Cao Bằng: Cán bộ phụ nữ làm "dân vận khéo"
Chị Nông Thị Toàn, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Bản Bó, xã Thái Học (Bảo Lâm).
Qua theo dõi và nắm bắt thông tin từ cơ sở, tôi đến thăm chị Nông Thị Toàn, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Bản Bó, xã Thái Học (Bảo Lâm). Với kinh nghiệm 12 năm làm chi hội trưởng (từ năm 2007), chị Toàn đã tuyên truyền, vận động hội viên xây dựng được nhiều mô hình sáng tạo, đạt hiệu quả.
Chi hội Phụ nữ xóm Bản Bó có 90 hội viên tham gia sinh hoạt. Những năm qua, với vai trò là chi hội trưởng, chị Toàn đã tổ chức sinh hoạt hội định kỳ cho hội viên theo Điều lệ Hội; phối hợp với các ban, đoàn thể xóm tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; triển khai thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua và các nhiệm vụ trọng tâm của Hội, đặc biệt là thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Với khả năng truyền đạt mộc mạc nhưng cuốn hút, chị đã thu hút hội viên tham gia các buổi sinh hoạt Hội. Bản Bó là xóm còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, đa phần hội viên là nông dân, thuộc hộ nghèo nên chị Toàn luôn trăn trở cần đưa việc học tập và làm theo Bác theo cách nào, triển khai mô hình nào sẽ phù hợp. Chị đã họp và thống nhất với Ban Chấp hành Chi hội lấy ý kiến triển khai xây dựng mô hình "Hũ gạo tình thương". Nghe chị phân tích, giải thích rõ ràng mục đích, ý nghĩa của việc thành lập mô hình, hội viên đã đồng tình ủng hộ. Tháng 3/2016, mô hình "Hũ gạo tình thương" của Chi hội được thành lập. Với quy định mỗi kỳ sinh hoạt Hội, hội viên đóng góp ít nhất 1 sữa gạo trở lên, số gạo thu được cuối buổi, chi hội sẽ hội ý, thống nhất hỗ trợ ngay cho các gia đình hội viên đang gặp khó khăn, hoạn nạn. Mỗi năm chi hội đóng góp được gần 100 kg gạo, kịp thời hỗ trợ nhiều hộ hội viên lúc khó khăn, giáp hạt.
Nhạy bén trong việc nắm bắt nhu cầu thị trường, chị vận động hội viên gây quỹ bằng hình thức làm thuê như: trồng ngô, ươm bầu cây giống, cấy thuê, gặt thuê…, hội viên thấy phù hợp và hăng hái tham gia. Khi đã có quỹ, chị Toàn lại suy nghĩ làm sao để số tiền quỹ này có thể sinh lời cho chi hội. Qua tìm hiểu nhu cầu của xóm và các xóm lân cận, chị cùng Chi hội quyết định dùng tiền quỹ để mua bát đĩa cho thuê. Qua hơn 2 năm thực hiện, số tiền cho thuê bát đĩa đã thu được gần 20 triệu đồng và được sử dụng thăm ốm, khen thưởng hằng năm, tặng quà thiếu nhi vượt khó học giỏi nhân dịp 1/6 và Tết Trung thu.
Có kinh phí hoạt động lại thêm người đứng đầu sáng tạo, mỗi dịp lễ, Chi hội Phụ nữ xóm Bản Bó tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, không chỉ thu hút hội viên mà cả nhân dân trong xóm đến xem, cổ vũ.
Do xóm không có hội hiếu nên chị Toàn tiếp tục vận động chị em thành lập mô hình "Giúp nhau trong việc hiếu" bằng các hình thức như: Ngày công giúp đỡ đám hiếu, góp gạo, củi… Bằng những việc làm cụ thể đã góp phần chia sẻ khó khăn cho gia đình hội viên, phụ nữ trong chi hội.
Ngoài ra, được sự tín nhiệm của các tổ viên, chị Toàn được bầu làm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội phụ nữ quản lý. Chị luôn làm tốt nhiệm vụ của mình, hằng tháng thu lãi đầy đủ. Hiện nay tổ có dư nợ hơn 238 triệu đồng với 59 thành viên.
Không chỉ nhiệt tình, hăng say với công tác Hội, chị Toàn luôn gương mẫu trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Chị đã áp dụng kỹ thuật, giống mới vào chăn nuôi, sản xuất. Ngoài trồng ngô, lúa, gia đình chị trồng cỏ voi, chuối để phát triển chăn nuôi lợn thịt, lợn nái, nuôi gà, vịt và ao cá để phục vụ nhu cầu của gia đình và xuất bán; tranh thủ những ngày chợ phiên, chị còn làm bánh cuốn, đậu phụ, bán rau xanh.. Thu nhập của gia đình trung bình trên 150 triệu đồng/năm. Gia đình chị luôn đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa", chị Toàn nhiều năm liền được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, huyện tặng bằng khen, giấy khen phụ nữ tiêu biểu. Năm 2018, chị được UBND tỉnh tặng Bằng khen điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2018.
Tin rằng, với những nỗ lực của mình, chị Toàn sẽ có nhiều cách làm hay hơn nữa để triển khai thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua và các nhiệm vụ trọng tâm của Hội, ngày càng thu hút được nhiều hội viên, phụ nữ tham gia tổ chức Hội. Chị thực sự xứng đáng là tấm gương “dân vận khéo” để cán bộ Hội các cấp học tập. Những việc làm cụ thể, thiết thực của chị Toàn một lần nữa chứng minh sự đúng đắn, bài học mang tính tư tưởng thời đại của Bác về dân vận “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.