Trà Vinh: Trà Cú dạy nghề cho lao động nữ nông thôn thoát nghèo

12/09/2020
Việc mở các lớp dạy nghề phù hợp cho lao động nông thôn đã và đang giúp các lao động nữ ở huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) có công ăn việc làm, tích cực khởi nghiệp, liên kết sản xuất để giảm nghèo và nâng cao đời sống.
Các lao động nữ ở xã Tân Hiệp (huyện Trà Cú) tham gia một lớp dạy nghề trang điểm.

Vừa qua, tại xã Tân Hiệp, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Trà Cú cùng Doanh nghiệp tư nhân Ái Liên phối hợp cùng UBND xã Tân Hiệp đã mở lớp dạy nghề trang điểm thẩm mỹ cho lao động nông thôn.

Giúp chị em khởi nghiệp

Tham gia lớp học có 23 học viên nữ ở các ấp của xã Tân Hiệp. Thời gian lớp học diễn ra trong 4 tháng với chương trình gồm: 80 tiết học lý thuyết, cùng 320 giờ thực hành tại doanh nghiệp.

Cuối khóa học các học viên sẽ được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề. Đây là khóa học trang điểm thẩm mỹ đầu tiên được mở cho lao động nông thôn tại huyện Trà Cú theo đề án về đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Qua lớp học này sẽ giúp cho lao động nữ nông thôn có được kỹ năng trang điểm thẩm mỹ, một nghề có nhu cầu cao trong xã hội hiện nay. Từ đó, giúp tạo việc làm, khởi nghiệp và có thu nhập ổn định để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Mới đây, huyện Trà Cú cũng cho ra mắt câu lạc bộ “phụ nữ khởi nghiệp” ấp Chợ, xã Tập Sơn có 17 thành viên. Câu lạc bộ có chức năng hỗ trợ tuyên truyền, vận động chị em sản xuất, kinh doanh, tham gia các lớp đào tạo nghề và khởi nghiệp từ các nghề truyền thống của địa phương.

Đây là loại hình tập hợp chị em phụ nữ sản xuất, kinh doanh, nhằm thúc đẩy, hỗ trợ tạo điều kiện để các chị em khởi nghiệp thành công và phát triển lên doanh nghiệp, cũng như chia sẻ, học hỏi các nghề truyền thống và kinh nghiệm điều hành sản xuất, kinh doanh, về các hoạt động phát triển trong sản xuất.

Hoặc như ở xã Long Hiệp là một xã nông thôn của huyện Trà Cú có đông đồng bào dân tộc Khmer, đa phần cuộc sống của chị em nơi đây quanh năm lam lũ với ruộng đồng. Để giúp đỡ các hộ phụ nữ nghèo, hội phụ nữ xã đã thành lập 2 tổ hợp tác trồng bắp, hằng năm bình quân các tổ viên là lao động nữ thu được lợi nhuận từ 15 đến 20 triệu đồng.

Ngoài ra, hội phụ nữ xã Long Hiệp còn phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 6 lớp dạy nghề cho 180 chị em hội viên, phụ nữ học nghề như: Chăn nuôi, trồng trọt, đan đát…Hội đã giới thiệu các chị em hội viên tham gia đào tạo nghề với 189 chị em tham gia.

Qua 5 năm thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, hội phụ nữ xã Long Hiệp đã giúp cho 88 hộ hội viên thoát nghèo...góp phần cùng với địa phương thực hiện đạt tiêu chí giảm nghèo theo lộ trình hằng năm.

Hướng đến những nghề phù hợp

Làng nghề tiểu thủ công nghiệp xã Đại An, huyện Trà Cú hình thành từ lâu đời. Nhiều cơ sở sản xuất tập trung chủ yếu ở các ấp: Giồng Đình, Giồng Lớn, Cây Da, Trà Kha tạo ra các dòng sản phẩm với số lượng lớn làm từ tre, trúc. Nhờ vào việc học nghề truyền thống ở đây và có việc làm tại các cơ sở sản xuất, đã giúp các lao động nữ ở địa phương có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.  

Hiện nay, huyện Trà Cú còn hơn 1.800 hộ nghèo và trên 4.300 hộ cận nghèo. Cho nên, việc đào tạo nghề cho lao động địa phương, trong đó có lao động nữ, nhằm tạo sinh kế để nâng cao đời sống và giảm nghèo là rất cần thiết.

Huyện Trà Cú mở các lớp dạy nghề phù hợp nhằm tạo sinh kế cho lao động nữ ở nông thôn.

Từ nay đến năm 2025, huyện đặt ra mục tiêu là thu nhập bình quân đạt 65 triệu đồng/người/năm. Để đạt mục tiêu này thì việc tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động nữ ở nông thôn đang được huyện chú trọng.

Bà Trầm Như Thủy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Trà Cú chia sẻ: Hội sẽ tiếp tục phát huy những thế mạnh, nhất là hoạt động của các tổ hội và hoạt động đào tạo nghề, nhằm tham gia giảm nghèo hiệu quả.

Những năm qua, huyện Trà Cú đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể địa phương tăng cường công tác dạy nghề cho người lao động và phụ nữ nông thôn. Từ đó huyện đã mở các lớp dạy nghề và tạo điều kiện thuận lợi để chị em có nhu cầu đều được học những nghề phù hợp.

Những lao động nữ sau khi được học nghề phù hợp, huyện tạo điều kiện cho họ được tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi và phát triển nghề truyền thống. Là huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer, Trà Cú phấn đấu mỗi năm có từ 500 – 600 lao động nông thôn là đồng bào dân tộc được học nghề, đặc biệt là các lao động nữ người Khmer.

thoibaokinhdoanh.vn

Video