Kinh nghiệm đẩy lùi tư tưởng "phải có con trai"

02/12/2024
Dừng lại ở 2 con là cách nhiều hộ gia đình người dân tộc thiểu số tại xã Thanh Sơn (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) đã thực hiện để nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.
Vợ chồng chị Lô Thị Điệp bên ngôi nhà của mình

"Sinh nhiều con vất vả lắm"

Lấy chồng từ năm 19 tuổi, chị Ốc Thị Hiền (xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) liên tục sinh 3 con gái. Nhìn các con đang ở tuổi "trứng gà, trứng vịt", chị Hiền thở dài nói:

"Công việc hàng ngày của tôi là làm nông, đi làm thuê nên thu nhập mỗi ngày được khoảng 200.000 đồng. Vợ chồng tôi phải rất cố gắng để lo liệu cuộc sống gia đình. Sinh con nhiều vất vả lắm, mọi công việc trong nhà dồn cả lên vai phụ nữ. 

Mình không có thời gian để chăm sóc bản thân, tham gia các hoạt động xã hội. Buồn hơn cả là đời sống kinh tế gia đình còn khó khăn quá. Căn nhà này chúng tôi xây đã mấy năm mà vẫn còn dang dở, vật dụng trong nhà chỉ có bộ bàn ghế, chiếc tủ, chiếc giường cũ".

Trò chuyện cùng chị Dặm Thị Sáu, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Sơn, chúng tôi được biết, nhiều hộ gia đình người dân tộc Thái, dân tộc Khơ Mú sinh sống trên địa bàn còn coi trọng việc "phải có con trai". 

Chính vì vậy, trước đây, tình trạng sinh nhiều con như gia đình chị Ốc Thị Hiền khá phổ biến trong xã. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề này đã được cải thiện. 

Chia sẻ về kinh nghiệm tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân trong thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình, chị Dặm Thị Sáu cho biết, không gì thiết thực bằng việc đưa ra những câu chuyện, ví dụ thực tế để chị em tự quyết định có nên sinh nhiều con hay không.

Để minh chứng cho câu chuyện của mình, chị Dặm Thị Sáu dẫn chúng tôi đến thăm gia đình chị Lô Thị Điệp (người dân tộc Thái, chồng là người dân tộc Khơ Mú) tại bản Thanh Hòa. Chị Điệp cho biết, dù sinh con một bề nhưng vợ chồng chị vẫn quyết định chỉ dừng lại ở 2 con.

"Sinh nhiều con vất vả lắm, người phụ nữ phải lo toan nhiều việc, từ dạy bảo, chăm sóc con cái đến các công việc khác của gia đình. Tôi thấy, nhà có hai con thì việc lo cái ăn, cái mặc không bị áp lực nặng nề như nhà đông con. Đời sống hiện nay khác xưa rồi, cần quan tâm đến chất lượng sống hơn. Như nhà tôi có điều kiện để mua sắm tivi, bình nóng lạnh, tủ lạnh, máy giặt… 

Nếu sinh nhiều con, có lẽ tôi sẽ không có đủ tiền để mua sắm những đồ dùng này", chị Lô Thị Điệp chia sẻ.

Chị Ốc Thị Hiền cùng các con

Linh hoạt trong tổ chức tuyên truyền

Không sinh nhiều con để cuộc sống đỡ vất vả hơn cũng là quyết định của nhiều gia đình tại xã Thanh Sơn. Chị Dặm Thị Sáu cho biết, những năm qua, công tác dân số và phát triển được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. 

Nhờ đó, ý thức của người dân về thực hiện chính sách dân số ngày càng được nâng lên. Toàn xã có 1.020 hội viên phụ nữ, 100% là dân tộc thiểu số. Hội LHPN xã Thanh Sơn đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động chị em thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình, dừng lại ở hai con để nuôi dạy, chăm sóc cho tốt và tập trung chăm lo phát triển kinh tế. 

Cụ thể, Hội LHPN xã đã tham mưu và chủ trì phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, trạm y tế xã truyền thông về tránh thai, kế hoạch hóa gia đình và cấp phát dịch vụ tránh thai cho hội viên có nhu cầu.

"Xuất phát từ tình hình của xã, hầu hết hội viên phụ nữ người dân tộc thiểu số đều không có việc làm ổn định, chị em thường đi làm thuê, làm các công việc thời vụ nên việc tuyên truyền cần linh hoạt, tổ chức vào các khung thời gian mà chị em ở nhà. 

Chúng tôi mong muốn Hội LHPN cấp trên tiếp tục quan tâm và có chương trình kế hoạch để các hoạt động truyền thông về sinh đẻ an toàn, kế hoạch hóa gia đình đến được với các thôn, bản nhiều hơn, giúp hội viên phụ nữ tiếp cận các kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản hiệu quả hơn", chị Dặm Thị Sáu cho biết.

Báo PNVN

CÁC ĐỀ ÁN

Video