Phụ nữ Quảng Ninh tích cực xây dựng thương hiệu nông sản địa phương

19/09/2024
Nhận thức đầy đủ ý nghĩa, lợi ích của chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) đối với việc cải thiện kinh tế của người nông dân nói chung, hội viên phụ nữ nói riêng, các cấp Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, tích cực phát huy vai trò của phụ nữ tham gia với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cùng nhiều sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế cao.
Phụ nữ Quảng Ninh tích cực xây dựng thương hiệu nông sản địa phương

Hội Phụ nữ các cấp tại các địa phương khuyến khích chị em hội viên tích cực tham gia chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP), mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng những kỹ thuật nuôi trồng mới, từ đó tạo ra những đặc sản nông sản của tỉnh quảng bá tới bạn bè trong và ngoài nước.

Đồng hành và tạo thêm cơ hội giúp chị em phụ nữ dân tộc vươn lên làm kinh tế, các cấp Hội tranh thủ vận động và kết nối nguồn lực để tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Nhiều mô hình hay đã xuất hiện và phát triển tốt trong quá trình xây dựng nông thôn mới và phát triển sản phẩm OCOP của địa phương.

Với đặc thù về đất đai, khí hậu và con người, những vùng miền núi của Quảng Ninh có rất nhiều sản vật nổi tiếng. Trong đó, huyện Bình Liêu của Quảng Ninh là vùng đất được người dân trong và ngoài tỉnh biết đến với những món ăn đặc biệt, nổi tiếng gắn liền với văn hóa của người dân tộc Tày, Dao như Miến dong, dầu sở, mật ong, củ cải phên, dưa chua, bánh gật gù, bánh lá ngải, bánh coóc mò, trà nhân trần, trà vối, trà kim ngân, lá tắm các loại…

Trong những năm gần đây, sản phẩm miến dong Bình Liêu đã trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh được tiêu thụ rất mạnh. Hội LHPN huyện Bình Liêu đã vận động chị em tích cực tham gia trồng cây dong và sản xuất miến dong. Trước nhu cầu về loại miến dong chất lượng cao, chị em phụ nữ tại các xã của Bình Liêu đã mở rộng vùng nguyên liệu, đưa thêm một số máy móc, công nghệ vào sản xuất, chế biến kết hợp với phương pháp làm miến thủ công truyền thống giúp giữ được chất lượng đặc trưng và tăng thêm các giá trị mới về tính thẩm mỹ, đảm bảo ATVS thực phẩm. Sản phẩm Miến dong Bình Liêu đã được đóng gói, có tem nhãn mác cẩn thận có đầy đủ thông tin về thành phần dinh dưỡng, tiêu chuẩn chất lượng, ATVS thực phẩm.  

Tại huyện miền núi Ba Chẽ, thanh long ruột đỏ, ba kích tím, rượu ba kích, trà hoa vàng… đã trở thành những sản phẩm OCOP chủ lực, đem lại giá trị kinh tế cao. Hội viên phụ nữ của Ba Chẽ những năm qua đã phát huy lợi thế về các sản phẩm này để tạo nên thương hiệu sản phẩm trên thị trường. Thông qua chương trình OCOP, huyện Ba Chẽ ngày càng có nhiều điển hình nữ chủ hộ, HTX mạnh dạn vượt khó làm giàu từ tài nguyên bản địa, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Từ Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” đã khẳng định những bước tiến vững chắc trong phát triển sản xuất, nâng cao giá trị nông sản. Hội Phụ nữ các cấp trong toàn tỉnh sẽ tiếp tục tham gia đồng hành cùng chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) một cách tích cực, chủ động hơn nữa để cùng tiếp tục xây dựng thương hiệu cho nông sản Quảng Ninh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video