Mô hình “Dọn nhà 3 sạch” hỗ trợ phụ nữ tham gia thị trường lao động

11/08/2024
Mô hình dịch vụ gia đình “Dọn nhà 3 sạch” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam triển khai bước đầu tại một số thành phố nhằm hỗ trợ phụ nữ tham gia thị trường lao động, phát triển sinh kế bền vững.
Các học viên tham gia tập huấn

Trong hai ngày 8 và 9/8/2024 vừa qua, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với Công ty TNHH Unilever Việt Nam tổ chức 02 lớp tập huấn về "Dọn nhà 3 sạch - Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ" cho hội viên, phụ nữ - những người đang làm giúp việc gia đình hoặc có nhu cầu làm giúp việc gia đình tại Thành phố Đà Nẵng. Đây là 1 trong 3 thành phố sẽ triển khai hoạt động tập huấn "Dọn nhà 3 sạch" trong năm 2024.

Tham dự buổi tập huấn, bà Trương Thị Thu Thủy, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Gia đình-Xã hội, TW Hội LHPN Việt Nam đã bày tỏ mong muốn buổi tập huấn sẽ trở thành chất xúc tác góp phần thúc đẩy việc hình thành các mô hình dịch vụ gia đình "Dọn nhà 3 sạch" trong các cấp Hội, đặc biệt ở các khu vực thành thị. 

Bà Thủy cũng khuyến khích các chị em phát huy niềm đam mê, tự hào đối với công việc của mình, tăng cường trao đổi, kết nối thông tin để có thể học hỏi thêm nhiều kiến thức, kĩ năng mới, góp phần lan tỏa những giá trị tích cực tới cộng đồng.

Tại buổi tập huấn, với sự tham gia hướng dẫn của các chuyên gia Nhãn hàng VIM và Công ty Btaskee, hơn 200 hội viên, phụ nữ đã được tìm hiểu và thực hành các bước dọn dẹp nhà cửa, qua đó cải thiện kỹ năng dọn dẹp và thực hiện công việc này một cách bài bản hơn, không bị ảnh hưởng bởi các hóa chất có hại cũng như tốn ít thời gian hơn. Từ đó, chị em có thể áp dụng trong thực tiễn hàng ngày của gia đình hoặc trở nên chuyên nghiệp hơn trong nghề giúp việc/dọn nhà mà mình đang tham gia.

Bà Trương Thị Thu Thủy, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Gia đình-Xã hội, TW Hội LHPN Việt Nam, phát biểu tại buổi tập huấn.

Để thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch", "5 có 3 sạch" và nội dung vun đắp giá trị gia đình Việt Nam trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, các cấp Hội luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và thí điểm xây dựng các mô hình phù hợp với từng địa phương, đơn vị và vùng miền để từ đó có những đánh giá và nhân rộng phù hợp và hiệu quả.

Mô hình dịch vụ gia đình "Dọn nhà 3 sạch" là một trong những mô hình đang được TW Hội quan tâm, nghiên cứu xây dựng trong bối cảnh nhu cầu về dịch vụ dọn nhà, giúp việc ngày càng gia tăng, đặc biệt tại các thành phố lớn. Mô hình khi được xây dựng sẽ giúp thực hiện các mục tiêu sau:

(1) Trang bị cho hội viên, phụ nữ những kiến thức, kỹ năng cần thiết khi tham gia thị trường lao động, biến những công việc trước đây không được trả công trở thành công việc được trả công;

(2) hỗ trợ, kết nối hình thành các tổ/nhóm cung cấp dịch vụ dọn nhà nhằm tạo điều kiện để chị em phát triển sinh kế bền vững ngay tại địa bàn mình đang sinh sống;

(3) góp phần giải quyết nhu cầu dọn dẹp nhà cửa của các chị em ở khu vực thành thị.

Sáng kiến về mô hình "Dọn nhà 3 sạch" sẽ tiếp tục được TW Hội quan tâm để có thêm nhiều hoạt động thúc đẩy trong thời gian tới, góp phần chuyên nghiệp hóa, chính thức hóa nghề "dọn nhà" nói riêng và các nghề giúp việc gia đình nói chung. Để từ đó, nền kinh tế chăm sóc, vốn được coi là nền kinh tế phi chính thức và của phụ nữ, sẽ ngày càng được quan tâm và ghi nhận trong quá trình phát triển kinh tế vĩ mô của quốc gia.

Theo một Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), dự báo trên toàn cầu, số lượng công việc chăm sóc và công việc có liên quan sẽ tăng từ 206 triệu năm 2015 lên 358 triệu năm 2030. Phụ nữ chiếm hơn 70% lực lượng lao động trong nền kinh tế chăm sóc toàn cầu. Giúp việc gia đình được thuê mướn trực tiếp chiếm 25% lực lượng lao động chăm sóc được trả lương.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2020, Việt Nam có khoảng 350.000 lao động giúp việc gia đình.

Các báo cáo cho thấy nền kinh tế chăm sóc đóng vai trò quan trọng trong việc xóa bỏ bất bình đẳng và thúc đẩy công bằng xã hội.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video