Phát triển vùng trồng nấm mèo nhờ liên kết để sản xuất bền vững

04/09/2024
Nhờ liên kết chặt chẽ với người trồng, mô hình sản xuất phôi nấm của gia đình chị Nguyễn Thiên Thủy (trú tại thôn Thanh Hương 2, xã Lộc Thanh, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) đã gặt hái nhiều thành công.
Chị Nguyễn Thiên Thuỷ bên những bịch phôi nấm chuẩn bị giao cho nông dân

Chị Nguyễn Thiên Thủy là chủ của trại sản xuất phôi nấm mèo Long Thủy. Từ nhiều năm nay, lượng phôi sản xuất từ trại giống của gia đình chị Thuỷ được cung ứng cho xóm trồng nấm của thôn 4, xã Đam B'ri, thành phố Bảo Lộc. 

Chị Thủy cho biết, thay vì nhập mùn cưa về xử lý như một số trại giống khác, chị chọn cách tự mua gỗ, nghiền ra mùn cưa, bắt đầu từ khâu đầu cho tới khâu cuối cùng. Khi gỗ được nghiền thành mùn cưa, chị Thuỷ sẽ bổ sung dinh dưỡng, giữ ẩm rồi qua quá trình hấp tiệt trùng, được cấy meo. 

Bịch meo cấy xong được treo lên giá, giữ môi trường ổn định trong 45 ngày, khi meo lan trắng bịch là đủ điều kiện để xuất cho bà con nông dân.

Với sản xuất phôi nấm mèo, quan trọng nhất là giữ được vệ sinh và đảm bảo môi trường ổn định. Vì vậy, trại giống của chị Thuỷ được xây dựng thoáng khí, mát, quy trình cấy được đảm bảo trong điều kiện vô trùng. 

Để có giống, chị chọn loại tai nấm đẹp, sau đó phân lập giống trong môi trường thạch, tiếp theo cấy ra lúa, cấy ra cây mì rồi mới đủ thành phẩm để cấy ra bịch. Đặc biệt, trong suốt quá trình sản xuất, chị Thuỷ tuân thủ và giám sát rất kĩ để không có bệnh lây nhiễm từ bột gỗ. 

Hiện, mỗi bịch phôi chị Thuỷ chỉ thu 1 lần, đảm bảo năng suất từ 25g tới 30g nấm khô, mang lại nguồn thu nhập ổn định từ 15.000 đến 20.000 đồng/bịch. Nhờ thu nhập từ làm phôi nấm mèo mà kinh tế của gia đình chị Thuỷ ngày một khá giả.

"Xác định liên kết lâu dài với bà con trồng nấm nên tôi luôn phải đảm bảo chất lượng phôi nấm. Nhiều người khuyên tôi nên sản xuất nấm mèo thương phẩm từ bịch phôi của gia đình để tăng thu nhập nhưng tôi không làm. 

Chăm nấm thương phẩm khác với làm phôi, nếu vừa sản xuất nấm thương phẩm vừa làm phôi rất dễ xảy ra tình trạng lây bệnh vào phôi nấm, không đảm bảo chất lượng cho bà con", chị Thuỷ chia sẻ.

Được biết, nhờ sử dụng phôi nấm chất lượng cao và được hỗ trợ kỹ thuật từ cơ sở sản xuất của chị Thuỷ, bà con trồng nấm ở xã Đam B'ri đã giảm thiểu được nhiều rủi ro trong quá trình trồng trọt, nâng cao năng suất và chất lượng nấm mèo. 

Không chỉ cung cấp phôi, trại còn hướng dẫn kĩ thuật, cung cấp các loại thuốc sinh học để bà con canh tác nấm hiệu quả. Giữ được chữ tín nên sản phẩm của chị Thuỷ sản xuất ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó.

Ban đầu, nhiều người trong vùng không biết nghề trồng nấm mèo nhưng nhờ cơ sở sản xuất phôi nấm của chị Thuỷ hướng dẫn tận tình mà sau này gắn bó với nghề trồng nấm, đời sống khấm khá, có của ăn của để. 

Còn cơ sở của chị Thuỷ, với việc liên kết trong sản xuất phôi nấm mèo, đã góp phần phát triển thành công vùng trồng nấm mèo tại xã Đam B'ri, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Theo: http://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video