hội phụ nữ tổ chức các hoạt động hỗ trợ cho PNTE bị buôn bán trở về táI hoà nhập cộng đồng; tăng cường công tác phối hợp hoạt động với các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các ngành chức năng đẩy mạnh công tác truyền thông cộng đồng PCBBPNTE; tăng cường nguồn lực để công tác PCBBPNTE đạt hiệu quả hơn; thường xuyên tổ chức các hoạt động kiểm tra giám sát việc triển khai các hoạt động PCBBPNTE; tổ chức tham quan giao lưu, học tập những mô hình, kinh nghiệm hay của các đơn vị trong công tác phòng chống BBPNTE...

Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video