Khí phách Người con gái Sông Tiền - Nguyễn Thị Thập

20/11/2020
Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã có biết bao tấm gương phụ nữ yêu nước được sử sách lưu danh. Từ thời Bà Trưng bà Triệu cho đến thời đại Hồ Chí Minh đã có hàng triệu triệu phụ nữ can trường hy sinh vì nền độc lập của nước nhà. Truyền thống yêu nước nồng nàn ấy đã kết tinh sáng ngời trong hình ảnh của bà Nguyễn Thị Thập – người con gái Sông Tiền bất khuất, kiên trung.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thập (giữa ảnh hàng trên) trò chuyện với phụ nữ các dân tộc tại Đại hội phụ nữ khu Việt Bắc, năm 1974

1. Sớm giác ngộ cách mạng

Nguyễn Thị Ngọc Tốt sinh ra trong một gia đình nghèo đông con nhưng giàu truyền thống cách mạng tại xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang (sau này hoạt động cách mạng bà lấy tên là Nguyễn Thị Thập) đã sớm giác ngộ tham gia hoạt động cách mạng.Trong Hồi ký bà chia sẻ: “Tôi rất ham mê đọc sách, mỗi lần gánh chuối, gánh trầu cau đi chợ bán, tôi không dám ăn quà bánh gì, dành tiền mua sách về đọc... Qua câu chuyện giữa cha và anh tôi dần hiểu “thế nào là cái nhục mất nước”. … Tôi muốn vượt qua khỏi những lề thói, tập quán cổ hủ của xã hội phong kiến, thực dân thống trị. Sức tôi đang lớn, người tôi rất sôi  nổi. Tôi muốn đi, muốn hoạt động, muốn làm một cái gì đó để cứu nước”.

Năm 1928, tham gia Nông hội Đỏ tại địa phương, với nhiệm vụ thông tin liên lạc. Ba năm sau, thoát ly gia đình, lên Sài Gòn hoạt động cách mạng, thâm nhập cuộc sống công nhân, thợ thuyền, những người lao động nghèo khổ để tuyên truyền giác ngộ và xây dựng cơ sở cách mạng ở thành phố Sài Gòn và các tỉnh: Mỹ Tho, Tân An, Bến Tre, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (năm 1931). Từ đây lấy bí danh là Mười Thập.

Chân dung bà Nguyễn Thị Thập

Tháng 4 năm 1935, được bầu làm Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ. Sau đó không lâu, bị thực dân Pháp bắt giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Trong những năm 1935 - 1936, Mặt trận Bình dân Pháp lên nắm chính quyền, chế độ dân chủ được mở rộng và nới lỏng cho các nước thuộc địa, và một số tù nhân chính trị chưa thành án được trả tự do. Bà trở về quê hương tiếp tục hoạt động cách mạng.

Ở Mỹ Tho, cùng với ông anh ruột Nguyễn Văn Cảnh (Tám Cảnh) và ông Lê Văn Giác (Tỉnh ủy viên tỉnh Mỹ Tho, sau trở thành chồng ) thường xuyên tập hợp anh chị em thanh niên trong xã Long Hưng tuyên truyền lý tưởng cách mạng, vạch tội ác thực dân Pháp và bọn cường hào ác bá, nhằm gây dựng, phát triển lực lượng cách mạng. Xã Long Hưng trở thành nơi lực lượng cách mạng phát triển mạnh nhất của tỉnh Mỹ Tho.

Năm 1937, lãnh đạo nhân dân Long Hưng đấu tranh chống thuế thân và bị chúng bắt giam 6 tháng tại khám đường Mỹ Tho. Ra tù, tiếp tục công tác vận động quần chúng, củng cố và phát triển cơ sở. Cũng trong năm này, ông Lê Văn Giác được thả khỏi nhà tù Côn Đảo, hai người kết hôn, sau đó không lâu ông Lê Văn Giác bị địch bắt trở lại và đày biệt xứ ở Bạc Liêu.

Năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ. Thực dân Pháp ra sức vơ vét nhân lực, tài lực phục vụ chiến tranh. Sưu cao thuế nặng, vật giá leo thang, nhân dân ngày càng khốn khổ. Ở Mỹ Tho, chúng cấm các tổ chức quần chúng hoạt động, ruồng bắt thanh niên đưa sang Pháp hoặc đưa ra biên giới đánh quân Xiêm. Nhân dân vô cùng căm tức bọn thực dân và tay sai, chỉ mong có cuộc nổi dậy.

Nắm được nguyện vọng của quần chúng, ngày đêm tuyên truyền, vận động quần chúng ủng hộ cách mạng và tham gia nổi dậy. Truyền đơn của Đảng kêu gọi đồng bào đoàn kết dưới ngọn cờ Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế Đông Dương, đứng lên cứu lấy Tổ quốc,… được chuyển từ tay người này đến người khác, từ xóm ấp này đến xóm ấp khác. Trong một lần rải truyền đơn, quyên góp lương thực và tài chính để hoạt động và mua vũ khí thì bị địch bắt. Khi biết sự việc này, hàng trăm người dân của xã Long Hưng tay mác, tay giáo xông tới đòi bắt tên Trần Chánh, một tên cò mật thám Mỹ Tho, khiến tên này và đám lính bỏ chạy, được giải thoát.

Bà Nguyễn Thị Thập với các đồng chí tại chiến khu Việt Bắc, 1953

2. Gần sinh vẫn tham gia lãnh đạo khởi  nghĩa Nam Kỳ

Năm 1940, địch ra sức khủng bố, nhân dân đòi bạo động đánh lại quân Pháp. Tỉnh ủy Mỹ Tho quyết định lấy rừng Ba U làm căn cứ, tổ chức nhiều hội nghị ở nhiều nơi khác nhau trong tỉnh, bàn việc chuẩn bị khởi nghĩa ở Mỹ Tho, thành lập Ủy ban khởi nghĩa. được giao nhiệm vụ phụ trách lực lượng vũ trang của tỉnh. Từ tháng 8 đến tháng 11 năm 1940, tích cực tổ chức các địa phương trong tỉnh luyện tập, chuẩn bị cho một cuộc khởi nghĩa lớn. Khi có lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy, lực lượng vũ trang và nhân dân Mỹ Tho làm một cuộc “tiến công lên trời”, cờ đỏ sao vàng (sau này trở thành quốc kỳ của nước ta) lần đầu tiên được xuất hiện ở đình Long Hưng - nơi được chọn làm tổng hành dinh cách mạng của cuộc khởi nghĩa ở Mỹ Tho.

Trong hồi ký bà viết: “Đúng ngày 22, rạng ngày 23/11/1940 cuộc khởi nghĩa, lệnh từ Sài Gòn về Mỹ Tho, 2 giờ khuya đến 5 giờ sáng, khắp nơi kéo quân đến đường  bạo động giành chính quyền…Tôi như quên hẳn mình đang có thai gần kỳ sinh nở… Tóc búi cao, quần xắn đến gối, tôi thắt chặt bụng chửa bằng chiếc khăn rằn. Khi lên trước, khi chạy ngược lại đằng sau nhắc nhở anh em chỉnh tề đội ngũ mà người cứ nhẹ tênh, tưởng mình như còn con gái…”

Cuộc khởi nghĩa thành lập được chính quyền công - nông, tuy là chính quyền tự quản và tồn tại không lâu vì thực dân Pháp trở lại đàn áp khốc liệt, nhưng chính quyền đã thực thi chính sách đại đoàn kết dân tộc, khắc sâu dấu ấn đặc biệt trong ký ức của người dân Mỹ Tho và hình ảnh chị Mười Thập bụng mang dạ chửa gần ngày sinh nở, vẫn thắt khăn nịt bụng, chỉ huy lực lượng vũ trang xông vào chiếm đồn bốt, trương biểu ngữ, trương cờ khiến kẻ địch khiếp sợ.

Sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ trước thế đàn áp của quân Pháp, chồng bà, ông Lê Văn Giác một lần nữa bị địch bắt và bị xử tử hình. Nén đau thương, trở lại quê nhà Long Hưng - cái nôi của cuộc khởi nghĩa - để gầy dựng lại cơ sở cách mạng và tiếp tục xây dựng cơ sở quần chúng ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Cuối năm 1944, đã cùng với nhiều cán bộ trong tỉnh Mỹ Tho và các tỉnh bạn xúc tiến việc khôi phục lại Tỉnh ủy Mỹ Tho và Xứ ủy Nam kỳ.

Bà Nguyễn Thị Thập (đầu hàng bên phải) là  1 trong 10 nữ đại biểu Quốc hội khóa I (tháng 1/1946)

Đầu tháng 8/1945, được cử đi dự Đại hội Quốc dân họp ở Khu căn cứ  Tân Trào (Tuyên Quang). Do đường sá xa xôi, nên khi tới Hà Nội thì Đại hội đã kết thúc và cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám giành được thắng lợi. trở lại thủ đô gặp Trung ương Đảng và được Tổng Bí thư Trường Chinh giao trọng trách là cùng với phái viên Trung ương tiến hành việc thống nhất Đảng bộ Nam Bộ.

Cuối tháng 8/1945, về đến Mỹ Tho, thực hiện thành công việc thống nhất tổ chức Đảng bộ Nam Bộ. Trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 6/01/1946, bà Nguyễn Thị Thập trúng cử đại biểu Quốc hội tỉnh Mỹ Tho, được dự cuộc họp Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và trở thành một trong 10 nữ đại biểu Quốc Hội đầu tiên.

3. Người lãnh đạo Hội xuất sắc

Từ năm 1947 đến năm 1952, bà là Hội trưởng Hội Phụ nữ cứu quốc Nam bộ. Năm 1953, bà được Trung ương điều ra Việt Bắc. Sau khi Hiệp định Genève (20/7/1954) ký kết, bà được cử vào miền Nam phổ biến việc thi hành Hiệp định đình chiến.

Trên cương vị là Hội trưởng và Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ Cứu quốc Nam bộ (1947-1952), bà đã có nhiều đóng góp cho phong trào phụ nữ miền Nam. Trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, bà từng đảm nhiệm nhiều trọng trách: Hội trưởng và Bí thư Đảng đoàn Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam kiêm Trưởng ban Phụ vận Trung ương, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VI, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng từ khóa II đến khóa IV.

Bà Nguyễn Thị Thập, Trưởng đoàn Phụ nữ Cứu quốc Nam bộ trình bày báo cáo tổng kết  tại Đại hội Phụ nữ Cứu quốc Nam Bộ, ngày 10/4/1951. 

Bà là người đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam dài nhất trong 18 năm (từ 1956 đến 1974), đồng thời cũng đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội liên tục trong 21 năm từ khóa III đến khóa VI (1960-1981).

Trên cương vị là người đại biểu nhân dân bà đã có những đóng góp quan trọng cho sự ra đời của Luật Hôn nhân và Gia đình (ban hành ngày 13/01/1960) và nhiều chính sách khác bảo vệ quyền lợi của phụ nữ.

Là người lãnh đạo Hội tận tâm, sâu sát, cùng với tập thể lãnh đạo bà đã phong trào thi đua sôi nổi của phụ nữ thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, đặc biệt là phong trào phụ nữ “Năm tốt” và phong trào “Ba đảm đang” có sức lôi cuốn toàn thể phụ nữ từ thành thị đến nông thôn hăng hái tham gia.

Phong trào “Ba đảm đang” phát động tháng 3/1965 được đánh giá là cao trào cách mạng của phụ nữ, một mốc son trong lịch sử tổ chức và hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và phong trào phụ nữ Việt Nam.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thập đón bà Nguyễn Thị Định, Hội trưởng Hội LHPN GPMN Việt Nam cùng đoàn đại biểu phụ nữ miền Nam ra dự Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ 4 (1974)

Kiên cường, bất khuất và tận tụy với sự nghiệp chung, nhưng bà cũng gánh chịu nhiều nỗi đau, mất mát lớn lao về gia đình. Năm 1941 bà nhận được tin chồng mất khi vừa sinh con được mấy ngày. Cũng vì sự nghiệp cách mạng mà tình mẫu tử bị chia cắt. Sau tám năm bà mới gặp lại con gái đầu lòng. Con trai út thì trôi dạt 14 năm, xa mẹ khi mới tám ngày tuổi. Chính vì sự chia cắt này mà lúc đầu vì chưa hiểu được, con trai út của bà có ý thầm trách mẹ nhưng sau khi hiểu ra sự hy sinh của mẹ dành cho sự nghiệp cách mạng chung anh lại càng thương và cảm phục mẹ hơn. Người con trai cả của bà sau đó đã hi sinh trong kháng chiến chống Pháp (1953) và trong kháng chiến chống Mỹ, bà cũng lại mất đi người con trai út (1967). Tuy  vậy, bà vẫn luôn tâm niệm: “trong mất mát, không phải chỉ của riêng tôi, hàng ngàn vạn  bà mẹ đã phải sy sinh những đứa con thân yêu mình”.

Bà Nguyễn Thị Thập và con gái Lê Ngọc Thu, con trai Lê Văn Quang gặp lại nhau sau 14 năm xa cách, tháng 11/1955

Cuộc đời và sự nghiệp của bà Nguyễn Thị Thập là tấm gương tiêu biểu về phẩm chất Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang của phụ nữ Việt Nam. Với những cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng dân tộc và sự bình đẳng, tiến bộ của phụ nữ, cho đến nay bà là người phụ nữ Việt Nam duy nhất được Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng. Ngoài ra bà còn được phong tặng danh hiệu “ Bà mẹ Việt Nam anh hùng”… và nhiều phần thưởng cao quý khác.      

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thập nhận bức trướng “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm đảm đang, chống Mỹ cứu nước” do Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh trao tặng ngày 20/10/1966

Tranh về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ

Thanh Thủy – Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video