Lào Cai: Bảo Yên đa dạng hóa việc thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em
Để triển khai những nội dung của Dự án 8 trong chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi và Đề án 1889 "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025" hiệu quả, các cấp chính quyền, đoàn thể huyện Bảo Yên đã xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể từng lĩnh vực như tuyên truyền vận động xóa bỏ định kiến; xây dựng tổ truyền thông cộng đồng...
Việc đầu tiên Hội LHPN huyện Bảo Yên triển khai là tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch gửi tới Hội LHPN các xã để họ nắm được nội dung kế hoạch để triển khai. Sau đó, Hội tích cực triển khai đồng bộ theo từng cụm xã. Xã vùng cao, vùng xa, khó khăn hơn thì làm trước còn các xã có điều kiện thuận lợi hơn tuyên truyền thúc đẩy xã đó chủ động thực hiện theo kế hoạch mà cấp huyện đã ban hành.
Cụ thể, Hội đã triển khai hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ, trẻ em.
Hội chỉ đạo Hội LHPN các xã tham mưu cho UBND xã lựa chọn các thành viên Tổ truyền thông cộng đồng đảm bảo theo quy định để ban hành quyết định thành lập tổ. Sau đó Hội LHPN huyện đã tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực, hướng dẫn vận hành và quản lý Tổ truyền thông cho 200 thành viên và chỉ đạo các xã tiến hành ra mắt 20 Tổ truyền thông cộng đồng.
Sau khi thành lập, Hội tổ chức Hội nghị tuyên truyền/chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại 20 Tổ truyền thông cộng đồng đó.
Thành lập Tổ truyền thông cộng đồng ở Bản Khao, xã Điện Quan. (Ảnh: Báo Lào Cai)
Đồng thời xây dựng Chương trình truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng tại địa phương. Các chương trình sắp tới sẽ được phát trên sóng phát thanh, trên hệ thống loa phát thanh xã bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc (Xây dựng Chương trình truyền thông bằng tiếng Việt, tiếng Mông, tiếng Dao phát trên sóng Đài Truyền thanh Bảo Yên (4 Chương trình: 2 bằng tiếng Việt, 2 bằng tiếng Mông, Dao).
Tại xã Điện Quan, UBND xã đã phối hợp với Hội LHPN xã tổ chức ra mắt Tổ truyền thông cộng đồng tại 4 bản trên địa bàn xã. Tổ truyền thông cộng đồng được thành lập tại 5 bản, gồm: Bản 1, 4, 5 và bản Khao với 40 thành viên tham gia. Đây là các bản có phần lớn hộ là đồng bào DTTS và đang chiếm đa số hộ nghèo của xã. Hội Phụ nữ xã đã tổ chức 1 buổi tuyên truyền về xóa định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại xã với gần 100 người là các hội viên, phụ nữ, trẻ em trên địa bàn…
Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Bảo Yên Ngô Hồng Thắm, để có những kết quả bước đầu nêu trên, Hội LHPN huyện và cơ sở đã tập trung bắt tay triển khai một cách tập trung, bài bản. Trong quá trình đó, cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan tâm và chỉ đạo các ngành liên quan có sự phối hợp tốt với Hội LHPN huyện và cơ sở. Nhờ đó mà tiến độ công việc cũng được triển khai khá đồng bộ và trôi chảy hơn.
Có được kết quả đó một phần do Hội LHPN huyện, xã đã biết áp dụng truyền thông trên nền tảng số và cả mạng xã hội. “Chúng tôi xây dựng mạng lưới truyền thông trên nền tảng số để chia sẻ, kết nối hoạt động của các Tổ truyền thông. Những ứng dụng từ Zalo/facebook trong công tác truyền thông, chia sẻ, cập nhật thông tin của tổ truyền thông được tận dụng một cách tối đa” - bà Ngô Hồng Thắm trao đổi.
Chưa hết, để thúc đẩy phong trào, Hội LHPN huyện Bảo Yên còn Tổ chức giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình giữa các xã trên địa bàn huyện. Trong đó nhấn mạnh đến việc thực hiện các chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em…
Chủ tịch Hội LHPN huyện Bảo Yên Ngô Hồng Thắm khẳng định: Từ những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Hội LHPN huyện Bảo Yên tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình "thay đổi nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Trong đó, Hội tập trung thí điểm và nhân rộng mô hình, địa chỉ tin cậy hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình.
Đồng thời, Hội sẽ có các hoạt động đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị… Trong đó, chú trọng các hoạt động đảm bảo tiếng nói và vai trò của phụ nữ trong các vấn đề kinh tế - xã hội tại địa phương; đảm bảo tiếng nói và vai trò của trẻ em gái trong phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng thông qua mô hình Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi"…
Có thể thấy, với việc lựa chọn nội dung, cách thức phù hợp, linh động trong quá trình triển khai, công tác tuyên truyền của các cấp Hội LHPN huyện Bảo Yên đã và đang phát huy hiệu quả, giúp hội viên, phụ nữ, trẻ em và đồng bào DTTS hiểu rõ hơn về Dự án 8. Qua đó, tạo đồng thuận, chuyển biến trong nhận thức và hành động thúc đẩy bình đẳng giới, tạo điều kiện thuận lợi trong chăm sóc và giải quyết những vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS.../.
Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em các tỉnh/thành phố phía Bắc" trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển Kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS & miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Dự án 8 do Hội LHPN Việt Nam chủ trì, xây dựng và triển khai. Giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025.
Dự án xác định 8 chỉ tiêu cốt lõi trong giai đoạn 1 và giao cụ thể cho từng địa phương đảm nhận, gồm: 9.000 tổ truyền thông cộng đồng được thành lập và duy trì hoạt động; 3.000 tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản được củng cố nâng cao chất lượng/ thành lập mới và duy trì; 1.000 địa chỉ tin cậy cộng đồng được củng cố, nâng cao chất lượng trên cơ sở mô hình hiện có hoặc thành lập mới; 1.800 CLB thủ lĩnh của sự thay đổi được thành lập, nâng cao năng lực và hỗ trợ tổ chức hoạt động; 500 tổ/nhóm sinh kế do phụ nữ tham gia quản lý được hỗ trợ ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường; 80% phụ nữ DTTS có tỷ lệ sinh con tại nhà cao được tuyên truyền, vận động, tư vấn và tiếp cận với dịch vụ sinh đẻ an toàn; 4.400 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản được tổ chức tại địa bàn đặc biệt khó khăn; 2000 cán bộ nữ DTTS được nâng cao năng lực phù hợp.
Đối tượng của dự án là phụ nữ và trẻ em gái tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi với mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.