Mô hình trồng cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế của phụ nữ Nghĩa Hành

26/11/2024
Trong những năm qua phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” đã và đang là hướng đi đúng đắn, mang lại hiệu quả đối với đời sống hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Nhiều hội viên ở các xã đã tự mình vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng từ mô hình trồng cây ăn quả.
Mô hình trồng cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế của phụ nữ Nghĩa Hành

Tham gia mô hình trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình bà Bùi Thị Thu, thôn Tân Lập, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành thấy hiệu quả hơn rất nhiều so với trước đây. Hiện nay, vườn bưởi nhà bà Thu đang bước vào chính vụ thu hoạch bưởi. Bà cho hay, nhà bà trồng 30 cây bưởi da xanh từ năm 2017, nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ an toàn nên bưởi phát triển rất tốt, giá cả cũng cao hơn so với giá các sản phẩm cùng loại ngoài thị trường.

“Bưởi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP rất chất lượng, bưởi ít sâu bệnh, phát triển đều quả. Hiện giá tại vườn bình quân 30.000 đồng/kg, cao hơn từ 15-20% so với bưởi thông thường, đây là điều khiến nhiều hộ dân tham gia mô hình rất vui vì sản phẩm làm ra được tiêu thụ ổn định, không lo thiếu đầu ra”, bà Thu nói.

Cũng theo bà Thu, để trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, trong quá trình canh tác, bà chủ yếu kết hợp phân hữu cơ ủ hoai mục, bánh dầu để cung cấp dinh dưỡng cho cây. Trong vườn bưởi, các loại cỏ mọc được giữ lại để điều hòa cân bằng sinh thái trong vườn, tạo môi trường thuận lợi cho các loại côn trùng có ích sinh sống.

Từ khi cây bắt đầu ra quả, bà dùng túi vải pha nilông để bao bọc quả bưởi, vừa phòng tránh sâu bệnh, vừa chống rám quả bưởi. Trong suốt giai đoạn ra quả đến thu hoạch, nhà vườn không phun hoặc sử dụng thêm phân bón, chỉ tưới nước cung cấp đủ độ ẩm cho cây.

Gia đình bà Lê Thị Minh Nhung, thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành có vườn rộng 1 ha trồng các loại cây ăn quả. Hiện vườn nhà bà có 25 cây chôm chôm 20 năm tuổi, các loại như mít thái và cau…

Mùa thu hoạch chôm chôm bắt đầu từ tháng 9 và kéo dài cho đến hết tháng 12. Năm vừa rồi bà thu khoảng 2 tấn quả với giá bán 20.000 đồng/kg. “Thổ nhưỡng ở đây rất thích hợp với cây chôm chôm nên gần như năm nào bà con cũng trúng mùa. Hơn nữa, công chăm sóc cũng như việc đầu tư phân bón... cũng khá nhẹ, nhưng hiệu quả kinh tế mà nó mang lại cao”, bà Nhung nói.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Nghĩa Hành Nguyễn Thị Kiều Hoanh cho biết, không chỉ lo làm giàu cho bản thân, các chị em phụ nữ trên địa bàn huyện Nghĩa Hành còn vận động những hội viên khác cùng nhau xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả; hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng , hỗ trợ về cây giống, vật tư... giúp chị em yên tâm, tự tin  phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo, làm giàu chính đáng.

Như Đồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video