Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh, Quảng Nam lan tỏa phong trào phụ nữ khởi nghiệp
- Quảng Nam: Phụ nữ “tiếp sức” để phát triển hiệu quả kinh tế tập thể
- Bắc Ninh: Tiếp nhận 1.102 ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Đề án 939, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã chủ động, sáng tạo triển khai nhiều mô hình, hoạt động phù hợp điều kiện từng địa phương, giúp hội viên, phụ nữ tự tin khởi nghiệp, biến những thử thách thành cơ hội, mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, khẳng định được vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ khảo sát, đánh giá thực trạng nhu cầu phụ nữ khởi nghiệp, có ý tưởng khởi nghiệp tại địa phương; tổ chức hướng dẫn hội viên phụ nữ cách xây dựng ý tưởng kinh doanh, tổ chức cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh” cấp tỉnh, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực kinh doanh, khởi nghiệp cho phụ nữ có ý tưởng kinh doanh khả thi; hỗ trợ pháp lý, xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ. Tổ chức các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm; phát hiện, giới thiệu các dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh, bền vững. Bên cạnh đó, Hội cũng đã lựa chọn nội dung hoạt động và xây dựng mô hình thí điểm phù hợp với điều kiện và đặc thù của từng đơn vị, trong đó chú trọng hoạt động hỗ trợ phụ nữ sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, góp phần thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP).
Tính đến nay các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã tiếp nhận 1.102 ý tưởng phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. 100% ý tưởng đã tiếp nhận được hỗ trợ, giúp đỡ theo nhu cầu cụ thể dưới các hình thức như hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ nguồn “Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp” của tỉnh, tập huấn kiến thức, liên kết hoạt động sản xuất – tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, tiếp cận chính sách hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh… Đặc biệt, phối hợp tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp, các nhà bán lẻ liên kết tiêu thụ sản phẩm minh bạch cho phụ nữ khởi nghiệp của tỉnh.
Từ năm 2018 đến nay, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã giúp được 181 lượt dự án phụ nữ khởi nghiệp được vay vốn từ nguồn Ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng số vốn đã giải ngân là 90 tỷ đồng; lũy kế vốn vay đã giải ngân là 135,3 tỷ đồng.
Trong khuôn khổ của Đề án, các cấp Hội phụ nữ đã tư vấn giúp đỡ, hỗ trợ thành lập được 16 HTX với 172 thành viên, 17 Doanh nghiệp do nữ làm chủ, 57 tổ liên kết với 1054 thành viên tham gia, trong đó có 13 HTX và 26 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ được hỗ trợ vay vốn, các dự án Phụ nữ khởi nghiệp đã góp phần tạo việc làm cho 965 lao động tại địa phương (trong đó có 734 lao động nữ và 231 lao động nam ). Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế do phụ nữ tham gia khởi nghiệp đã đạt được hiệu quả như: mô hình Gà lai Đông Tảo tại xã Đại Lai, mô hình Rau an toàn tại xã Quỳnh Phú, huyện Gia Bình; HTX may Phú Hoà huyện Lương Tài; các mô hình trang trại chăn nuôi lợn sạch tại huyện Quế Võ, Thuận Thành…
Hội LHPN tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn hội viên phụ nữ tham gia cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh” do TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Kết quả, tham dự vòng chung kết ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc năm 2018 có nhiều ý tưởng đạt giải cao: Cơ sở giáo dục Mầm non tư thục Bình Minh - Từ Sơn vào TOP 5 ý tưởng xuất sắc nhất toàn quốc, với giá trị giải thưởng là 100 triệu đồng; HTX trồng nấm và rau sạch Tâm Bình, huyện Tiên Du vào TOP 20 ý tưởng xuất sắc nhất toàn quốc, với giá trị giải thưởng là 50 triệu đồng. Năm 2020, HTX dịch vụ tổng hợp Minh Ngọc, huyện Gia Bình với dự án “Trồng nấm rơm theo hướng công nghiệp” đã đạt giải Triển vọng, với mức giải thưởng 30 triệu đồng. Năm 2022, có 1 tập thể và 3 cá nhân được TW Hội LHPN Việt Nam trao tặng Giải thưởng “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” với mức thưởng từ 10-25 triệu đồng/Dự án...
- Quảng Nam: Phụ nữ “tiếp sức” để phát triển hiệu quả kinh tế tập thể
Cuối năm 2022, tỉnh Quảng Nam có 578 Hợp tác xã (HTX), 1 Liên hiệp HTX; bao gồm 373 HTX nông nghiệp, 33 HTX công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, 124 HTX thương mại - dịch vụ, 3 Quỹ Tín dụng nhân dân. Trong đó, HTX do Phụ nữ quản lý 123. Đồng thời, có gần 2.840 Tổ hợp tác (THT) hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải, dịch vụ, du lịch... Trong đó, THT do Phụ nữ làm chủ chiếm 43%. Hiện có trên 200 HTX, THT tham gia chương trình OCOP và có nhiều sản phẩm được công nhận 3 sao, 4 sao. Bằng tâm huyết và sáng tạo không ngừng, những năm qua, các HTX trong tỉnh đã đưa ra thị trường sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng, có thương hiệu, tạo dựng chỗ đứng vững chắc góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, khôi phục sản phẩm truyền thống, sản phẩm làng nghề tỉnh Quảng Nam.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương (bên phải) tặng tranh lưu niệm cho HTX Best One phường An Phú, TP. Tam Kỳ nhân chuyến công tác tại Quảng Nam (7/2022)
Đã có nhiều HTX, THT do Phụ nữ quản lý đã mạnh dạn chuyển đổi, lựa chọn mô hình phù hợp như: xây dựng sản phẩm OCOP, sản xuất kinh doanh gắn chuỗi giá trị, tự chủ hoạt động, tạo dựng thương hiệu, đẩy mạnh xây dựng Website, kênh phân phối online, đào tạo nhân lực có nghiệp vụ bán hàng và Marketing, thiết lập hệ thống phân phối và đại lý tiêu thụ trên toàn quốc. Các chị em thường xuyên tìm kiếm đối tác tiềm năng, ký kết đơn hàng lớn với giá trị cao, từ đó nâng cao giá thu mua góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.
Chị Bùi Thị Tuyết Nhung, Giám đốc HTX Best One (phường An Phú, TP. Tam Kỳ) đã biến những ý tưởng ban đầu thành những sản phẩm từ quả nhàu được khách hàng đánh giá cao. Hiện nay, HTX đã sản xuất, chế biến ra gần 10 sản phẩm từ nhàu lát khô, bột nhàu, trà nhàu túi lọc, viên nhàu, nhàu tươi ngâm mật ong, nước cốt nhàu, nước cốt nhàu vị dứa, rượu nhàu, muối chườm thảo dược. Trong đó, “Bột nhàu” được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao tỉnh Quảng Nam. HTX cũng đã giải quyết việc làm cho 15 lao động tại địa phương; thu nhập của mỗi lao động bình quân 6 triệu đồng/tháng.
Chị Lê Thị Ngọc Tầm, Giám đốc HTX Ngọc Lan linh hoạt ứng dụng chuyển đổi số vào marketing và bán hàng để phát triển bền vững
Chị Lê Thị Ngọc Tầm, Giám đốc HTX Ngọc Lan (thôn Hòa Trung, xã Tam Thanh, TP. Tam Kỳ) rời bỏ công việc với mức thu nhập ổn định và chế độ đãi ngộ tốt tại tập đoàn lớn để trở về giữ gìn truyền thống, văn hóa bản địa là phát triển làng nghề nước nắm của địa phương. Với tiêu chí "an toàn, chất lượng", HTX đã xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, đa dạng mẫu mã để nước mắm Ngọc Lan phù hợp hơn với yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.Lần đầu tiên, huyện miền núi cao Bắc Trà My có sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao cấp tỉnh, đó là sản phẩm Tinh dầu quế của HTX quế Trà My Minh Phúc do chị Nguyễn Thị Việt khởi nghiệp trên nền tảng tài nguyên bản địa. HTX đã tạo ra nhiều sản phẩm hỗ trợ tốt trong việc điều trị cảm lạnh, cảm cúm và ho; khử mùi, xua đuổi côn trùng; chăm sóc răng miệng; sử dụng trong dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, dưỡng da, cải thiện khả năng tiêu hóa của cơ thể. Ngoài tinh dầu quế, HTX còn có nhiều sản phẩm khác như bột quế, dầu xoa, dung dịch sát khuẩn, dung dịch xịt phòng, dầu xoa bóp, quế vỏ, nước lau sàn… Tinh dầu quế Minh Phúc được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp Chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và được bảo hộ thương hiệu trên toàn quốc kể từ năm 2011.