Cô gái dân tộc Cờ Lao khát vọng làm giàu trên quê hương Đồng Văn
Với khát vọng làm giàu trên quê hương, Lưu Thị Hòa, người dân tộc Cờ Lao (thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, Hà Giang) quyết tâm khởi nghiệp với nông nghiệp sạch. Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ do cô gái trẻ sáng lập cũng là mô hình đầu tiên của đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp từ nông nghiệp.
Bỏ phố về núi
Hòa có bố là người dân tộc Cờ Lao, mẹ là người Pu Péo. Từ nhỏ, bố mẹ đã định hướng cho cô theo con đường học tập. Vì thế, tốt nghiệp trung học phổ thông, Hòa thi vào khoa Quốc tế học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Ra trường, Hòa đã có 2 năm làm cho các tập đoàn trong và ngoài nước ở vị trí marketing. Bên cạnh đó, việc sinh sống và học tập tại thủ đô Hà Nội nhiều năm cũng giúp cô gái trẻ được tiếp cận nhiều với khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, tình yêu nông nghiệp, sự thấu hiểu những khó khăn của đồng bào dân tộc ở quê hương đã khiến Hòa quyết định từ bỏ môi trường làm việc hiện đại, chọn cho mình con đường đi riêng.
“Mình sinh ra và lớn lên ở mảnh đất còn nhiều gian khó nên hiểu nỗi nhọc nhằn của bà con dân tộc. Cùng với sự hiểu biết về sản xuất kinh doanh nông nghiệp, sạch, hiện đại sau nhiều năm sinh sống tại Thủ đô, khiến mình có ý tưởng thành lập hợp tác xã để khởi nghiệp từ nông nghiệp. Mình hi vọng hướng đi này sẽ giúp nền nông nghiệp quê hương phát triển, mang lại cuộc sống ấm no hơn cho bà con” – Hòa chia sẻ.
Tuy nhiên, để biến ý tưởng thành thực tế, Hòa đã phải trải qua rất nhiều khó khăn. Trong đó, việc đầu tiên cô gái trẻ phải làm là thuyết phục gia đình đồng ý với quyết định của cô. Bên cạnh đó, dù điều kiện tự nhiên khí hậu, thổ nhưỡng của mảnh đất Đồng Văn thích hợp cho nhiều rau củ quả… phát triển, được nhiều du khách ưa dùng nhưng sản xuất nông nghiệp của bà con lại manh mún, nhỏ lẻ. Hơn nữa, việc sản xuất thủ công không theo quy trình cũng là hạn chế lớn.
Với quyết tâm làm đến cùng, tháng 10/2017, Hòa thành lập Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ với 7 thành viên, đều là người dân tộc thiểu số. Có người chúc mừng nhưng cũng không ít người tò mò xem cô gái trẻ sẽ có những bước đi như thế nào?
Xây dựng quê hương
“Mình không có kiến thức về nông nghiệp nhưng lại hăm hở lao vào sản xuất, xây dựng hệ thống trồng rau an toàn. Điều này khiến mình phải trả giá khi rau trồng bị hư hỏng nhiều dẫn đến sản lượng thấp. Mình buồn nhưng đã nghiêm túc nhìn nhận lại điểm mạnh yếu của bản thân để có bước đi đúng đắn” – Hòa chia sẻ.
Với kiến thức, kinh nghiệm về marketing có được khi làm việc ở Hà Nội, Hòa bắt đầu lại bằng việc tập trung vào định hướng và tham khảo thị trường với các sản phẩm: Mật ong hoa Bạc hà, cây ăn quả lâu năm (lê, đào, mận) và rau củ ngắn ngày (củ cải, bắp cải, đậu tằm, rau hà lan, cải mèo, gừng đồi,…). Bên cạnh đó, Hòa và các thành viên trong Hợp tác xã cũng tích cực tham gia vào các hội chợ triển lãm tại nhiều vùng miền để tham khảo thị trường và hoàn thiện sản phẩm: Tuần lễ Cam sành và quà tặng Noel; hội chợ Liên minh hợp tác xã các tỉnh Đông Bắc; triển lãm OCOP tại Quảng Ninh; hội chợ giới thiệu sản phẩm địa phương của Liên minh hợp tác xã Việt Nam…
Với những bước đi đó, Hợp tác xã dần ổn định sản xuất và đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, quy mô của Hợp tác xã có 5.700m2 nông trại với quy trình khép kín, trồng, sản xuất, kinh doanh một số nông sản, đặc sản, như: Mật ong bạc hà, cây ăn quả lâu năm, rau củ ngắn ngày… và bước đầu đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại. Bên cạnh đó, chuỗi cửa hàng “Về bản” tại Hà Nội cũng kinh doanh ổn định và là nơi trưng bày giới thiệu và kết nối các sản phẩm đặc sản Hà Giang. Hiện mô hình cho tổng doanh thu 2 tỉ đồng/ năm, tạo việc làm cho 12 lao động.
“Khai thác tiềm năng bản địa, vừa là tôn chỉ vừa là động lực để mình cố gắng không ngừng mỗi ngày. Mình hi vọng, bản thân có thể góp một phần công sức nhỏ bé cho nông nghiệp và đồng bào ở quê hương” – Hòa tâm sự.
Với suy nghĩ đó, thời gian tới Hòa sẽ tập trung vào khai thác yếu tố văn hóa, du lịch từ nền tảng thế mạnh địa phương kết hợp nông trại đã xây dựng. Cô cũng cố gắng hoàn thiện cơ sở vật chất, liên kết đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực tham gia vào mô hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp. Trong đó, Hòa sẽ chú trọng việc bảo tồn và phát huy những nét đặc sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là dân tộc ít người như Pu Péo.
Theo Hòa, dự án được thực hiện thành công sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng về các mặt: kinh tế, văn hóa, xã hội. Cụ thể, dự án sẽ tạo việc làm cho các thành viên và nhiều lao động; thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, góp phần làm tăng trưởng nền kinh tế của địa phương. Bên cạnh đó, dự án còn góp phần hạn chế hiện tượng người dân bỏ nhà sang Trung Quốc làm thuê, tạo ra một mô hình kiểu mẫu làm động lực cho thanh niên khác tại địa phương mạnh dạn vay vốn khởi nghiệp từ chính những nguồn tài nguyên tại quê hương… Ngoài ra, các sản phẩm của Hợp tác xã còn góp phần phủ xanh đất trống, tạo diện mạo mới cho phố thị bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.
“Du lịch đang là thế mạnh của Hà Giang. Một mô hình du lịch mới sẽ là yếu tố thu hút du khách nhiều hơn. Để hoàn thành dự án mình sẽ phải nỗ lực rất nhiều nhưng mình tin nó sẽ góp phần làm cho đời sống đồng bào dân tộc thêm ấm no” – Hòa cho biết.