Tuổi cao vẫn tình nguyện lên tuyến đầu
Một thời áo trắng, rừng xanh
Mặc dù bà đã 86 tuổi nhưng nét xuân sắc của thời con gái dường như vẫn không bị bụi thời gian che lấp. Đón chúng tôi tại nhà riêng trong một buổi sáng đầu đông, những năm tháng cuộc đời cuồn cuộn trở về theo ký ức của bà...
Trần Thị Thục Oanh sinh năm 1935, là con gái út trong gia đình nhà Nho yêu nước quê gốc ở xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Cuối năm 1947, Pháp mở chiến dịch tấn công lên Việt Bắc. Theo lệnh của trên, phải bảo đảm vững chắc các lực lượng ở an toàn khu. Hôm ấy, đoàn cán bộ trong đó có bố của Thục Oanh là đảng viên Trần Ngọc Trí đang trong cuộc họp tại nhà bên bờ sông Lô thì giặc Pháp ập đến. Ông Trí và một đồng chí không chạy kịp nên bị địch bắt. Chúng còn châm lửa thiêu rụi toàn bộ ngôi nhà rồi đưa hai người bị bắt đem đi tra tấn. Ba ngày sau, ngày 23-10-1947, chúng bắn chết bố Thục Oanh tại làng Ngọc Trúc ở ngã ba Đoan Hùng. Khi chị em Thục Oanh chạy từ trong rừng về chỉ thấy ngôi nhà mình còn lại đống tro tàn. Thục Oanh đã một mình chạy dọc đoạn sông Lô vừa khóc vừa tìm xác bố nhưng chẳng thể thấy.
Địch khủng bố nên dân làng đi lánh nạn cả. Bản làng tan hoang, vắng lặng. Chị em Thục Oanh bơ vơ không nhà, không cửa, cuộc sống vô cùng khó khăn, phải bươn chải kiếm sống với hai bàn tay trắng. Dù thiếu thốn, vất vả là vậy nhưng hai chị em thương yêu, nương tựa vào nhau. Thục Oanh còn học hết bậc trung học phổ thông. Sau khi tốt nghiệp, được tin huyện mở lớp y tá, có thêm tiêu chí biết tiếng Pháp để có thể đọc tên thuốc, thế là Thục Oanh được đi học.
Học xong lớp y tá năm 1951, Thục Oanh xin nhập ngũ vào Quân y Viện 6 (nay là Bệnh viện Quân y 6, Cục Hậu cần, Quân khu 2) đóng quân ở xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ). Cô làm nhiệm vụ y tá, hộ lý phục vụ thương binh, bệnh binh ở các chiến dịch Tây Bắc, Hòa Bình chuyển về Quân y Viện 6-tuyến cuối ở hậu phương lúc bấy giờ. Năm 1954, ta mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, Quân y Viện 6 chuyển lên đóng quân tại Âu Lâu, Yên Bái. Thục Oanh được phân công cùng một số ít anh chị em chia đi các đội điều trị. Cô đi theo Đội điều trị 3 do bác sĩ Bửu Triều làm đội trưởng từ Âu Lâu đi Ba Khe, Lũng Lô, Cò Nòi, đèo Pha Đin... Cứ như vậy, Thục Oanh-cô y tá xinh đẹp vừa công tác, vừa học tập từ nhà trường đến chiến trường rồi về lại nhà trường để trở thành y sĩ, rồi bác sĩ.
Ngày 31-12-1965, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Quân y Viện 211 (nay là Bệnh viện Quân y 211, Quân đoàn 3), phục vụ chiến trường Tây Nguyên và miền Nam, đồng thời điều động lực lượng từ các bệnh viện, đội điều trị để tăng cường. Thục Oanh lúc bấy giờ công tác ở Viện Quân y 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) tình nguyện lên đường. Tại đây, có những lúc Thục Oanh phải vượt sông Sekong sang đồn Đôn Phầy của Campuchia chữa bệnh cho dân, tạo mối thiện cảm để sau này hàng hóa của ta chuyển về phục vụ cho chiến trường Tây Nguyên dễ dàng hơn. Càng ngày, người dân quanh vùng đơn vị đóng quân đến khám, chữa bệnh càng nhiều, đến nỗi cô không thể nhớ nổi một ngày phải tiếp bao nhiêu bệnh nhân. Uy tín và tay nghề của cô ngày càng lan rộng.
Hồi đó, cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện Quân y 211 và Đoàn K20 đều không hiểu vì sao cô y sĩ Thục Oanh giỏi giang, xinh đẹp, đã ngoài 30 tuổi mà vẫn chưa lấy chồng và chẳng yêu ai. Thực ra, cô đã có mối tình kéo dài tới 13 năm. Người yêu cô tên Nguyễn Tâm, là chiến sĩ bộ binh. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, anh bị đạn địch bắn xuyên phổi, được đưa ra trạm cứu thương của Thục Oanh cứu chữa. Vết thương lành, hai người trở thành bạn, rồi tình yêu đến. Sau năm 1954, anh chuyển ngành về Hà Nội, Thục Oanh vẫn tiếp tục phục vụ quân đội, chuyển đơn vị rồi đi học, nên việc thành hôn phải lần lữa mãi.
CCB Trần Thị Thục Oanh (ngoài cùng, bên trái) tặng quà đồng đội có hoàn cảnh khó khăn tại Đại Từ, Thái Nguyên, tháng 1-2019.
Có lẽ đoán được suy nghĩ của chúng tôi khi cứ nhìn mái tóc bạc trắng của mình, bác sĩ Oanh kể: "Mùa khô năm 1967, trên đường hành quân, bỗng tôi thấy nước phun như mưa xuống. Mừng quá, tôi vội đưa tay ra hứng rồi xoa lên mặt cho mát. Khi đến chỗ dừng nghỉ, tôi kể chuyện rửa mặt bằng nước mưa cho đồng đội nghe. Trước ánh mắt bần thần lo lắng của mọi người, hỏi ra tôi mới biết đó không phải là nước mưa mà là chất độc hóa học máy bay Mỹ phun xuống. Vì thế, tôi bị nhiễm chất độc da cam mà không biết. Điều không ngờ là chỉ một tháng sau, tóc tôi đã bạc trắng".
Một tấm lòng vì đồng đội và cộng đồng
Có lẽ chính từ đó, sức khỏe của Thục Oanh yếu dần. Đến cuối năm 1968, không thể chống chọi được, cô buộc phải rời chiến trường. Ngày trở về Hà Nội định tính chuyện trăm năm với người yêu, chẳng ngờ cô lại nhận được tin Nguyễn Tâm đã mất năm 1967 do vết thương cũ tái phát. Đau đớn trong tim, cộng với sự tự ti vì sức khỏe không tốt do những ảnh hưởng của chất độc hóa học bị nhiễm trong thời gian ở chiến trường khiến cô không còn tâm trí nghĩ đến chuyện đôi lứa mà lao vào học tập. Nhận bằng bác sĩ chuyên khoa, cô về Tổng cục Hậu cần phục vụ. Cô rời quân ngũ trên cương vị là Trung tá, Chủ nhiệm Quân y Cục Ô tô-Máy kéo (nay là Cục Xe-Máy, Tổng cục Kỹ thuật).
Cuộc đời của bác sĩ Trần Thị Thục Oanh là một điển hình của những biến cố, thăng trầm bởi chiến tranh nhưng không vì thế mà bà bi quan, phó mặc cuộc đời. Không có chồng con nhưng nữ bác sĩ luôn nỗ lực phấn đấu, sống chan hòa tình cảm và lúc nào cũng đau đáu về những đồng đội cùng tham gia chiến trường Tây Nguyên năm xưa; về những nữ cựu thanh niên xung phong trên khắp mọi miền đất nước đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Với vai trò là Trưởng ban liên lạc nữ cựu chiến binh Quân y Viện 211-B3 Tây Nguyên, chỉ cần có một thông tin nào đó của đồng chí, đồng đội đang gặp khó khăn là bác sĩ Thục Oanh lại lên đường, lặn lội tìm đến tận nơi để giúp đỡ và chia sẻ. Chúng tôi được biết, bác sĩ Thục Oanh đã đón nhiều nữ thanh niên xung phong bị mắc bệnh hiểm nghèo ở Nghệ An, Hà Tĩnh ra Hà Nội cưu mang, chữa bệnh và chăm sóc như người thân trong gia đình. "Giờ tuổi cao, điều kiện sức khỏe không cho phép mình đến tận nơi, nhưng chỉ cần có địa chỉ cụ thể là mình gửi quà động viên chị em ngay", bà nói.
Ở tuổi xưa nay hiếm nhưng bà Thục Oanh còn rất minh mẫn và vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Bà thường xuyên dành những phần quà, tiền được dành dụm từ lương hưu và cho thuê một phần căn nhà đang ở của mình để làm việc nghĩa tình. Số tiền đến nay đã lên đến cả tỷ đồng. Khi dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020, bác sĩ Trần Thị Thục Oanh đã viết đơn tình nguyện tham gia phục vụ chống dịch. Bà tự tin khẳng định: "Mình có chuyên môn y tế, nó đã in hằn trong tiềm thức. Hơn nữa, dù tuổi cao nhưng mắt vẫn còn tinh, tai vẫn còn thính, thao tác chuyên môn tuy không nhanh bằng bác sĩ trẻ nhưng hẳn còn hữu ích ở một số việc. Nếu Tổ quốc cần, có chúng tôi!".
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, đợt vận động xây dựng Quỹ phòng, chống dịch Covid-19, bà Thục Oanh đã ủng hộ gần 100 triệu đồng trong nhiều đợt. Ngày 15-8-2021, bà Thục Oanh lại tặng 60 suất quà (mỗi suất trị giá 500.000 đồng) để phường Vĩnh Phúc hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong những ngày giãn cách. Nhận xét về bà, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó chủ tịch Thường trực Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh cho biết: “Đó là một hội viên đặc biệt của chúng tôi, một tấm gương kiên cường trong chiến tranh, một tấm lòng nhân hậu giữa cuộc sống đời thường!”.