Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng Hội LHPN Việt Nam triển khai Đề án 01

04/11/2024
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, chia sẻ về công tác phối hợp với Hội LHPN Việt Nam thực hiện Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" (Đề án 01).
Hợp tác xã Hồng Hà (xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) sản xuất chè Shan tuyết theo hướng hữu cơ. Ảnh minh họa: TTXVN

PV: Là thành viên Ban Điều hành triển khai Đề án 01 cấp Trung ương, xin ông chia sẻ những kết quả trong công tác phối hợp triển khai Đề án?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam tham gia góp ý, xây dựng Quy chế hoạt động của Ban Điều hành cấp Trung ương; xây dựng kế hoạch triển khai Đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của hệ thống Liên minh HTX được giao trong Đề án. 

Ở cấp tỉnh, 25 Liên minh HTX (tương đương 39,7%) đã ký kết chương trình phối hợp với Hội LHPN. Nhiều Liên minh HTX tỉnh tích cực phối hợp với Hội LHPN cấp tỉnh tư vấn, hỗ trợ thành lập mới gần 200 HTX; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của gần 250 HTX do phụ nữ lãnh đạo, quản lý. 

Năm 2024, Liên minh HTX Việt Nam đã tham gia xây dựng bộ tiêu chí "Mỗi hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành là một tổ chức kinh tế tập thể văn hóa, trách nhiệm cộng đồng" do TƯ Hội LHPN Việt Nam thực hiện; tổ chức tôn vinh 100 HTX tiêu biểu, trong đó có 18% HTX do phụ nữ lãnh đạo, quản lý; ký kết chương trình phối hợp với Hội LHPN Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam; phối hợp với Liên minh HTX quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ICA-AP) tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh "Nữ lãnh đạo Hợp tác xã khu vực Châu Á - Thái Bình Dương".

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

PV: Theo ông, đâu là thách thức lớn nhất trong việc triển khai Đề án 01?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Có một số thách thức lớn chúng tôi đang gặp phải. Một là, nguồn vốn để thực hiện các cơ chế, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm theo Đề án còn hạn chế; việc phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước và ban hành cơ chế hỗ trợ các HTX thuộc đối tượng của Đề án tại một số bộ, ngành có liên quan còn chậm, chưa sát với thực tế và vướng nhiều thủ tục hành chính phức tạp…

Hai là, công tác triển khai, phối hợp thực hiện Đề án ở một số địa phương còn chậm, lúng túng, đặc biệt trong việc tổ chức, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Đề án.

Ba là, đối với hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, do chưa được bố trí kinh phí tổ chức triển khai Đề án nên trong thực hiện các nhiệm vụ được giao tham gia Đề án (công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ…), chủ yếu thông qua lồng ghép với các Chương trình mục tiêu quốc gia do các bộ, sở, ngành quản lý hoặc các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế tập thể do hệ thống Liên minh HTX Việt Nam triển khai; nguồn lực hạn hẹp, thấp so với yêu cầu hỗ trợ.

PV: Từ những thách thức đó, Liên minh HTX Việt Nam có giải pháp gì để giải quyết những vấn đề nêu trên?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Liên minh HTX Việt Nam đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng, kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chính sách hỗ trợ HTX; về bình đẳng giới, quyền lợi, vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế tập thể, HTX; vận động hội viên, phụ nữ tham gia thành lập, hoạt động phát triển HTX; tăng cường phối hợp và phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thành viên HTX, đặc biệt là HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho phụ nữ.

Hai là, kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả, tập trung và thống nhất từ trung ương đến địa phương; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn và cơ chế phối hợp giữa các bộ, sở, ngành, địa phương trong phát triển kinh tế tập thể, HTX, hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ.

Ba là, tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, có hiệu quả các đề án, chương trình, kế hoạch, chính sách hỗ trợ của trung ương và địa phương về phát triển kinh tế tập thể, HTX; tăng cường huy động các nguồn lực xã hội khác để tư vấn, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đầu tư, xây dựng hạ tầng cơ sở, trang thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể nói chung, các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, HTX có tỷ lệ lao động nữ cao nói riêng.

Bốn là, hỗ trợ các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ chủ động đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động; hoàn thiện phương án sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị; huy động các nguồn lực để phát triển hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, sản xuất, kinh doanh; xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước; tăng cường liên doanh, liên kết với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; chú trọng thương mại điện tử, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh liên kết, đa dạng hóa các dịch vụ cung ứng đầu vào, đầu ra cho thành viên.

Năm là, tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án theo kế hoạch; biểu dương, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp vào việc hoàn thành các mục tiêu của Đề án.

PV: Xin cảm ơn ông!

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video