Gương phụ nữ làm kinh tế giỏi

27/04/2021
- Hòa Bình: Thu nhập gần 400 triệu đồng từ chăn nuôi và trồng cây ăn quả
- Đắk Lắk: Làm kinh tế giỏi với mô hình trồng rau an toàn
Chị Bùi Thị Ẻn, hội viên phụ nữ xóm Mới, xã Thạch Yên, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, một trong những tấm gương phụ nữ làm kinh tế giỏi, vươn lên làm giàu

- Hòa Bình: Thu nhập gần 400 triệu đồng từ chăn nuôi và trồng cây ăn quả

Trong phong trào phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, nổi bật là chị Bùi Thị Ẻn, hội viên phụ nữ xóm Mới, xã Thạch Yên, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, một trong những tấm gương phụ nữ làm kinh tế giỏi, vươn lên làm giàu. Chị Bùi Thị Ẻn sinh năm 1977, sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn, bố mất sớm. Năm 2000, chị lập gia đình, hai vợ chồng với hai bàn tay trắng, không có công ăn việc làm ổn định, thu nhập chủ yếu vào vụ mùa trồng lúa và chồng đi làm thuê, làm mướn khi có người nhờ. Cuối năm 2000, chị Ẻn sinh đứa con trai đầu lòng, tưởng rằng kinh tế khó khăn thì bù lại gia đình sẽ được trọn vẹn, nhưng cháu lại bị khuyết tật bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ.

Với bản tính cần cù chịu khó, dám nghĩ dám làm, không khuất phục hoàn cảnh cùng sự động viên, chia sẻ của người chồng và sự thăm hỏi, giúp đỡ ngày công lao động của chị em phụ nữ trong chi hội, chị Ẻn đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội thông qua nguồn ủy thác của hội phụ nữ xã để đầu tư vào chăn nuôi lợn thịt và lợn nái giống. Ban đầu, do kinh nghiệm chưa nhiều và vốn ít nên anh chị chỉ dám đầu tư nuôi 20 con lợn thịt và 3 con lợn nái. Dần dần, áp dụng các kiến thức về chăn nuôi từ sách, báo, qua các lớp tập huấn do hội phụ nữ xã tổ chức và kinh nghiệm từ các chị em trong chi hội, đàn lợn của gia đình chị ít bị dịch bệnh, phát triển tốt, 3 con lợn giống đẻ mỗi lứa từ 5-7 con. Sau 2 năm, số lượng đàn lợn ngày một tăng lên giúp gia đình chị có nguồn thu ổn định từ việc bán lợn giống và lợn thịt.

Tận dụng nguồn phân lợn sẵn có, gia đình chị tiếp tục đầu tư trồng mía trắng trên diện tích 5 nghìn mét, cho thu nhập khoảng 80-100 triệu đồng/năm. Sau 5 năm, chị tiếp tục đầu mở rộng và sửa sang chuồng trại để chăn nuôi với số lượng lớn, đảm bảo các điều kiện về chăn nuôi. Nhận thấy thế mạnh của địa phương về trồng cây ăn quả có múi, anh chị quyết định đầu tư trồng thêm 200 gốc cam và 100 gốc bưởi cho thu nhập mỗi năm từ 100-150 triệu đồng. Đến nay tổng thu nhập hàng năm từ chăn nuôi lợn, trồng mía trắng và thu hoạch cam, bưởi của gia đình chị Ẻn đạt từ 300-400 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm theo thời vụ cho 3-5 lao động tại địa phương với mức lương từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Ẻn còn là một hội viên phụ nữ gương mẫu tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của hội, chị luôn sẵn sàng giúp đỡ chị em hội viên khó khăn trong chi hội về vốn không lấy lãi để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, đồng thời nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm của gia đình trong việc chăn nuôi, trồng cây ăn quả trong các buổi sinh hoạt để chị em có hoàn cảnh khó khăn cùng vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.

- Đắk Lắk: Làm kinh tế giỏi với mô hình trồng rau an toàn

Những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp từ trồng rau, chăn nuôi sạch được nhiều chị em hội viên phụ nữ trong tỉnh quan tâm và triển khai thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu cho gia đình và cung ứng ra thị trường những sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có năng xuất, chất lượng cao. Điển hình là mô hình của chị Phạm Thị Nhân, chi hội phụ nữ thôn Tiến Thành, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar. Sau khi lập gia đình, với số tiền ít ỏi, vợ chồng chị mua được hơn một sào đất để trồng rau, thời gian đầu lập nghiệp, chị gặp nhiều khó khăn do giá rau rẻ, không có kỹ thuật trồng trọt nên năng suất không cao, thường xuyên bị lái buôn ép giá nên thu nhập không được bao nhiêu.

Chị Nhân làm kinh tế với mô hình trồng rau an toàn

Chị Nhân cho biết, ba năm trở lại đây, nhận thấy trên địa bàn huyện nhu cầu sử dụng rau sạch, an toàn của người dân tăng cao nhưng nguồn cung không đủ, chị bàn với chồng chuyển đổi phương thức sản xuất từ trồng rau truyền thống chuyển sang trồng rau theo công nghệ an toàn hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học. Chị đã mạnh dạn vay ngân hàng hơn 50 triệu đồng và được Hội LHPN xã Quảng Tiến cho vay vốn 20 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp để mua thêm 2 con bò và mua giống rau, đầu tư hệ thống tưới tiêu, ủ phân vi sinh...

Bên cạnh đó, hội phụ nữ xã còn giới thiệu chị tham gia các khóa tập huấn bồi dưỡng kiến thức trồng rau an toàn do Trung tâm khuyến nông huyện tổ chức. Gia đình chị quyết định cải tạo đất, phân ô trồng các loại rau, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động và trồng rau theo thời vụ như: dưa leo, su hào, húng quế, đậu ve, đậu bắp, xà lách…; tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác, từ chọn giống, gieo trồng, ươm hạt tới chăm sóc nên cho năng suất cao, rau thu hoạch đều được tiêu thụ hết. Mỗi vụ rau sạch thu lãi khoảng 10-15 triệu đồng, tính trung bình thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Chị Nhân luôn được các cấp hội phụ nữ đánh giá cao về mọi mặt, nhất là trong các phong trào thi đua, xây dựng tổ chức Hội, tích cực tham gia các cuộc họp, các buổi sinh hoạt của chi hội phụ nữ. Gia đình chị luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; tích cực ủng hộ các phong trào quyên góp ở địa phương, nhiều năm liền đạt gia đình văn hoá và chị đã được Hội LHPN tỉnh biểu dương là nhân tố điển hình về phát triển kinh tế.                                    

Đinh Thùy; Thanh Huyền

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video