Quảng Nam: Nâng cao vai trò, năng lực của các cấp Hội phụ nữ góp phần thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia

Nâng cao hiệu quả hoạt động trong việc hỗ trợ phụ nữ tiếp cận tín dụng, bảo hiểm
Nhiều năm qua, Hội được đánh giá là tổ chức có uy tín, tin cậy, có nhiều đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động trong việc hỗ trợ phụ nữ tiếp cận tín dụng, bảo hiểm. Trong tín dụng chính sách Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), chất lượng ủy thác qua Hội luôn đạt 6 nhất (dư nợ cao nhất; tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất; số dư tiết kiệm lớn nhất; số lượng người vay cao nhất, số lượng tổ tiết kiệm vay vốn đạt loại tốt cao nhất và số thành viên tham gia tiết kiệm cao nhất).
Hội LHPN tỉnh xác định đối tượng trực tiếp để thực hiện tài chính toàn diện (TCTD) là hội viên, phụ nữ, THT, HTX, hộ kinh doanh, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ (gọi tắt là phụ nữ); trong đó ưu tiên phụ nữ yếu thế (phụ nữ nghèo, khuyết tật, dễ bị tổn thương, dân tộc thiểu số), nữ lao động di cư, nữ chủ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; các nhóm phụ nữ tham gia tín dụng tiết kiệm; các chương trình, dự án, tổ chức tài chính vi mô, bảo hiểm vi mô do Hội LHPN trực tiếp quản lý, điều hành và cán bộ Hội LHPN các cấp. Đối tượng gián tiếp là các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính toàn diện được cấp phép, bao gồm các ngân hàng, công ty bảo hiểm; các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước, các nhà tài trợ...
Cụ thể hoá nội dung thực hiện Chiến lược quốc gia TCTD vào công tác Hội
Để đảm bảo mục tiêu, đến năm 2025, thông qua nhiều hình thức khác nhau, 100% cán bộ, thành viên của các chương trình tài chính vi mô được tuyên truyền, tập huấn về giáo dục tài chính. Giữ vững và tăng tỷ trọng phụ nữ tiếp cận dịch vụ tín dụng, bảo hiểm thông qua vai trò kết nối của Hội LHPN tỉnh với Ngân hàng CSXH (đạt tối thiểu 35% tổng dư nợ của Ngân hàng); hàng năm tăng từ khoảng 10% dư nợ vốn Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính tín dụng, bảo hiểm được cấp phép khác… Đảm bảo đến năm 2030, thông qua nhiều hình thức khác nhau, 100% Hội LHPN cấp huyện có cán bộ Hội được đào tạo về TCTD, giáo dục tài chính và tiết kiệm.
Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh cụ thể hoá thực hiện Chiến lược quốc gia về TCTD với những nhiệm vụ và các giải pháp như: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn trực tiếp, online về giáo dục tài chính, đào tạo về ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiểu biết, năng lực tài chính, khả năng tiếp cận giúp phụ nữ có kiến thức, kỷ năng, thái độ, hành vi trong việc lựa chọn, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, quản lý tài chính cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp một cách hiệu quả, hợp lý và an toàn. Khuyến khích phụ nữ ứng dụng công nghệ trong sử dụng các dịch vụ TCTD, trong hoạt động kinh doanh và sinh kế. Phát triển, mở rộng các mô hình phối hợp, mô hình liên kết giữa Hội LHPN các cấp, giữa các tổ chức, chương trình dự án tài chính vi mô với các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính như ngân hàng, bảo hiểm nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận dịch vụ TCTD cho phụ nữ.
Mở rộng phối hợp với cơ quan, ngành chức năng để thí điểm, cải tiến, phát triển các mô hình tiết kiệm mới có ứng dụng công nghệ nhằm góp phần tăng khả năng tiết kiệm của phụ nữ và tăng hiệu quả quản lý chương trình. Nâng cao chất lượng tham gia xây dựng, đề xuất và giám sát việc thực hiện luật pháp chính sách về TCTD có tác động đến phụ nữ, các hộ nghèo, cận nghèo. Kiểm tra, giám sát, đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ Hội LHPN các cấp trong quản lý vận hành và giám sát các mô hình tín dụng, tiết kiệm do Hội LHPN các cấp trực tiếp quản lý và điều hành.
Duy trì thành tích là tổ chức đạt “6 nhất” trong hoạt động ủy thác với Ngân hàng CSXH. Nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng - tiết kiệm tại các chi hội, tổ phụ nữ đảm bảo an toàn và tăng trưởng; chấn chỉnh kịp thời những trường hợp mô hình chưa đúng hướng dẫn của Hội; kịp thời báo cáo chính quyền địa phương và ngành chức năng khi phát hiện những trường hợp cố tình làm sai hướng dẫn. Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách và tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn để cải thiện điều kiện sống, giúp phụ nữ không rơi vào bẫy “tín dung đen” góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.