Sơn La: Nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Điều này đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác PBGDPL, thể hiện đúng ý nghĩa công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, từ đó giúp cho cán bộ và Nhân dân tiếp cận thuận lợi, nắm bắt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước một cách nhanh chóng, qua đó nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng, tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật, đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và hạn chế hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền, PBGDPL trên mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến, mạng viễn thông, sóng phát thanh, truyền hình... là một hình thức phù hợp với thực tiễn và xu hướng tiếp cận thông tin trong điều kiện hiện nay. Thông qua MXH, người dân có thể dễ dàng tra cứu, tìm hiểu các quy định của pháp luật, bên cạnh đó người làm công tác tuyên truyền dễ dàng tiếp nhận những ý kiến phản biện, kiến nghị, từ đó tiếp thu, nghiên cứu và phản hồi cho người dân hiểu đúng, chính xác, góp phần định hướng dư luận xã hội.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong những năm qua, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã thành lập nhiều nhóm zalo để thực hiện nhiệm vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác Hội và phong trào phụ nữ, thông qua nhóm đã kịp thời triển khai các văn bản lãnh đạo của cấp trên đến cơ sở. Đồng thời tuyên truyền, đưa tin hoạt động của các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở, đến với hội viên và Nhân dân; thành lập trang Facebook của Hội phụ nữ các cấp trong tỉnh đã thu hút được hàng ngàn lượt theo dõi, ủng hộ của hội viên, của đông đảo cộng đồng mạng; chỉ đạo các cấp Hội, cán bộ, hội viên phụ nữ, cộng tác viên chủ động, tích cực trong viết tin, bài gửi đến các kênh thông tin truyền thông trong tỉnh và trung ương. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, PBGDPL không những làm gia tăng sự tương tác, trao đổi, mà còn chia sẻ thông tin đa chiều giữa cơ quan nhà nước với Nhân dân, doanh nghiệp qua hình thức tư vấn pháp luật trực tuyến hoặc hỏi đáp, đối thoại chính sách pháp luật.
Đến nay có 12/12 huyện, thành phố đã thành lập trang Facebook, nhóm Zalo của đơn vị. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mạng xã hội tại cơ quan Hội các cấp đang được thực hiện có hiệu quả, cơ sở vật chất đã được đầu tư trang bị đầy đủ, thuận lợi cho việc cập nhật các thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc một cách dễ dàng và thuận tiện. Qua đó, đội ngũ cán bộ, hội viên phụ nữ tận dụng ưu thế của môi trường internet, mạng xã hội để chia sẻ, cung cấp các thông tin, được kết nối, mở rộng mối quan hệ xã hội, tiếp nhận, chia sẻ, chọn lọc thông tin một cách hiệu quả; đồng thời, nắm bắt thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào hoạt động phong trào công tác Hội và phong trào phụ nữ; tuyên truyền phổ biến văn bản pháp luật mới được thông qua, các văn bản Luật có ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích chính đáng của hội viên, phụ nữ; lan tỏa gương người tốt. Rất nhiều cán bộ, đảng viên chủ động đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch bằng cách chia sẻ, tuyên truyền ngăn chặn và đẩy lùi những thông tin xấu, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, trong sạch trên không gian mạng.
Trong tháng 12/2024, Hội LHPN tỉnh đã thành lập thí điểm mô hình tập hợp phụ nữ trên không gian mạng với tên gọi “Phụ nữ Sơn La khoẻ, đẹp mỗi ngày”, với mục đích tập hợp, truyền cảm hứng đến hội viên, phụ nữ để cùng góp phần mang đến các giá trị tích cực, tạo nên cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho mọi người. Tại đây, chị em phụ nữ cùng bàn luận những góc nhìn đa chiều về mọi mặt của đời sống xã hội cũng như tham gia một sân chơi thú vị, trí tuệ và bổ ích. Đồng thời, mô hình có nhiệm vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản mới ban hành, chỉ đạo của Hội các cấp đến thành viên trong nhóm; phát huy tinh thần tương trợ, đoàn kết giữa các thành viên; vận động hội viên tham gia các hoạt động công tác Hội và phong trào phụ nữ.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong công tác PBGDPL, trong thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ tích cực triển khai một số giải pháp cơ bản sau:
- Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác triệt để lợi thế của công nghệ thông tin, mạng xã hội để thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, thiết thực, kịp thời, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm; thường xuyên xây dựng các chương trình, sản phẩm, tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để đăng tải trên Cổng/Trang thông tin điện tử, chia sẻ trên mạng xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Phát huy, nhân rộng các hình thức PBGDPL trên môi trường mạng, trên mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến, mạng viễn thông, sóng phát thanh, truyền hình, mạng lưới thông tin cơ sở, đẩy nhanh thực hiện số hóa các tài liệu PBGDPL cũng như biên soạn, đăng tải các ấn phẩm đa phương tiện về PBGDPL.
- Tiếp tục khai thác thế mạnh của công nghệ thông tin, trong đó, tăng cường giới thiệu văn bản luật mới; tổ chức hội nghị, hội thảo, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến; khuyến khích nhân dân tra cứu thông tin pháp luật qua các kênh, nhằm kết nối, chia sẻ thông tin. Từ đó, góp phần giúp công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành triển khai công tác PBGDPL thuận lợi, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, góp phần bảo vệ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
- Phối hợp mở các lớp đào tạo, tập huấn về kiến thức kinh doanh trên nền tảng số. Trong đó, giúp HVPN làm chủ các kỹ năng như: Xây dựng fanpage, quảng cáo trực tuyến, livestream trong quảng bá sản phẩm, kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội. Đến nay, hàng trăm HVPN đăng ký sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP trên sàn giao dịch thương mại điện tử, khai thác thế mạnh bán hàng online, quét mã truy xuất nguồn gốc...
- Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành; khai thác tối đa ưu thế mạng xã hội trong tổ chức các hoạt động; đầu tư ứng dụng các phần mềm mới trong hệ thống hội; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ Hội...góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công tác Hội, phong trào phụ nữ.