Mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Quảng Nam

Hỗ trợ sinh kế phù hợp
Tây Giang và Đông Giang là 02 huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam, có thành phần dân tộc chủ yếu là người Cơ tu, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm trên 43%, dân cư sống phân tán, là 02 huyện thưa dân nhất Quảng Nam.
Từ nguồn kinh phí 1 tỷ đồng được phân bổ theo Quyết định số 3620/QĐ-UBND ngày 29/12/2022 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc phân bổ kinh phí sự nghiệp thực hiện Dự án 2 thuộc CTMTQG Giảm nghèo bền vững do Hội LHPN tỉnh chủ trì thực hiện. Trên cơ sở khảo sát nhu cầu các huyện miền núi, Hội LHPN tỉnh Quảng Nam đã lựa chọn 04 xã thuộc 02 huyện Tây Giang và Đông Giang làm địa bàn triển khai thực hiện mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng với tên gọi “Dự án nuôi Heo đen bản địa sinh sản. Heo đen là một trong những giống heo bản địa được nuôi từ lâu tại các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh. Trước đây phần lớn người dân nuôi theo hình thức quản canh, không đầu tư chăm sóc, thậm chí thả rông và mục đích chính là cung cấp nguồn thực phẩm tại chỗ cho gia đình. Những năm gần đây, trước nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thịt heo đen khá lớn trên thị trường cũng như yêu cầu bảo tồn và phát triển giống heo đen đặc sản bản địa này, Hội LHPN tỉnh tập trung hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa.
Hội LHPN tỉnh xác định mục tiêu dự án góp phần giảm số lượng hộ nghèo và tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập của hộ gia đình tham gia dự án, 100% hộ tham gia dự án thoát nghèo bền vững. Ngoài hiệu quả kinh tế, dự án còn có ý nghĩa về xã hội và môi trường rất tích cực như: thay đổi nhận thức và tập quán canh tác của người dân, từ manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.
Là đơn vị chủ trì thực hiện, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát và lựa chọn 40 hộ phụ nữ để triển khai mô hình. Các hộ được chọn là hộ phụ nữ người dân tộc thiểu số, trong đó hộ nghèo chiếm 60. Mức hỗ trợ cho mỗi hộ là 05 con/hộ (01 heo đực giống và 04 heo nái sinh sản); thức ăn hỗn hợp hỗn hợp, vắc xin, thuốc, chế phẩm sinh học; cán bộ thú y xã trực tiếp đến tận hộ gia đình hướng dẫn thực hiện dự án cho đến khi có kết quả.
Quá trình cấp heo giống, do trên địa bàn xảy ra dịch tả lợn Châu Phi sau một tháng cấp heo nên có 06 hộ có heo chết do ảnh hưởng lây truyền nhiễm bệnh. Hiện, 34 hộ còn lại heo phát triển và sinh sản tốt, đa số heo đã đẻ đợt 2, 3 với số lượng heo con nhiều.
Góp phần giảm nghèo bền vững
Để dự án được triển khai hiệu quả, Hội LHPN tỉnh chú trọng tuyên truyền chiến lược giảm nghèo chuyển từ đầu tư giảm nghèo theo diện rộng sang đầu tư giảm nghèo theo chiều sâu; thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho hộ dân nghèo, người đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Tây Giang và Đông Giang, hình thành vùng sản xuất, chăn nuôi, tạo động lực phát triển, hộ gia đình tham gia đóng góp bằng ngày công lao động, tài sản, hiện vật hoặc tiền; từng bước xóa bỏ tư tưởng hỗ trợ cho không. Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh trực tiếp theo dõi, tổ chức kiểm tra, giám sát dự án phát triển sản xuất cộng đồng tại 40 hộ dân tham gia dự án.
Dự án có tác động rất lớn đến cơ hội giảm nghèo của hộ gia đình trên địa bàn miền núi, góp phần tăng cơ hội thoát nghèo cho các hộ, tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững nhằm thực hiện mục tiêu chung của Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế vốn có của địa phương để sản xuất, ổn định, bền vững, hạn chế việc du canh - du cư, phát rừng làm nương rẫy ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp; các hộ tham gia dự án có điều kiện thay đối tập quán sản xuất cũ kém hiệu quả, thay đổi phương thức sản xuất giản đơn, sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giảm nghèo bền vững và có điều kiện vươn lên làm giàu; hình thành ý thức phấn đấu vươn lên thoát nghèo trong cộng đồng dân cư. Lợn đen bản địa phát triển rất chậm do thức ăn của chúng chủ yêu là chuối rừng, rau, cỏ, củ sắn..nên nuôi từ 9 - 10 tháng, hoặc có khi đến 1 năm mới đạt trọng lượng 30-40kg/con nhưng bù lại giá của heo đen bản địa rất cao, mỗi con heo đen trọng lượng 30 - 40 kg có thể bán từ 3 - 5 triệu đồng.