Quảng Ngãi: Chị Lê Thị Trích phát triển bánh tráng truyền thống thành sản phẩm OCOP

15/10/2024
Làng nghề truyền thống bánh tráng xã Đức Tân, huyện Mộ Đức hình thành cách đây 100 năm và lưu truyền từ đời này sang đời khác. Là truyền nhân đời thứ tư của gia đình, tiếp nối nghề làm bánh tráng, gia đình chị Lê Thị Trích (54 tuổi), thôn 1, xã Đức Tân - chủ cơ sở sản xuất bánh tráng Trích Nhị đã đưa sản phẩm bánh tráng của gia đình lên một tầm cao mới.
Cơ sở làm bánh tráng của chị Trích

Vào năm 2017 đến nay, vợ chồng chị Trích từng bước chuyển đổi toàn bộ quy trình sản xuất thủ công sang máy móc. Nhờ đó, cơ sở sản xuất bánh tráng Trích Nhị không chỉ tăng năng suất mà còn cải thiện đáng kể chất lượng bánh tráng làm ra, giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động. Cuối năm 2022, bánh tráng mang thương hiệu Trích Nhị đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Chị Trích chia sẻ, bánh tráng là một trong những món ăn đặc sản nổi tiếng gắn liền với nhiều tỉnh thành Việt Nam. Mỗi vùng miền đều có những hương vị đặc trưng, hấp dẫn riêng. Thế nhưng, bánh tráng Trích Nhị là món ăn có hương vị phù hợp với hầu hết mọi thực khách. Không phải ngẫu nhiên mà chiếc bánh tráng Trích Nhị lại tạo nên tên tuổi trên thị trường. Để làm ra được một chiếc bánh tráng thơm ngon phải trải qua từng công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của người thợ. Nguyên liệu được lựa chọn để sản xuất phải sạch, chất lượng, quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bánh tráng nơi đây là món quà dân dã được gói bọc cẩn thận làm quà cho người thân, bạn bè để thể hiện tình cảm, ơn nghĩa. Bánh tráng cũng hay được cha mẹ, ông bà mua rồi gói ghém chuyển cho con cháu mình khi đi học xa, đi làm xa như một món quà động viên tinh thần con cháu đi xa cố gắng học hành, làm ăn. Đây chính là món ăn giúp những người xa hương nhớ về quê hương thân yêu ruột thịt của mình.

Bánh tráng mang thương hiệu Trích Nhị đạt chứng nhận OCOP 3 sao

“Hiện cơ sở tôi duy trì 4 dòng bánh, mỗi ngày làm 2 tạ gạo, lợi nhuận 10 – 15 nghìn đồng/ kg gạo. Được sự quan tâm, hỗ trợ về vốn và chính sách của chính quyền địa phương, đầu năm 2024 tôi được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 100 triệu đồng để phát triển sản xuất”, chị Trích cho biết.

Theo Chủ tịch UBND xã Đức Tân Lê Đức Thiết, cơ sở sản xuất bánh tráng Trích Nhị là một trong những mô hình tiểu thủ công nghiệp được địa phương đánh giá cao về hiệu quả trong thu nhập và giải quyết việc làm cho lao động. Chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để cơ sở tham gia chương trình OCOP, đồng thời hỗ trợ trong quá trình triển khai thực hiện. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện để cơ sở tham gia các chương trình giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm do chính quyền các cấp tổ chức.

Như Đồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video