8 cách giữ cơ thể khỏe mạnh

13/02/2020
Hệ miễn dịch của cơ thể bao gồm các tế bào bạch cầu, kháng thể và các phần khác bao gồm các cơ quan và các hạch bạch huyết.

Có rất nhiều loại bệnh có thể khiến hệ miễn dịch yếu đi, hay còn gọi là làm cho người bệnh bị suy giảm miễn dịch. Theo bác sĩ Lê Việt Anh - Viện y học ứng dụng Việt Nam: Những loại bệnh gây suy giảm miễn dịch đó có thể xuất hiện từ mức độ nhẹ đến nghiêm trọng và có thể xuất hiện từ khi mới sinh hoặc là hệ quả của các yếu tố môi trường. 

Trong nhiều trường hợp, tình trạng suy giảm miễn dịch quá nhẹ khiến người bệnh không phát hiện ra trong một quãng thời gian dài. Trong những trường hợp khác, tình trạng suy giảm miễn dịch có thể nặng hơn khiến người bệnh thường xuyên bị các bệnh liên quan đến nhiễm trùng trong suốt cuộc đời.

Triệu chứng cơ bản của một hệ miễn dịch bị suy yếu chính là rất dễ bị nhiễm trùng. Người bị suy giảm miễn dịch thường  bị nhiễm trùng hơn những người bình thường và tình trạng nhiễm trùng có thể nghiêm trọng hoặc khó chữa. Những người bị suy giảm miễn dịch cũng có thể gặp phải những loại nhiễm trùng mà người với một hệ miễn dịch khỏe sẽ không gặp phải.

Các loại bệnh nhiễm trùng mà người suy giảm miễn dịch hay gặp phải là: Viêm phổi, viêm màng não, viêm phế quản. Các loại bệnh nhiễm trùng này cũng có thể thường xuyên lặp lại. 

Các triệu chứng khác của một hệ miễn dịch suy yếu có thể bao gồm: Các bệnh tự miễn; Viêm các cơ quan nội tạng; Các bệnh hoặc bất thường về máu, ví dụ như thiếu máu; Các vấn đề về đường tiêu hóa, bao gồm chán ăn, tiêu chảy và đau bụng; Chậm lớn và chậm phát triển ở trẻ sơ sinh và trẻ em,

Những người có hệ miễn dịch suy giảm có thể thực hiện theo một vài cách sau đây để giữ cho cơ thể khỏe mạnh và tránh nhiễm trùng.

Giữ vệ sinh cá nhân:

Một trong những cách dễ nhất để một người bị suy giảm miễn dịch có thể giữ cơ thể khỏe mạnh là giữ vệ sinh cá nhân, bao gồm việc rửa tay thường xuyên. 

Giữ vệ sinh cá nhân, bao gồm việc rửa tay thường xuyên và đúng cách

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) khuyến cáo nên rửa tay sau những lúc như: Trước, trong và sau khi chế biến thức ăn; sau khi xì mũi, ho, hắt hơi; Trước và sau khi điều trị vết thương hở; Sau khi tiếp xúc với những người không khỏe; Sau khi giúp trẻ em đi vệ sinh; Sau khi thay bỉm cho trẻ; Sau khi tiếp xúc với động vật, thức ăn cho động vật hoặc chất thải động vật; Sau khi tiếp xúc với rác thải

Rửa tay đúng cách và thưởng xuyên có thể giúp giảm nguy cơ bệnh tật. Theo như CDC, rửa tay đúng cách giúp giảm tới 58% các ca tiêu chảy truyền nhiễm ở những người có hệ miễn dịch bị suy giảm.

CDC cũng tuyên bố rằng rửa tay bằng xà phòng và nước giúp bảo vệ trẻ em và giảm thiểu số ca tử vong do viêm phổi và tiêu chảy ở những trẻ dưới 5 tuổi.

Tránh tiếp xúc với những người đang mang bệnh

Những người có hệ miễn dịch yếu nên tránh tiếp xúc với những người đang bị cảm cúm hoặc các bệnh truyền nhiễm khác. Vi khuẩn và virus có thể lây lan từ người sang người qua tiếp xúc gần. Chúng cũng có thể lây truyền qua các giọt bắn khi người bệnh ho hoặc hắt hơi.

Tất nhiên không phải lúc nào cũng có thể tránh được việc tiếp xúc với những người đang ốm. Tuy nhiên, những người bị suy giảm miễn dịch nên tránh tiếp xúc với người đang ốm ở cự ly gần, ví dụ như ôm hoặc hôn, cho tới khi bệnh tình của người đó thuyên giảm. Việc ăn uống chung thức ăn với người đang ốm cũng được khuyên là nên tránh.

Khử trùng đồ đạc trong nhà

Các vi khuẩn có khả năng gây bệnh có thể sống trên bề mặt của những đồ vật trong nhà như nắm đấm cửa hoặc điều khiển tivi. Vì vậy, có thể giảm thiểu lượng vi khuẩn trong nhà bằng cách khử trùng các đồ dùng trong nhà thường xuyên.

Nghe theo lời khuyên của bác sĩ về việc sử dụng vaccine

Các bác sĩ thường khuyến cáo mỗi người nên tiêm vaccine đầy đủ. Tuy nhiên, họ có thể sẽ khuyên những người bị suy giảm miễn dịch nên trì hoãn hoặc không tiêm một vài loại vaccine nhất định. Nếu một loại thuốc hoặc một đợt mắc bệnh ngắn là nguyên nhân gây ra tình trạng suy giảm miễn dịch cho một người thì người đó vẫn có thể tiêm vaccine sau khi bệnh đã khỏi hoặc đã ngưng sử dụng thuốc.

Một vài loại vaccine bác sĩ thường khuyến cáo người suy giảm miễn dịch nên trì hoãn hoặc nên tránh bao gồm: MMR (Vaccine phòng sởi, quai bị và rubella); Vaccine cúm sống; MMRV (kết hợp vaccine phòng sởi, quai bị và rubella với vaccine thủy đậu); Vaccine phòng dại.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) có các khuyến cáo về các thời điểm tiêm vaccine mà mọi người nên thực hiện theo. Tuy nhiên, những người có hệ miễn dịch suy giảm nên tham khảo ý kiến bác sĩ về những loại vaccine mình có thể sử dụng cũng như thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ. Các loại vaccine có thể giúp phòng tránh các bệnh nghiêm trọng.

Kiểm soát tình trạng căng thẳng

Căng thẳng (hay stress) có thể thể làm hệ miễn dịch bị yếu đi, khiến một người dễ mắc bệnh hơn. Một vài nghiên cứu cũng đã cho thấy rằng những người thường xuyên phải chịu căng thẳng cường độ cao thường dễ ốm hơn so với những người bình thường.

Những người có hệ miễn dịch yếu nên làm theo những cách sau đây để kiểm soát căng thẳng: Yoga; Thiền; Massage; Dành thời gian cho những sở thích cá nhân; Ngủ đủ giấc.

Theo Hiệp hội Giấc ngủ Quốc gia Mỹ, ngủ không đủ giấc cũng có ảnh hưởng đến hệ miễn dịch tương tự như khi bị căng thẳng. Thiếu ngủ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất các tế bào bạch cầu, nhân tố quan trọng của hệ miễn dịch.

Theo CDC, người lớn nên ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi ngày còn trẻ sơ sinh và trẻ em cần ngủ từ 8-17 tiếng mỗi ngày tùy theo độ tuổi.

Đảm bảo chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất

Một chế độ ăn cân bằng và đầy đủ dưỡng chất có thể giúp cải thiện sức khỏe toàn diện. Các bác sĩ thường khuyên những người có hệ miễn dịch kém nên ăn một chế độ ăn giàu rau xanh và trái cây. 

Đảm bảo một chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất

Nếu một người bị suy giảm miễn dịch nặng, ví dụ như do đang trong quá trình điều trị ung thư, các bác sĩ thường nguyên nên có thêm các bước để phòng tránh các bệnh do thực phẩm, bao gồm: Rửa sạch hoa quả và rau trước khi gọt vỏ; Không ăn thịt, cá và trứng chưa nấu chín kĩ; Giữ thực phẩm trong tủ lạnh; Sử dụng các loại sữa và đồ uống đã qua tiệt trùng.

Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh. Bên cạnh tác dụng giúp cơ thể khỏe lên, tập thể dục còn giúp cơ thể tiết ra endorphine, một loại hormone giúp giảm thiểu căng thẳng. Tuy nhiên, những người bị suy giảm miễn dịch cũng nên tránh tập luyện quá sức do có thể khiến hệ miễn dịch suy yếu thêm.

Vì vậy, những người bị suy giảm miễn dịch nên tránh những điều sau khi tập luyện: Tập luyện với cường độ quá cao; Tập luyện quá thường xuyên; Tập luyện liện tục mà không có thời gian nghỉ.

Bổ sung vitamin

Có những loại vitamin và khoáng chất có tác động lên hệ miễn dịch. Ví dụ, một người thiếu hụt vitamin C có thể có một hệ miễn dịch yếu hơn bình thường. Bên cạnh đó, các loại vitamim và khoáng chất khác có khả năng ảnh hưởng đến hệ miễn dịch bao gồm:  Vitamin A, vitamin D, vitamin E, sắt, Acid folic, kẽm.

Các loại thực phẩm giàu dưỡng chất vẫn luôn là nguồn cung cấp các vitamin và khoáng chất này một cách tốt nhất, nhưng nếu bạn gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể qua thực phẩm thì các loại viên uống bổ sung có thể sẽ là một lựa chọn cho bạn.

Tóm lại, hệ miễn dịch là một hệ thống phức tạp với các tế bào máu và các hệ cơ quan giúp bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây bệnh. Nếu một người nhận thấy rằng mình thường xuyên bị các bệnh liên quan đến nhiễm trùng thì có thể họ có một hệ miễn dịch đã bị suy yếu.

Những người có hệ miễn dịch suy yếu có thể làm theo những cách trên để tối ưu hóa hệ miễn dịch của bạn thân cũng như giữ cho cơ thể khỏe mạnh.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video