Giải nhất dự án khởi nghiệp bằng bột rau sấy lạnh
Bạn Nguyễn Ngọc Hương – Chủ dự án Bột rau sấy lạnh (TP.HCM) đã xuất sắc đạt giải nhất cuộc thi
Dự án của cô gái trẻ Nguyễn Ngọc Hương (TP.HCM) đạt giải nhất vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn 2019 do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) phối hợp cùng Ban Thanh niên nông thôn của Trung Ương Đoàn tổ chức tại TP.HCM ngày 25/11.
Dự án của Ngọc Hương vượt qua 29 dự án đến từ 22 tỉnh, thành là Lâm Đồng, An Giang, Đồng Tháp, Lào Cai, Sơn La, Cao Bằng, Hòa Bình, Hưng Yên, Lạng Sơn, Nghệ An, Thanh Hóa, Yên Bái, Long An, Vĩnh Long, Bến Tre, Hậu Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Đắk Nông, Vũng Tàu, Đắk Lắk và TP.HCM. Nhờ ưu điểm của sản phẩm là sử dụng nguyên liệu ( chủ yếu từ các loại rau ăn lá) khó bảo quản được lâu, có giá trị dinh dưỡng và được đánh giá hoàn toàn có tiềm năng về thương mại quốc tế.
Ngoài bằng khen của Trung ương (TW) Đoàn, Nguyễn Ngọc Hương sẽ nhận giải thưởng trị giá 50 triệu đồng và được hỗ trợ vốn vay tối đa 1 tỷ đồng tiền từ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm.
Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn 2019 năm nay có chủ đề “Phát triển tài nguyên bản địa bằng ứng dụng công nghệ”. Ngoài sản phẩm bột rau đạt giải nhất, cuộc thi năm nay còn có rất nhiều các sản phẩm nông sản được các star up áp dụng đổi mới công nghệ vào sản xuất.
Chẳng hạn, snack dinh dưỡng cao từ cá da trơn (Đồng Tháp) của Trương Lê Huy Hoàng (đạt giải nhỉ); sản xuất mật dừa nước và các sản phẩm có giá trị từ dừa nước (TP.HCM); son môi dừa với vỏ son gỗ thân thiện môi trường của Nguyễn Thị Ngọc Như (Bến Tre)...
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, thành viên ban giám khảo đánh giá, hầu hết các dự án đã biết sử dụng nguồn nguyên liệu từ tài nguyên bản địa của quê hương mình. Cộng thêm ứng dụng công nghệ trong chế biến, nuôi trồng nông sản làm gia tăng giá trị nguồn tài nguyên quê hương.
Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, những dự án góp mặt ở chung kết năm nay đều đã được hiện thực hóa, sản xuất ra sản phẩm, có tính thương mại hóa cao. Đặc biệt, với tuổi trẻ của mình, các bạn khi bước chân vào khởi nghiệp rất tâm huyết trong việc xây dựng dự án, phát triển sản phẩm ra thị trường. Sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các đội thi đã bắt đầu ý thức quan tâm các chứng thực về sản phẩm, thành phần trong sản phẩm thông qua các xét nghiệm, kiểm nghiệm và đã cung cấp cho ban tổ chức.
Được triển khai từ tháng 4/2019, cuộc thi Dự án khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo thanh niên nông thôn 2019 thu hút đông đảo thanh niên tham gia. Nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức Cuộc thi ở cấp tỉnh và lựa chọn ra những dự án tiêu biểu nhất gửi về Ban tổ chức để tham gia cuộc thi. Trong 3 tháng phát động, Ban Tổ chức nhận được 225 dự án tham gia đến từ 48 tỉnh, thành trên cả nước. 105 dự án đáp ứng được tiêu chí, có tính khả thi được chọn vào vòng bán kết. Các địa phương có số lượng nhiều dự án góp mặt ở bán kết gồm: Hậu Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, TP.Hà Nội, An Giang và Bắc Kạn, Sơn La, TP.HCM.
Khác với 4 mùa thi trước, vòng chung kết năm nay có nhiều chương trình đồng hành, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp. Trong đó có chương trình “Kết nối cung cầu”, giúp các dự án khởi nghiệp kết nối trực tiếp với các siêu thị, hệ thống bán lẻ. Chia sẻ kinh nghiệm về tiêu chuẩn để đưa nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới thông qua sản thương mại điện tử; Giao lưu với các dự án đoạt giải của cuộc thi trong các năm…